Sau hàng chục năm bươn chải làm ăn ở Long Khánh (Đồng Nai), năm 2004, vì hoàn cảnh gia đình chị Lê Thị Hóa cùng chồng con trở về quê. Thời gian ở Đồng Nai, cả anh và chị đều làm công cho các trại nấm có quy mô, nắm chắc kỹ thuật và đặc điểm của từng loại nấm. Mang theo vốn kiến thức đó và số tiền bao năm làm thuê tích góp được, anh chị bắt đầu trồng thử nghiệm những phôi nấm đầu tiên, song do thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, người dân ở quê chưa mấy ai biết và sử dụng loại thực phẩm này nên anh chị đành bỏ dở…
Mãi đến năm 2019, sau khi ổn định được kinh tế gia đình, nghiên cứu được tiềm năng thị trường về loại rau sạch này, anh chị quyết tâm gây dựng cơ sở sản xuất nấm quy mô, làm giàu từ cây nấm. Gần 3.000 m2 đất được anh chị thuê mượn lại, dựng các lán trại để trồng nấm: Nhà chứa nguyên liệu, nhà cấy nấm và khử trùng, nhà ươm tơ, nhà treo nấm… với kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng.
Mặc dù đã có hàng chục năm kinh nghiệm về trồng nấm, vậy nhưng, khi bắt tay vào làm thì anh chị cũng gặp không ít khó khăn khi thời tiết ở quê khắc nghiệt hơn ở Đồng Nai, sau vài lần trồng thử, ban đầu là lỗ vốn, đến khi hòa vốn và sau 3 tháng thì bắt đầu có lãi tốt. Vừa trồng vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn nên thu nhập của gia đình chị tăng lên từng ngày.
Hiện, với quy mô 3.000 m2 xưởng sản xuất, gần 100.000 phôi nấm, mỗi ngày cơ sở sản xuất nấm của chị Hóa cung ứng ra thị trường khoảng 1 tạ nấm các loại: bào ngư xám, đùi gà, mộc nhĩ, sò trắng, nấm rơm, linh chi… , tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động địa phương với mức thu nhập 200.000 – 300.000 đồng/ngày.
Chị Lê Thị Hóa cho biết: “Thuận lợi nhất trong việc trồng nấm là tận dụng được phế phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương: cám ngô, cám gạo, thân cây sắn, rơm rạ, mùn cưa… Nấm là một loại rau cực kỳ sạch do tất cả nguyên liệu để làm nấm đều phải sạch, hoàn toàn tự nhiên và không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Chất dinh dưỡng trong nấm cao gấp nhiều lần so với các loại thực phẩm khác. Do đó, thị trường rất ưa chuộng, nhất là các đền chùa, các nhà hàng, khách sạn”.
Trồng nấm không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự cần mẫn. Phải dành nhiều thời gian theo dõi, kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để nấm phát triển. Trại thường duy trì nhiệt độ ở mức 25 - 30oC và độ ẩm khoảng 65 - 70%. Nếu làm tốt khâu kỹ thuật thì mỗi phôi nấm sẽ cho thu hoạch từ 4 - 5 lứa. Hiện tại, chị Hóa đang tiếp tục đầu tư hệ thống thanh trùng các nguyên liệu và sẽ tiến hành thử nghiệm trên nhiều giá thể khác nhau như: xác thân ngô, cùi ngô, bèo… những phế phẩm sẵn có ở địa phương. Để tận dụng phế phẩm của phôi nấm thu hoạch xong là mùn cưa, chị xử lý vôi, khử trùng để phối trộn trồng nấm rơm trên khay gỗ và trên đất cho năng suất cao. Đây là cách hạn chế tối đa sự tận thu của các nguồn và đồng thời hạn chế thải ra môi trường các chất phế phẩm gây ô nhiễm.
Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Hóa cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình khép kín và mở rộng quy mô, sản xuất phôi nấm để đáp ứng nhu cầu của người dân, các trang trại, đồng thời nghiên cứu sử dụng phế phẩm của các phôi nấm để làm phân hữu cơ cung cấp cho bà con trong vùng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chị cũng mong muốn được truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân về kỹ thuật trồng nấm, giúp bà con chuyển đổi sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.