(Baonghean) - Làng chài Ngư Phong bây giờ là đơn vị xóm duy nhất của xã Phúc Thọ (Nghi Lộc) được mang tên chữ mà không đánh số thứ tự như các xóm khác; và là làng chài duy nhất của tỉnh Nghệ An còn giữ nghề câu vàng trong đánh bắt hải sản. Thu nhập có phần thấp hơn so với các nghề vây, rê, giã... nhưng nghề câu vàng cũng có quyền tự hào là “văn minh” so với các nghề đi khơi hiện nay...

Làng bám mặt đường du lịch hẳn hoi, lại cách bãi tắm Cửa Hội chỉ 6 cây số. Ấy nhưng, 82 nóc hộ chỉ có mươi nhà khang trang như nhà lão ngư Nguyễn Thanh Giáng, xây bằng tiền con cái đi xuất khẩu lao động gửi về. Đã vào tuổi 72, lão hấp háy cặp kính lom lom nhìn khách rồi khấp khởi đi pha trà. Dân kẻ bể bộc tuệch, hiếu khách. Trong khi bà vợ tất tả đi mua mực về nướng đãi khách thì cô con dâu út đã nhanh nhẹn ới gọi anh con trai cả lão Giáng và ông xóm trưởng tới. “Bọn tui đây đều là những người dày sông nước với nghề câu vàng. Chuyện nghề, chuyện bể kể cả ngày không hết, chỉ tiếc lớp trẻ nhãng dần nghề”. - Thế nghề sẽ thất truyền chắc? - “Không!” - Lão Giáng lắc đầu rồi nói: - “Bọn trẻ đi kiếm việc khác trên bờ, hay xuất khẩu lao động, thì đến tuổi trung niên rồi chúng nó cũng sẽ về bám ngề truyền thống thôi mà. Có điều, nhớ cái không khí thời mới thành lập HTX Ngư Phong.
 
Để thành làng như bây giờ, thuyền lớn, thuyền nhỏ căng buồm vươn khơi, vừa tích cực đánh bắt hải sản, vừa hăng hái tham gia vận tải tiếp viện cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cái sinh sống nhờ vào biển cả, cũng có những cái chết trên biển cả...”. Lão ngư Nguyễn Thanh Giáng chợt trầm ngâm. Xóm trưởng Nguyễn Thanh Hải liếc nhìn lão, bảo tôi: “Cha tôi và ông Giáng đây đều là Phó Chủ nhiệm HTX Ngư Phong trong buổi đầu thành lập... Năm 1968, Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, máy bay thả ngư lôi dày đặc trên cửa sông Lam cho lên đến Bến Thủy, mỗi chuyến xã viên ra khơi đánh bắt hải sản là phải có thuyền hoa tiêu chạy trước, rà phá, mở đường. Ngày mùng 5 tháng 8 âm lịch của năm 1968, thuyền cha tôi làm nhiệm vụ ấy, vướng thủy lôi, người trên thuyền chết cả, sau chỉ tìm thấy mỗi xác cha tôi. Dừ, cả làng vào ngày ấy có tới 6 cái giỗ!”. 
images1019133_d_n_ch_i_ng__phong__ang_chu_n_b__cho__chuy_n_bi_n_m_i.jpgDân chài Ngư Phong đang chuẩn bị cho chuyến biển mới.
 
Chiến tranh, làng mạc nào trên đất Việt này mà không có những câu chuyện đau thương. Nhưng câu chuyện ấy của làng chài Ngư Phong mà một thời đội thuyền buồm vừa sản xuất, vừa tham gia vận tải tiếp viện đánh Mỹ, nghe vẫn bi tráng. Người trong cuộc và thế hệ kế tiếp đang ngồi cả đây. Tôi đã phải gắng “kéo” họ trở về với thực tại... Người làng chài Ngư Phong vốn chủ yếu gốc ở làng chài Lộc Thọ, chuyên sống trên “nốc nác” nổi tiếng vùng cửa sông Lam xưa, đã làm cuộc “cách mạng” lên bờ vào những năm 60 thế kỷ trước, với sự kiện thành lập Hợp tác xã thuyền buồm khai thác hải sản Ngư Phong vào năm 1962. Ngày vui ấy, có vị cán bộ địa phương đã làm câu thơ hoan hỷ: “Trăm hoa đua nở chất lên đài” với dụng ý nói lái ba chữ cuối “chất lên đài” là “chài lên đất”. Lên đất dựng nhà, nhưng vẫn bám theo con hói triều cường ngập mặn là nơi kín đáo cho tàu thuyền nhà chài tránh trú mùa mưa bão. Làng nay có 452 khẩu, chỉ còn khoảng gần 50 lao động bám biển với nghề câu vàng trên 8 đầu thuyền từ 40 - 48CV. 
 
Khi nói nghề câu vàng là nghề đi khơi “văn minh” nhất của ngư dân, bởi nghề này vừa bảo vệ được nguồn lợi ngư trường, vừa đảm bảo sản phẩm đánh bắt được tươi ngon sánh với... “tiêu chuẩn Hàn Quốc”. Ấy là do trai tráng người làng chài Ngư Phong đi xuất khẩu lao động nghề cá ở Hàn Quốc về nói lại thế. Mỗi vàng câu có 1.000 - 5.000 lưỡi câu, có vàng dài tới 15 hải lý (hơn 25 cây số), chuyên thả mồi bắt các hải sản có giá trị cao như mực, cá mập, cá thu, cá ngừ, cá mú, cá lượng... vì thế nên chỉ đi ngoài khơi, không đi lộng. Khai thác hải sản bằng câu vàng không “tận diệt” cả cá to, cá nhỏ, thậm chí cả sinh tảo dưới biển như rê, giã... mà chỉ con cá, con mực trưởng thành mới tìm ăn mồi trên lưỡi câu, có khi con mồi cũng là con mực ván còn sống nặng hàng cân. Con cá người làng chài Ngư Phong từng câu được to nhất là con cá mập 170 kg, còn cá thu thì hàng chục cân là thường. Mùa đông buông câu tầng đáy, mùa hè thì tầng nổi, tìm luồng cá thường nhờ vào kinh nghiệm lâu năm. Con cá, con mực câu được không bị “trầy vi, tróc vảy”, mùa này thì vẫn ướp đá, mùa tháng Chạp cho hết cữ rét chẳng hạn, thì gỡ ra nuôi sống trong “văng” thuyền, về bến cá Cửa Hội bán còn giãy đành đạch, giá bán gần gấp đôi với so với sản phẩm đánh bắt bằng nghề khác. Thế, không “tiêu chuẩn Hàn Quốc” là gì (?!). 
 
Hói Trại là con lạch nhỏ từ cửa sông Lam chảy vào bên Tây đường du lịch ven sông Lam, đoạn qua xã Phúc Thọ. Lạch nước nho nhỏ linh hồn của làng chài Ngư Phong ấy cữ triều lên lấp xấp mấy con thuyền cũ nằm nghỉ ngơi thanh bình dưới vàm sú vẹt. Vườn nhà dân chài thuận cây gì mọc cây ấy, vừa tạo cảm giác thôn dã xanh tươi, vừa gợi cái phóng khoáng người làng mấy đời kẻ bể. Tôi ngỏ ý muốn thăm thú làng chài, xóm trưởng Hải mượn thêm một chiếc xe đạp và chúng tôi lọc cọc đạp xe vào xóm. Hói Trại chia đôi làng chài. Một nửa làng chài nằm bên Tây là “ốc đảo”, muốn sang nếu không chịu khó lội hói thì chỉ bằng cách duy nhất đi qua một cái cầu xi măng nhỏ xíu, người bên này sang thì người bên kia phải đứng đợi. Cầu làm từ năm 1987, bằng tiền đóng góp của dân, trong đó, nhà xóm trưởng góp một nửa. Cầu đã già nua rệu rã, lan can có chỗ nối buộc bằng tre.
 
Cầu làm cao vượt, nhưng đến mùa lũ cũng ngập ngang bụng người lớn. Đã hơn 65 tuổi đời, xóm trưởng Hải có 42 năm đi biển, 34 năm làm xóm trưởng xóm Ngư Phong, thì cũng đã 34 mùa mưa lũ mặc áo phao bơi qua hói Trại lo chỉ đạo dân chạy lũ. Xóm trưởng Hải là cựu binh trải chiến trường Quảng Trị, tham gia cánh quân thần tốc vào tận Sài Gòn năm 1975; đến năm 1981 xuất ngũ, mang đủ thứ bệnh chiến trường, có cả chất độc da cam, nhưng cũng chả buồn làm chế độ nữa bởi nó “nhiêu khê” thủ tục quá! Hỏi sao làm xóm trưởng lâu thế? Bảo, muốn nghỉ mà xã chưa cho nghỉ. Thôi thì cứ gánh vác. Trước ở bộ đội về, HTX Hải Đông rồi Vạn Xuân của Nghi Hải mời nếu về làm chủ nhiệm, họ sẽ xây cất nhà cửa cho đàng hoàng ở Cửa Hội, mà có về đâu! Là cũng vì muốn trở về xóm nghèo, xốc cái nghề đi biển truyền thống lên như cha ông hằng mong muốn. 
 
Nhà ngư dân Nguyễn Trọng Toản khá khang trang, nội thất đồ gỗ, ti-vi màn hình phẳng bóng loáng. Trên vách trang trọng treo bằng “Gia đình văn hóa”. Nhà chài Toản nói: “Nhà ổn định, khấm khá cũng nhờ nghề câu vàng cả đấy. Tôi còn tích lũy được tiền, mới đầu tư cho hai thằng con trai đi xuất khẩu lao động”. Nhà chài Toản là chủ đầu thuyền 40CV với 5 bạn ngang. Chuyến biển mới rồi, đi 5 ngày về được 1,5 tạ cá thu, bán 36 triệu đồng, chia bạn ngang người 3,5 triệu, còn lại đưa cho vợ 14 triệu đồng. “Ấy nhưng cũng phải nghỉ để sơn lại vỏ thuyền, bảo dưỡng máy móc, ngư cụ hết gần 6 triệu đồng. Đi nghề cứ dăm tháng lại phải một lần nghỉ bảo dưỡng như thế...” - Nhà chài Toản cho biết. 
 
 Xóm trưởng Hải và nhà chài Toản dẫn tôi xuống bến Ngư Phong. Lác đác thuyền sửa soạn chuẩn bị cho chuyến biển. Nước lên, thằng Thắng - cháu ngoại của xóm trưởng Hải, chèo thúng đưa chúng tôi ra chỗ neo thuyền. Xóm trưởng Hải chỉ thằng cháu: “Bố nó mấy năm trước bị ngộ độc thức ăn trên biển, không đưa về kịp, chịu chết đấy!”. Biển cả cho sinh kế, nhưng theo nghề cũng khắc nghiệt. Nhưng rồi người làng chài Ngư Phong dù nay có nhiều lựa chọn, cũng không bỏ được nghề... Nhà chài Toản cho kiểm tra lại ngư cụ lần cuối, rồi chỉ xuống chiếc “văng” (khoang thuyền), nói: “Mỗi chuyến biển dăm ngày thì mất 2 ngày, dùng câu cần và câu ống để câu mồi thả vào đấy. Phải dăm, sáu yến cá sống thì mới đủ mồi”. Mỗi chuyến như thế chi phí hậu cần mất khoảng hơn 6 triệu đồng. Cũng có chuyến hòa vốn. Ấy là khi ngư trường biến động do nghề khác họ chạy tàu to máy nổ lớn, lại đánh bắt bằng lưới rê bay, rồi nổ mìn, đuổi cá chạy hết! Nhà chài Toản lôi ra cái ống nhòm phóng đại 100 lần, nói: “Tui mua hết 2 triệu đồng, phòng khi tìm vàng câu bị trôi và bao quát được biển đảo, lãnh hải mình”. Cảnh giác gớm. Nhà chài Toản cười rằng, đài báo nhà các anh tuyên truyền suốt đó thôi!
 
Chợt nhớ lời lão Giáng nói, vài mươi năm lại nay, kể từ khi người đầu tiên vớt được xác một “cậu” (cá voi) đem về táng đầu làng, thì người làng làm ăn khấm khá hẳn, đi biển gặp được nhiều may mắn. Nghĩa trang nay đã táng 10 “cậu” như thế rồi, lại còn có miếu thờ “cô, cậu”. Tôi rủ xóm trưởng Hải đi thăm cái nghĩa trang đặc biệt ấy. Ông ghé sát tôi lào thào: “Là tín ngưỡng của dân chài chúng tôi ấy mà. Chẳng muốn phô ra đâu. Mà tôi là người khởi xướng, xin phép xã lập miếu từ năm 2007 đấy. Nói anh bỏ quá, chứ linh thiêng lắm!”. 
 
Vạt đất cao nơi cửa hói Trại, nổi bật một ngôi miếu nhỏ được bao quanh bằng xương rồng và dứa dại, như đứng canh cửa cho con hói phía sau vốn là nơi mấy trăm con thuyền chài của ngư dân khắp nơi ngày cửa bể nổi dông bão vào tránh trú. Xóm trưởng Hải thành kính thắp nhang lên bàn thờ miếu, rồi chỉ cho tôi xem 10 ngôi mộ có nấm dài, có nấm tròn táng trong nghĩa trang. Câu chuyện người làng chài Ngư Phong mở nghĩa trang cá voi, lập miếu cho các “cô, cậu” chết mà xác hoặc trôi dạt về đây, hoặc do ngư dân đi biển gặp vớt đưa về táng, là một câu chuyện khá ly kỳ. Mộ nào cũng được nhớ ngày giỗ và hương khói chu đáo; nghi lễ đơn giản mà đậm nét văn hóa tâm linh của dân chài...
 
Làng nhỏ bé, ẩn chứa bao điều thú vị của nhịp sống dân chài nặng sinh kế và nặng lòng yêu biển. Tôi bắt chặt tay xóm trưởng Hải, ngâm nga lại câu thơ của được truyền tụng qua tháng năm của người làng chài Ngư Phong động viên nhau bám biển dài ngày: “Trời còn lặng, ngang neo đánh lưới/Nước gạo còn chớ vội chạy non...”. Rồi, lại ám ảnh cái tâm sự: Người làng chài thắt thẻo đôi bờ con hói Trại ấy, đang “khát” một cây cầu mới vô kể!
 
Đình Sâm