(Baonghean) - Trong hồi ký của mình, Thượng tướng Phùng Thế Tài (nguyên Tư lệnh Phòng không, Không quân) - người trực tiếp chỉ huy toàn quân đánh thắng Không quân Mỹ trận đầu 5/8/1964, kể lại: “Buổi trưa 5/8, Phan Đăng Cát cầm giấy phép tạm biệt đơn vị về thăm nhà. Mới đi được nửa đường thì nghe tiếng súng bắn máy bay địch, anh quay về trận địa, nhảy lên mâm pháo chỉ huy chiến đấu. Địch bố trí một tốp 3 chiếc A4D bắn phá Đại đội 138 E280, nhưng hoả lực của đơn vị vẫn kiên cường đánh trả quyết liệt. Phan Đăng Cát 3 lần bị thương vẫn kiên quyết không rời trận địa. Anh đã anh dũng hy sinh ngay trên mâm pháo và là Liệt sĩ đầu tiên của bản anh hùng ca đánh thắng không quân Mỹ”.
Liệt sĩ Phan Đăng Cát sinh ngày 14/6/1943, tại thôn Trung Mỹ, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, trong một gia đình nông dân nghèo, nhà có 7 anh em. 18 tuổi, anh tình nguyện nhập ngũ và được biên chế về Trung đoàn 280 Pháo cao xạ bảo vệ Thành phố Vinh. Đại tá Bùi Thúc Nhâm (nguyên Chủ nhiệm Phòng không Quân khu 4, nguyên Trưởng Ban Tác chiến Trung đoàn 280 trong trận đầu 5/8/1964) cho biết: Phan Đăng Cát hiền lành, ít nói nhưng lại rất nhanh nhẹn, linh hoạt, có sức khoẻ và trí nhớ rất tốt. Vào quân đội huấn luyện tân binh, anh đạt ngay danh hiệu: Chiến sĩ toàn năng. Môn kiểm tra nào cũng đạt loại giỏi và được chọn đi đào tạo khẩu đội trưởng. Vào huấn luyện binh chủng pháo 57 mm, thời kỳ đó là loại vũ khí hiện đại, yêu cầu 5 pháo thủ đều vừa phải tinh thông kỹ thuật, vừa phải hiệp đồng chặt chẽ với nhau, viên đạn mới trúng kẻ thù. Anh chăm chỉ, cần mẫn nên cả kỹ thuật lẫn chiến thuật đều đạt loại xuất sắc. Vì thế, khẩu đội 8, Đại đội 138 do anh làm khẩu đội trưởng luôn là cánh chim đầu đàn của Trung đoàn.
Đóng quân cách nhà chưa đầy 20 km, gần 1 năm Phan Đăng Cát vẫn chưa có dịp về thăm nhà. Trực chiến căng thẳng, mỗi lẫn đơn vị được vài người nghỉ phép, Cát đều nhường cho đồng đội ở xa đi trước. Trưa 5/8/1964, cầm tờ giấy nghỉ phép trong tay, anh bịn rịn tạm biệt khẩu đội. Vừa rời trận địa được gần 2km, tiếng kẻng báo động máy bay địch của Trạm 05 trên núi Quyết khua vang. Một tốp giặc bay A4 từ phía Đông lao vào bầu trời Vinh. Không phút chần chừ, Phan Đăng Cát chạy như bay về trận địa, nhảy vào công sự chỉ huy khẩu đội chiến đấu. Có anh, khẩu đội như được tiếp thêm sức mạnh. Các trận địa phòng không trên núi Quyết, trên các nhà cao tầng, lưới lửa phòng không của Trung đoàn 280 đã nhã đạn chính xác chặn đứng các đường bổ nhào ném bom của máy bay Mỹ. Là trận địa pháo trung cao chủ lực của thế trận phòng không Vinh, hoả lực ánh chớp đầu nòng súng nên sau 3 lần nổ súng, trận địa Đại đội 138 của Phan Đăng Cát đã lọt vào tầm ngắm của 8 máy bay Mỹ. Chúng thay nhau bắn rốc-két, ném bom vào trận địa. Một mảnh cắm vào hông phải làm anh Cát khịu xuống. Như có sức mạnh lạ kỳ, anh lại đứng lên, tay nắm chặt thùng đạn để đứng thẳng anh tiếp tục chỉ huy khẩu đội. Lại một trận bom dội vào trận địa, biết Phan Đăng Cát bị thương lần thứ 2, Đại đội trưởng ra lệnh cho tổ cứu thương đưa anh về phía sau. Cố nén cơn đau, Phan Đăng Cát vẫn dõng dạc: “Tôi còn chiến đấu tốt, xin được ở lại trận địa!”.
Trong lần tấn công thứ 7 của máy bay Mỹ, một mảnh bom cắm vào ngực trái, lúc này anh Cát mới chịu trao cờ chỉ huy và trút hơi thở cuối cùng trên tay đồng đội.
Hai 21 tuổi đời, 3 tuổi quân, gương chiến đấu dũng cảm của Phan Đăng Cát đã đi vào lịch sử Bộ đội Phòng không Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Phòng không, Không quân, Bảo tàng Quân khu 4 đang lưu giữ những hiện vật quý về anh. Đó là chiếc áo ba lần thắm đỏ dòng máu, chiếc ba lô, tấm giấy nghỉ phép của anh... Người Liệt sĩ đầu tiên trong bản anh hùng ca trận đầu thắng Mỹ sống mãi trong trí nhớ, tâm tưởng đồng đội và các thế hệ tiếp nối...
Nguyễn Khắc Thuần (TP. Vinh)