Còn nhiều băn khoăn
Theo Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, từ ngày 1/7/2018, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, gắn thiết bị giám sát hành trình và phải được gắn phù hiệu “Xe tải”. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều chủ xe tải khá mơ hồ do hiểu khác nhau về nghị định này.
Anh Nguyễn Tuấn Dương (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội), chủ một xe tải 1,5 tấn cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến quy định gắn phù hiệu cho xe tải dưới 3,5 tấn. Nếu pháp luật quy định, tôi sẽ tuân thủ”.
Trong khi đó, anh Phạm Anh Dũng (Lý Nhân, Hà Nam), chủ một xe tải nhỏ dưới 3,5 tấn thắc mắc: “Xe tải nhà tôi chủ yếu chở hàng cho gia đình, có kinh doanh gì đâu mà phải đăng ký kinh doanh hay gắn phù hiệu?”. Theo anh Dũng, việc đăng ký kinh doanh sẽ liên quan đến nhiều thủ tục khác như thuế mà lượng hàng chở cho gia đình lại không nhiều và những rắc rối khi phải chứng minh xe nhà mình không thuộc diện xe không kinh doanh.
“Hơn nữa, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tôi không cần thiết vì tự mình chạy, tự mình quản lý, đâu có thuê ai mà phải mất công giám sát”, anh Dũng băn khoăn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời điểm này đã có nhiều người dân đến xin lắp phù hiệu, sở phải tăng ca để kịp làm hồ sơ trả cho người dân. Tuy nhiên, nhiều người chưa nắm được quy định làm thủ tục về thành phần hồ sơ như: Bản sao đăng ký, đăng kiểm xe phải còn thời hạn. Bên cạnh đó, thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định và phải truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN, nếu không sẽ không được cấp phù hiệu.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc thực hiện cấp phù hiệu, biển hiệu trong kinh doanh vận tải đã được thực hiện cách đây hàng chục năm và đã mang lại những hiệu quả nhất định như việc quản lý phương tiện và doanh nghiệp vận tải đã thuận lợi và quy củ hơn nhiều.
“Mục tiêu chính của việc cấp phù hiệu là giúp các cơ quan chức năng dễ xác định xe đó thuộc doanh nghiệp nào, nếu có vấn đề gì xảy ra. Đây cũng là cơ sở để quản lý đầu xe của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải”, ông Thanh nói.
Đối tượng nào phải gắn phù hiệu?
Cũng theo ông Đào Việt Long, trong quá trình cấp phù hiệu, nhiều chủ phương tiện không kinh doanh vận tải chưa hiểu rõ quy định vẫn đến làm thủ tục. Theo Khoản 1, Điều 50, Thông tư 63 của Bộ GTVT quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp (vận chuyển hàng hóa nội bộ từ nhà đến kho) sử dụng phương tiện dưới 10 tấn và có số lượng dưới 5 xe thì không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu xe tải và gắn thiết bị giám sát hành trình.
Việc gắn phù hiệu để kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải, phục vụ cho công tác tổ chức giao thông, phân luồng giao thông đối với các tuyến đường hạn chế phương tiện. Đồng thời, thiết bị giám sát hành trình sẽ giám sát phương tiện.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo Nghị định 86/2014, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô bao gồm 2 hình thức là kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.
Về đối tượng đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu và gắn thiết bị giám sát hành trình. Khoản 1 Điều 50 Thông tư 63/2014 quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thuộc các đối tượng như: Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định của Chính phủ; Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàn siêu trường, siêu trọng theo quy định về tải trọng, khổ giới hạn đường bộ; Có từ 5 xe trở lên; Sử dụng phương tiện có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 10 tấn trở lên để vận chuyển hàng hóa.
Trên cơ sở các quy định trên, đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp (bao gồm các cơ sở sản xuất hoặc cửa hàng kinh doanh không phải là doanh nghiệp kinh doanh vận tải chỉ chở hàng hóa của mình, không chở hàng thuê) sử dụng phương tiện có khối lượng hành chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 10 tấn để vận chuyển hàng hóa và có số lượng dưới 5 xe không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu vận tải và gắn thiết bị giám sát hành trình.
“Theo lộ trình quy định tại Nghị định 86, từ ngày 1/7, xe kinh doanh vận tải từ 3,5 tấn trở xuống phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Sau ngày này, trường hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa và người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải dưới 3,5 tấn không thực hiện các quy định nêu trên sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 46/2016 của Chính phủ với mức xử phạt 3-5 triệu đồng”, bà Hiền nói.