Mất cân đối giữa phương tiện với kết cấu hạ tầng giao thông
Theo thống kê, tốc độ gia tăng trung bình hàng năm của ôtô TP Hà Nội là 10,2%, xe máy là 6,7% (Công an Hà Nội đang quản lý 6,39 triệu phương tiện, gồm: 693.672 ôtô; 5.568.686 môtô, 134.092 xe máy điện, 202 xe xích lô và 88 ôtô điện). Trong khi đó, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của thành phố chỉ ở mức bình quân 3,9%, diện tích đất dành cho giao thông còn thấp, mới đạt khoảng 8,6%-8,9% đất xây dựng đô thị.
"Sự phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông cá nhân với kết cấu hạ tầng giao thông cùng với ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao dẫn đến ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của thủ đô", báo cáo của TP Hà Nội cho biết.
Bên cạnh đó, mạng lưới vận tải hành khách công cộng được điều chỉnh phù hợp và mở rộng nhưng vẫn còn hạn chế, chất lượng dịch vụ mặc dù đã được cải thiện, lãnh đạo Hà Nội cho rằng, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mới đưa vào khai thác sử dụng một tuyến buýt nhanh-BRT01 (Kim Mã-Bến xe Yên Nghĩa). Các tuyến đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng…
Từ những bất cập và tồn tại nêu trên, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan xây dựng và báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quy định về đăng ký xe, trong đó phải có tài khoản được mở tại ngân hàng và có giấy phép lái xe phù hợp để khấu trừ vào tài khoản ngân hàng đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được xử lý bằng hình thức phạt "nguội". Kiến nghị này ngay lập tức có nhiều ý kiến khác nhau.
Cơ sở pháp lý nào?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức - Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng pháp luật hiện hành chưa có quy định nào bắt buộc công dân phải mở tài khoản, vì vậy quy định trên không phù hợp. Bên cạnh đó, quy định này không thể tự Bộ Công an hay Chính phủ mà phải được Quốc hội xem xét thông qua vì nó liên quan đến quyền của người dân.
“Việc bắt buộc phải đúng cơ sở pháp lý, đặc biệt phải quy định cho người dân lựa chọn, dịch vụ nào có lợi và thuận tiện chứ không nên quy định bắt buộc ngay”, LS Trương Thanh Đức nêu quan điểm.
LS Trương Thanh Đức phân tích, nếu tài khoản đó chỉ phục vụ việc xử phạt vi phạm giao thông thì không hợp lý vì người dân phải đóng một khoản tiền lớn, nếu không sử dụng sẽ gây lãng phí cho xã hội, công dân, doanh nghiệp...
“Đừng lấy Việt Nam so sánh với các nước châu Âu, vì từ trẻ nhỏ đến người già những nước này đều sử dụng thẻ tín dụng, họ không sử dụng tiền mặt. Vì vậy, việc trả tiền này là sự lựa chọn của người dân chứ không phải ra quy định bắt buộc”, ông Đức nói.
Nếu muốn triển khai để minh bạch, chống tham nhũng, LS Trương Thanh Đức cho rằng, Quốc hội phải xem xét một quy trình khép kín trong việc trả tiền qua tài khoản ngân hàng đối với những khoản như phí bảo trì đường bộ, đăng kiểm, mua xăng… Còn chuyện nộp phạt giao thông là một khoản tiền nhỏ so với các khoản trên và số lượng vi phạm là không nhiều.
Khuyến khích, không nên bắt buộc
Năm 2016, Công an TP Hà Nội đã đề xuất có quy định buộc các chủ ô tô mở tài khoản ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông.
Theo lãnh đạo Công an TP Hà Nội, việc mở tài khoản sẽ tạo thuận lợi cho quá trình xử lý vi phạm giao thông. Qua đó người bán xe sẽ bắt buộc người mua xe phải sang tên cũng như sang tài khoản, vì nếu không làm sẽ bị trừ vào tài khoản của mình.
Tuy nhiên, đại diện các đơn vị liên quan góp ý kiến vẫn còn chưa đồng nhất với những đề xuất này và muốn thực hiện được cần phải sửa đổi Luật giao thông đường bộ.
Dưới góc độ kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế-tài chính, cho rằng đề xuất trên phù hợp với chủ trương là khuyến khích người dân không sử dụng tiền mặt để minh bạch, chống tham nhũng, thất thoát thông qua việc mở tài khoản. Tuy nhiên, việc mở tài khoản này cần phải được xem xét và thăm dò ý kiến của người dân.
“Vì khi đưa ra quy định trên, gần như người sử dụng ô tô phải “đặt cược” một khoản tiền vào tài khoản, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ. Nên cần phải tính toán phù hợp làm sao để có lợi cho người dân… và hạn chế tình trạng “cưa đôi” của lực lượng thực thi công vụ”, chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.
Đối với những trường hợp chây ỳ không nộp phạt hoặc chậm nộp phạt vi phạm giao thông, theo ông Long, có rất nhiều biện pháp để hạn chế như: tính lãi suất theo ngân hàng…
Một số chuyên gia khác cho rằng, đề xuất trên sẽ thuận tiện, giảm thời gian, thủ tục cho người dân nộp phạt. Tuy nhiên, không thể bắt buộc người dân được, mà cần khuyến khích người dân có quyền chọn lựa, đặc biệt cần phải có lộ trình. Vì đây là vấn đề liên quan đến nhiều đối tượng, từ cá nhân, doanh nghiệp đến cơ quan nhà nước.
Trường hợp tranh cãi có thể xảy ra khi xe ô tô của một bộ, ngành nào đó vi phạm, bị xử phạt thì sẽ trừ tiền vào tài khoản của bộ, ngành đó. Vậy ai sẽ bỏ tiền ra để trả vào số tiền bị trừ đó? Khi tiền lấy từ cơ quan nhà nước là tiền thuế của dân và theo quy định, tiền thuế dân sẽ không sử dụng để trả cho hành vi vi phạm pháp luật.
Từ những phân tích trên, nhiều chuyên gia cho rằng cần lấy ý kiến người dân trước khi ban hành quy định đăng ký ô tô phải mở tài khoản ngân hàng./.