(Baonghean) - Nếp phố nhỏ với những giàn hoa giấy, đôi khóm tre vàng ôm lấy những vòm cổng khiêm nhường. Cái nhộn nhịp thoáng chốc của mỗi ban sáng, ban trưa và chiều tối đủ lấp đầy cảm giác vắng lặng từ trong các khu nhà xưởng gần như bị bỏ phế và cuộc sống có phần giản dị của bộ phận cư dân mặt phố vốn là những người thợ máy, thợ xây của một thời bao cấp… Phố Cù Chính Lan của TP. Vinh còn giữ lại ký ức một thời Thành Vinh lửa đạn và kiến thiết sau chiến tranh…
Đường Cù Chính Lan có lẽ có chiều dài khiêm tốn nhất trong các đường phố của Thành phố Vinh, chỉ 300 mét, nối quãng giữa đường Nguyễn Thiếp uốn vòng cung xuyên sâu trong khu dân cư phía sau, đường Cù Chính Lan như là mũi tên phóng ra đường lớn Lê Duẩn trục thông thương Nam – Bắc. Phố ngắn, hẹp, nhưng đây là một con phố ẩn chứa những nếp sinh hoạt phố riêng biệt: Thâm trầm mà năng động, nhộn nhịp nhưng không xô bồ, dân cư vốn người muôn quê nhưng chung một nề nếp phố thân tình, gắn bó. Đến với phố người ta đều muốn nán lại, trò chuyện với những con người thân thiện ở đây…
Trước năm 1990, đường còn là lối đi đất cát thập thõm, chủ yếu cho dân Hưng Thủy (Hưng Dũng – Bến Thủy) ra đồng gặt lúa. Nghĩa là lúc ấy, khu dân cư đông đúc sau vòng cung đường Nguyễn Thiếp bấy giờ còn là “đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát…”. Trước nữa, thời chiến tranh, quanh đường Cù Chính Lan là khu vực hậu cần của bộ đội Phòng không Quân khu 4, xe pháo về duy tu bảo dưỡng rậm rịch ngày đêm. Tre pheo, cây cối rậm rì. Đến đầu những năm 1980, các xí nghiệp của Công ty 6 (Công ty CP Trung Đô bây giờ) ở đây bắt đầu xây nhà tập thể cho cán bộ, công nhân; tiếp đó là khu tập thể của Khách sạn Phượng Hoàng - thì đường mới giữ nguyên hình hài cho đến nay.
Cựu chiến binh, Thượng tá Trần Huy Toản vốn quê Nghi Xuân – Hà Tĩnh, nay đương chức Khối trưởng khối 7 của phường Trung Đô, nơi đường Cù Chính Lan nằm gọn trên địa bàn khối. Nhà ông bám mặt phía Tây phố, tường nhà gần như sát mặt đường. Vợ ông Toản cũng là cựu binh và là sỹ quan hẳn hoi! Khi ông sôi nổi trò chuyện phố xá với chúng tôi, bà nhẹ nhàng chào khách rồi bế đứa cháu nhỏ ra tắm nắng dưới vầng lá hoa giấy xanh rờn trước cửa. Ông Toản phân trần rằng nhà cửa dân cư sát rạt đường phố thế là do quy hoạch cũ sau này khó đổi. Ông Toản xây nhà năm 1990 trên đất tiêu chuẩn hóa giá nhà tập thể của vợ khi bà đã xuất ngũ chuyển ngành sang làm ở Khách sạn Phượng Hoàng. Nhà đổ “vê-răng-đa” thuộc hàng oách nhất phố thời đó. Nâng cấp mấy lần mới khang trang 2 tầng ốp gạch chống thấm như bây giờ, nhưng vẫn rối rắm phòng buồng, phòng nào cũng bé tin hin, được cái gia chủ chăm chút, bài trí chỉn chu... Suốt cả dọc phố, trừ vài nhà tầng kiến trúc kiểu với vụt lên lạc lõng, còn lại đều là kiểu cũ như thế, thậm chí còn vài dãy cấp 4 nguyên trạng hồi tập thể, dù cố gắng sửa sang vẫn lồ lộ mái ngói cũ xỉn in chữ “kiến thiết” là ngói lò nung thời bao cấp.
Biết mục đích chúng tôi tìm hiểu để viết về con phố mang tên Anh hùng, liệt sỹ Cù Chính Lan, ông Toản bèn bấm đốt tay lẩm nhẩm đếm cả phố có mấy chục số nhà thì có tới 25 cựu chiến binh chống Mỹ, trong đó có 10 người thương binh đủ hạng từ hạng 4 đến hạng 1. Ông Toản sinh năm 1953, nhập ngũ 1971 làm lính bộ binh, chiến đấu khắp chiến trường miền Nam, phía Bắc, Lào, Campuchia, sau về làm cán bộ tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ An, nghỉ hưu năm 2007, đến năm 2012 thì được bầu làm xóm trưởng. Xông pha trận mạc đến thế nhưng ông là người lãng mạn, thơ ca, hò vè rất say mê. Chẳng học nốt nhạc nào nhưng cũng đã viết được mấy bài hát giật giải văn nghệ quần chúng của thành phố và Hội Cựu chiến binh. Nói chuyện phố, ông bảo tự hào và yêu phố nhỏ này lắm! Liếc nhìn thấy bà vợ tủm tỉm khuyến khích, ông gõ nhịp bài hát do ông sáng tác, được thành phố in vào sách nhạc và thường xuyên phát trên chương trình phát thanh khối: “…Ai đi qua sông Lam/ Ai về Bến Thủy, Trung Đô tới Phượng Hoàng, xin ghé lại Cù Chính Lan/… Ơi… trăm nhớ ngàn thương!… Hát xong, ông nói: “Tôi chưa ăn thua đâu nhé. Phố này còn có một ông trung tá nhạc công Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4, về hưu đi dạy nhạc suốt ngày. Nhà ông ấy có 3 anh em trai là liệt sỹ, được ông thờ phụng cảm động lắm!”.
Bấm di động gọi thì ông trung tá nhạc công vắng nhà, cựu chiến binh - khối trưởng Trần Huy Toản dẫn tôi sang nhà cựu chiến binh, bệnh binh chất độc da cam Hồ Vĩnh Bảo, nguyên Bí thư chi bộ, Khối trưởng khối 7, Trung Đô giai đoạn 2002 – 2008. Nhà ông Bảo nằm trong lối ngõ rộng rãi, nhưng cũng một kiểu nhà “vê” nâng cấp dần như nhà ông Toản. Đánh Mỹ miết trong miền Đông Nam bộ, hòa bình về lấy vợ công nhân Công ty 6, ông Bảo cũng định cư theo tiêu chuẩn đất tập thể hóa giá của vợ. Ông Bảo khoe: “Phố ngắn xệu, nhưng có tới 5 con ngõ, thì 4 ngõ đã được gắn biển ngõ phố văn minh, năm 2014 này sẽ “làm” luôn ngõ còn lại. Phố bây giờ chủ yếu còn cánh trung niên, già cả hưu trí ở nhà, vì con cái hầu hết học đại học, đi ra thành đạt. Tôi có 3 con đều học đại học và làm việc ở Hà Nội cả”. Ấy nhưng, phố không “già hóa” đi mà như trẻ trung hơn nhờ hầu như nhà nào cũng có một vài phòng trọ cho sinh viên Đại học Vinh thuê. Theo ông Bảo thì cả phố hiện có khoảng 200 sinh viên thuê trọ, nên dịch vụ cũng khá phát triển. Có nhà dù đất hẹp cũng xây chót vót 5 tầng cho sinh viên thuê.
Vài thập kỷ trước, cả đường Cù Chính Lan quán xá dịch vụ chỉ có một hàng bán phở có cả suất “không người lái” và đối diện góc vỉa hè bên kia là hàng nước chè đêm đêm leo lét đèn dầu. Những chỗ đó nay thay vào là một shop quần áo thời trang đối diện với cửa hàng mua bán, sửa chữa máy tính. Chạy suốt hai bên mặt phố bây giờ đã phong phú dịch vụ: cắt tóc, spa, cà phê, bún phở, xôi, bánh mướt… Có cả hàng tạp phẩm cũng bé tin hin treo biển “Hàng Thái Lan chất lượng”, con bé bán hàng trắng xinh như búp bê nhanh nhảu bảo, nhà cháu chỉ cần trưng ra thế này, nhưng ai cần món gì, số lượng bao nhiêu thì cũng chỉ “5 giây” là có! Kế gần đó có hàng cho thuê xe máy với 6 chiếc “Uây an-pha” dựng 3 lớp từ ô bếp cũ xuống tận mặt đường, thuê 1 tiếng đồng hồ 15 nghìn đồng; sinh viên thuê chỉ cần chứng minh thư, còn nhà chủ nối mạng cập nhật, nó học lớp nào khóa nào, còn học hay đã bỏ... đều biết tuốt, đố chạy! Cuối phố nơi nối vào đường Nguyễn Thiếp, đối diện với nhà ông cựu thợ lái máy ủi để tóc dài búi tó như nghệ sỹ, là sạp bán rau quả, thực phẩm, được coi là “chợ” thực phẩm tươi sống của cả phố. Và phố nhỏ chỉ cần mỗi cái sạp ấy thôi. Nắng mưa, gió bão gì mặc kệ, một bước ra phố là có ngay rau quả, thịt cá tươi đủ loại.
Khi ánh chiều loe những hoa nắng cuối cùng xuống phố, là khi đường Cù Chính Lan náo nhiệt nhất. Người ở các khu dân cư phía trong xe đạp, xe máy vun vút lao ra phía phố lớn. Các hàng quà đã túm tụm khách. Bên những vòm cổng nhỏ các bà, các chị ra hóng chút gió chiều, người đầu phố ới cái người cuối phố đã rõ tiếng… Phố nhỏ xôn xao hẳn lên.
Đình Sâm
Cù Chính Lan sinh năm 1930 ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. 16 tuổi (năm 1945) Cù Chính Lan gia nhập đội thiếu niên ở làng rồi tham gia dân quân xã. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, Cù Chính Lan là thế hệ thanh niên đầu tiên trong xã tình nguyện nhập ngũ. Trong chiến dịch Hòa Bình (chống Pháp), trận Giang Mỗ lần thứ hai ngày 13/12 /1951, Cù Chính Lan đã nhảy lên xe tăng tiếp viện của địch và ném lựu đạn vào buồng lái tiêu diệt gọn, góp phần quyết định để trận đánh kết thúc thắng lợi. Hành động chiến đấu anh dũng của Cù Chính Lan diệt xe tăng của quân Pháp do Mỹ trang bị, mở đầu phong trào đánh xe tăng địch bằng vũ khí thông thường trong quân đội ta. Ngày 29/12/1951, Cù Chính Lan tham gia trận đánh tiêu diệt đồn Cô Tô. Mặc dù bị thương rất nặng nhưng đồng chí vẫn không rời trận địa, tiếp tục chỉ huy tiểu đội liên tiếp phá 5 hàng rào dây thép gai vào lô cốt địch. Khi đồn chính bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn cũng là lúc đồng chí trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 20 tuổi. Tên của Anh hùng, liệt sỹ Cù Chính Lan được đặt tên đường tại nhiều đô thị trên cả nước. |