(Baonghean) - Người bản quê tôi gọi con sông Lam là Nậm Pao và những vùng đất dọc ven sông đều gọi là “pao”. Trong vùng chỉ có 2 con sông lớn là Nậm Pao và Nậm Khặng (Sông Giăng), vì thế Nậm Pao trở thành cách gọi chung cho những con sông. Ngày ấy, trong bản có người đi xa về lại kể: “Nặm Pao của họ còn to và rộng hơn ở quê mình”. Sau này được đi nhiều hơn, tôi mới biết ngoài Nặm Pao còn có những con sông lớn như Nậm Mộ, Nậm Nơn, Nậm Rốm, Hồng Hà, Cửu Long…
 
Từ buổi lên 5, lên 6 tôi cùng chúng bạn đã ra suối học bơi. Rồi con suối nhỏ không còn đủ lớn để chúng tôi vùng vẫy, thế là tìm ra sông. Lần đầu đúng trước dòng sông, chẳng mấy ai không khỏi choáng ngợp. Sông vẫn bình thản trôi, như một cụ già khả kính khiến bầy trẻ yên lòng. Chỉ một chốc sau, chúng tôi đã ùa xuống cười đùa váng mặt sông. Nước sông trong vắt, phía đôi bờ là những cánh đồng mỗi mùa mỗi thức, khi thì ngô, khi thì đỗ, lạc. Những bóng thuyền thẩn thơ buông lưới. Ngày ấy, chỉ có dân vạn chài đi thuyền đánh cá. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi nghĩ rằng cuộc sống của họ thật là nhàn nhã.
images1016677_th_c_s_ng_gi_ng__m_n_s_n___con_cu_ng___nh_ph_ng_v_n_m_i.jpgThác sông Giăng (Môn Sơn - Con Cuông). Ảnh: Phùng Văn Mùi
 
Vào những ngày nắng nóng, chúng tôi thường kiếm cớ đi học thật sớm để rủ nhau tranh thủ ra tắm sông. Người lớn bận bịu suốt ngày trên nương, trên rừng, nhưng rồi cũng biết chuyện con con cái trốn ra sông tắm do đám đàn bà, con gái trong bản ra sông vớt rêu, xúc cá bắt gặp rồi về mách lẻo. Người lớn sợ trẻ ra sông tắm có ngày chết trôi. Có đứa bị đánh đòn nhưng vẫn không chịu chừa. Riêng bà tôi chỉ dọa: “Ngoài Nậm Pao có con thuồng luồng!”. Dọa vậy thì đời nào tôi mới sợ. Nhưng rồi tôi cũng nghe câu chuyện về cái vực nước Chộng Cụa trên sông Lam cạnh núi Pu Cụa là nơi cư ngụ của thuồng luồng. Ngày trước, vào những đêm trăng sáng nó lại hóa thành người con trai hào hoa vào “cưa cẩm” gái bản. Nghe bảo thuồng luồng không ngồi chiếu như người mà chỉ ngồi trên chiếc nong phơi. Về sau, thân thế bị bại lộ, thuồng luồng mới trốn biệt, không trở lại nữa.
 
Chuyện về con thuồng luồng biết bắt người không có tác động bằng những sự việc đau lòng mà bầy trẻ được chứng kiến. Cứ lâu lâu, một người trong bản, thậm chí là dân vạn chài bị đuối nước. Người lớn bơi giỏi cũng có, nhiều nhất là trẻ con.  Mỗi khi có người chết đuối, nỗi sợ dòng sông lại dâng lên. Mặt sông lại vắng bóng tiếng cười con trẻ. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó bầy trẻ lại trở ra với con sông. Nỗi sợ rồi sẽ qua nhanh, sức hấp dẫn của dòng nước trong mát thì còn lại mãi.
 
Lớn thêm một chút tôi biết đi vớt rêu, bọn con gái trong bản biết theo mẹ ra sông xúc cá. Ý nghĩ về dòng sông trong tôi cũng lớn lên từng ngày. Hóa ra, những gì tôi biết về Nậm Pao chỉ gói gọn trong phạm vi nơi mình sinh sống, chỉ là một khúc đoạn của con sông. Nhưng đó chẳng phải là điều lớn lao. Với tôi, điều quan trọng là những vui buồn dòng sông mang lại đã giúp tôi lớn lên từng ngày. Tôi nhớ, ngày trước mỗi lần đạp xe qua Eo Vực Bồng cạnh con sông lại nghĩ ngay đến những gì ông ngoại đã kể về những người phu đường thời Pháp thuộc. Thời ấy, đoạn đường này là một vực nước sâu, người ta phải làm những chiếc trụ cầu bằng rọ sắt lèn đầy đá hộc rồi bắc ván gỗ cho xe đi qua. Đã có không ít người bỏ mạng vì phục dịch cho quan Pháp. Còn cha lại dạy tôi cách nhìn nước sông mà biết được “bụng ông trời”. Nếu nước sông có màu nâu đỏ thì thượng nguồn sông Nậm Mộ có mưa, nước sông màu nâu đen thì có mưa đầu nguồn sông Nậm Nơn. Đó là hai sông nhánh lớn làm nên con sông Lam, dân bản chúng tôi vẫn quen gọi là Nậm Pao.
 
Quãng mươi năm trở lại đây, Nậm Pao của tôi đã đổi khác nhiều. Người ta không còn nghe thấy tiếng cười đùa của bầy trẻ trên mặt sông nữa. Những chiếc thuyền đào vàng đã làm con sông vẩn đục. Rồi người ta ngăn dòng làm thủy điện khiến có những khúc sông sâu vốn là nỗi ám ảnh của biết bao người nay có thể dễ dàng lội qua. Có lúc nước lũ trên nguồn đổ về và dòng sông bỗng chốc trở nên hung hãn, cuốn phăng đi tất cả. Dòng chảy thay đổi, nước sông đục ngầu khiến cho rêu sông không còn tươi xanh. Người bản đành phải từ bỏ đi một món ăn truyền thống từ bao đời người, món rêu hấp. Có lần đi qua vực nước Chộng Cụa, thấy chỉ còn sâu bằng chiếc ao nhỏ. Tôi tự hỏi chẳng biết con thuồng luồng hóa thành người vào bản ngày nào giờ đây sống ra sao?
 
Ông ngoại tôi đã ngoài 90 tuổi, mỗi tháng đôi lần vẫn đạp xe trên mười cây số ra chợ huyện lấy hàng tạp hóa về bán. Ông bảo vẫn thường ngó xuống con sông mà chỉ biết thở dài. Ông bảo sông cũng đã già đi như ông thôi. Già vậy thôi, nhưng con sông còn mạnh mẽ lắm. Người không biết hồi sinh, nhưng sông thì có thể đấy. Mới chiều qua, tôi đội màn mưa đi ngang Eo Vực Bồng, ngóng xuống con sông thấy nước đầu nguồn vẫn cuồn cuộn đổ về. Chợt nhớ đến lời ông ngoại. Quả là con sông vẫn còn mạnh lắm. Nhưng nó chỉ mạnh trong những cơn cuồng nộ, những lúc dỗi hờn, trước sự vô tâm của con người!
 
Hữu Vi