Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai kế hoạch dán thẻ thu phí không dừng với 2,8 triệu ôtô, áp dụng cách thức này cho các trạm BOT trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 trong năm 2018. Các chủ xe sẽ được dán miễn phí và mở một tài khoản thẻ, xe qua trạm được trừ tiền tự động vào tài khoản thay vì dừng đỗ để mua vé, trả tiền như hiện nay.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, mấy tháng trước anh đến đăng kiểm thấy nhân viên tư vấn nói dán thẻ thu phí không dừng có nhiều lợi ích nên đã thực hiện. Vì công việc cần đi lại nhiều, anh nạp 5 triệu đồng vào tài khoản thẻ. Sau một thời gian, anh Tuấn Anh thấy chưa cần dùng thẻ này vì các tuyến quốc lộ phía Bắc chưa có nhiều trạm thu phí không dừng. Anh cũng băn khoăn vì mình để một khoản tiền lớn trong thẻ mà không được hưởng lãi suất.
Một số chủ xe khác cũng băn khoăn việc tồn đọng tiền trong tài khoản thẻ, nếu họ không đi trên quốc lộ hoặc ít đi lại thì sẽ lãng phí.
Là chủ cơ sở cho thuê ôtô, anh Đỗ Mạnh (Hà Nội) nói: "Doanh nghiệp có 10 xe cho thuê nên khi dán thẻ thu phí không dừng, tôi sẽ phải làm hợp đồng chặt chẽ với khách hàng để yêu cầu hoàn tiền phí các loại khi xe lưu thông trên quốc lộ". Theo anh Mạnh, như vậy doanh nghiệp cho thuê xe sẽ luôn phải để nhiều tiền trong tài khoản thẻ và chờ khách hàng hoàn tiền, việc này khá bất tiện so với hiện nay khách hàng tự trả chi phí cầu đường.
Nhiều chủ xe băn khoăn việc họ không được giảm phí nếu mua vé tháng như hiện nay và không có hóa đơn để thanh toán nếu trả tiền qua tài khoản.
Giải đáp nội dung trên, ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết, cũng như mua thẻ điện thoại trả trước, chủ xe chuyển tiền vào tài khoản thẻ thu phí không dừng không được tính lãi suất. Tuy nhiên, Bộ Giao thông đang đề nghị ngân hàng bổ sung quy định liên quan tới thanh toán hệ thống thu phí tự động, để có thể tính lãi suất của người sử dụng.
Việc nạp tiền qua tài khoản có thể thực hiện qua nhiều kênh như thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, điện thoại. Mỗi tài khoản trả trước có thể dùng để chi trả cho nhiều phương tiện giao thông nhưng mỗi phương tiện giao thông chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản.
Ngoài ra, ông Toàn cho hay, chủ xe có thể xuất hóa đơn điện tử sau khi thanh toán phí. Hóa đơn này được chuyển về email của chủ xe, đã được Bộ Tài chính công nhận để thanh toán giống như các hóa đơn giấy. Chủ xe có thể mua vé tháng ngay khi đăng ký trên hệ thống và được ưu đãi mức phí giống như mua vé tháng thông thường (phí thấp hơn mua vé lượt).
"Khi cho mượn, thuê xe, số tiền phí được báo bằng tin nhắn và trừ vào tài khoản thẻ của chủ xe, nên người cho thuê xe cần có hợp đồng dân sự với người thuê xe, ghi rõ phải trả phí đường bộ", ông Toàn gợi ý.
Theo ông, việc thu phí không dừng đang được triển khai trên toàn bộ trạm BOT quốc lộ 1 và quốc lộ 14. Bộ Giao thông đã lựa chọn 2 nhà cung cấp dịch vụ đều sử dụng công nghệ RFID; một số trạm thu phí phía nam đang sử dụng công nghệ khác đã được Chính phủ yêu cầu chuyển sang công nghệ RFID để tích hợp một loại thẻ có thể sử dụng ở tất cả các trạm.
"Bộ Giao thông cũng đang kiến nghị Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư các tuyến cao tốc phải tự đầu tư công nghệ thu phí không dừng để tiến hành áp dụng trên toàn quốc vào năm 2019", ông Toàn nói.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, các nhà đầu tư dự án BOT đã được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng triển khai thu phí tự động. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhà đầu tư BOT không đồng thuận với chủ trương này.
“Chúng tôi kiên quyết theo đúng lộ trình, nếu dự án nào đến hạn mà không lắp đặt thiết bị thu phí không dừng thì sẽ dừng thu phí", ông Huyện nói.
Thẻ thu phí tự động VETC được dán trên kính hoặc trên đèn xe ôtô, được dán tại các trạm đăng kiểm, đại lý của nhà cung cấp dịch vụ. Nhà cung cấp dịch vụ mở tài khoản cho chủ phương tiện, lưu trữ thông tin chứng minh thư, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại, email; mã số định danh, giấy chứng nhận kiểm định.
Chủ xe nạp tiền vào tài khoản tại ngân hàng, Internet Banking, qua các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu giá ủy quyền, sử dụng thẻ cào để nộp tiền qua tin nhắn điện thoại... Nếu tài khoản không đủ thì phải ghi nợ, thông báo chủ phương tiện chi trả trong 10 ngày. Sau thời hạn đó thì sẽ bị từ chối sử dụng dịch vụ đường bộ.