Dễ thấy AFF Cup đối với đội đương kim vô địch không phải là sân chơi quá tầm so với chiến dịch vòng loại thứ 3 World Cup vừa qua, nhưng đáng nói là áp lực dành cho thầy trò HLV Park Hang-seo từ đó lại không hề nhỏ khi họ chỉ có duy nhất “1 cửa” để xung trận.
Và nếu không vượt qua được áp lực bắt buộc phải thắng trong các trận đấu hoặc thất bại trong trận cuối cùng, điều không ai dám khẳng định, thì xem như ĐT Việt Nam đã “giẫm phải vết xe đổ” của người hàng xóm hùng mạnh Thái Lan trước đây khi để đội bóng sụp đổ dây chuyền vô cùng đáng tiếc dù đã được cảnh báo từ rất sớm.
Nói thế để thấy, đừng vội cho rằng, ở AFF Cup tới đây, mọi việc đối với ĐT Việt Nam sẽ dễ như lấy đồ trong túi và cầu thủ nào đó dù chơi không tốt ở vòng loại thứ 3 trước đó sẽ ngay lập tức lấy lại vị thế của mình? Chẳng hạn, khi nói tới “bệ phóng” cho ĐT Việt Nam ở AFF Cup, người ta vội trao ngay vinh dự cho Tuấn Anh-Hoàng Đức và tin tưởng tiền vệ của HAGL sẽ thể hiện “đẳng cấp” thực sự của mình trước các đối thủ trong khu vực?
Với tiền vệ của Viettel-Hoàng Đức, hy vọng đó là có cơ sở khi trước các đối thủ ở tầm châu lục vẫn “bứt” ra khỏi sự lúng túng, thua kém để chơi đĩnh đạc trong những trận đấu khó khăn. Trái lại, Tuấn Anh chưa cho thấy sự trở lại đỉnh cao sau chấn thương liên miên đi kèm với nền tảng thể lực thua sút? Thử hỏi tiền vệ này thi đấu thực sự tốt ở trận đấu nào vừa qua, khi hầu như chỉ thi đấu 45 phút rồi ra nghỉ? Trận đấu cuối cùng ĐT Việt Nam gặp ĐT Arabia Saudi, Tuấn Anh đá nhiều thời gian hơn nhưng không có điều gì để nói tiền vệ tài hoa này đã thực sự trở lại.
Hy vọng là điều cần có và không bao giờ bị… đánh thuế, nhưng cần hơn là trên cơ sở thực tế để mang theo niềm tin có thật cầm được trên tay. Còn nếu cứ theo suy luận chủ quan, cố tình nào đó, không chỉ về một vài cầu thủ thì thực tiễn thi đấu đã chỉ ra là không thể, nếu không nói còn thất vọng hơn sau đó?
Câu chuyện “bệ phóng” từ các nhân tố nào đúng là vô cùng quan trọng đối với ĐT Việt Nam nhưng nếu sớm khoác vào vai những cầu thủ tài năng đó những áp lực không cần thiết thì tốt nhất hãy dành việc đó cho toan tính của thầy Park? Tương tự là câu chuyện “đôi cánh” khi Văn Hậu-Trọng Hoàng chưa trở lại, rồi chuyện người gác đền, người chơi cao nhất…
Rõ ràng, cả chiến dịch vòng loại thứ 3 là quá trình rèn dũa, tìm kiếm nhân lực cho chặng đua tại AFF Cup, cũng lại là khi nội lực của thầy và trò ông Park được phơi hết ra trước sự dòm ngó của đối thủ. Ba năm ông Park đưa bóng đá Việt đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, không có đối thủ khu vực nào “qua mặt” được ông thầy người Hàn Quốc, nhưng sau vòng loại toàn thua mới đây, đối thủ có thể thừa cơ xông lên làm được một điều gì đó, thậm chí “quật ngã” đối thủ hàng đầu để sắp xếp lại trật tự? Ấy là điều không nói ra thì ai ai cũng biết?
Ở đây, nói cho cùng, áp lực thực sự của ĐT Việt Nam đến từ đối thủ là một chuyện, ngoài ra không thể coi nhẹ áp lực do chính mình tạo ra. Chẳng hạn, sự coi nhẹ, coi thường đối thủ để khi gặp phải sự kháng cự, sự vọt tiến của đối thủ sẽ trở tay không kịp? Luôn ra sân với tâm lý buộc phải thắng cũng sẽ khiến mọi việc trở nên nặng nề, thiếu thanh thoát? Vì vậy, trước hết và sau cùng của ĐT Việt Nam vẫn là sự vững vàng về tâm lý trước, trong và sau mỗi trận đấu. Không có chỗ cho chủ quan, khinh suất, cũng không nên tự ti, yếm thế.