(Baonghean) - Lưới đồng hành với người dân đi biển từ bao đời nay. Từ khi những chiếc thuyền ngư dân còn đơn sơ với nghề đánh bắt giã cào cho đến nhà nhà có thuyền lớn vươn khơi, người dân Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) vẫn gắn bó với nghề vá lưới...
 
images1031336_5a.jpgVá lưới ở Quỳnh Long.
 
Nghề vá lưới ở Quỳnh Long tập trung nhộn nhịp ở xóm Đại Hải, Đại Bắc, Phú Liên và Minh Thành. Bến sông quê náo nhiệt, gánh lưới lên, xuống thuyền, những váng lưới đỏ thẫm. Ngay dọc các đường quê, trước sân là những váng lưới phơi mình dưới nắng sớm.
 
Hỏi chuyện nghề vá lưới, dường như từ già đến trẻ trong xã Quỳnh Long ai cũng biết. Nhưng khi hỏi nghề vá lưới ở đây có từ bao giờ thì lại ít ai rõ. Theo các cụ lớn tuổi trong xã: "Từ khi tui sinh ra, quê hương đã có biển, có thuyền, ngày ngày thấy bà, mẹ ngồi vá lưới, bố vác lưới trên vai lội biển đi giã cào rồi". Cụ Võ Thị Tú, ở thôn Đại Hải, năm nay đã ngoài tuổi 80, ngày nào cụ Tú cũng vá được cả mấy mét lưới. Cụ bảo, ngày xưa vá lưới ít hơn bây giờ, bởi cách đánh bắt khi xưa còn thủ công, thô sơ, đánh bắt chủ yếu gần bờ, nghề vây chưa phát triển. Bây giờ, nhiều thuyền lớn, máy lớn vươn khơi, vươn xa, bám biển dài ngày, ngư dân cần đến lưới nhiều hơn. Lưới vá chỉ đủ phục vụ cho ngư dân đi biển trong xã.  Còn chị Đậu Thị Vinh, thôn Đại Hải, vừa vá lưới, vừa chuyện trò: "Người dân đi biển coi lưới là "cần câu cơm", còn những người thợ vá lưới như chúng tôi coi vá lưới  như cái nghiệp. Người thợ lưới phải luôn giữ cái tâm của nghề, vá sao lưới dùng được bền. Những tấm lưới bền, đòi hỏi những người thợ khi vá lưới không những khéo léo, chịu khó, nhẫn nại mà phải nắm được “bí quyết”. Tùy loại lưới, trong quá trình gắn phao và chì, cần phải có kỹ thuật phù hợp. Nếu là lưới đi giã cào gắn kiểu phao đánh giã cào, còn với lưới kéo khi gắn phao đặc biệt phải lưu ý khoảng cách giữa các phao làm sao cho thật đều nhau, phao có đều khi thả lưới mới bắt được nhiều tôm, cá. Người dân Quỳnh Long đi biển nhà mô cũng thủ sẵn vài váng lưới, lưới này rách có lưới kia thay thế vô.  Những người thợ vá lưới làm việc theo nhóm, một nhóm từ 5 đến 8 người, một ngày vá 8 tiếng, buổi sáng từ 6 - 10 giờ, chiều 1 - 4 giờ, bình quân tiền công 2.000.000đ/ tháng, công việc ổn định quanh năm. Tôi hỏi: "Sao không nhận thêm lưới về vá ban đêm, kiếm thêm thu nhập?". " Ban đêm để mắt đến con cái học hành. Nói thật, cũng do yêu nghề, yêu những ngư dân đi biển quê mình mà vá lưới thôi, chứ ở Quỳnh Long có những nghề khác thu nhập cao hơn nghề vá lưới. Chỉ cần tranh thủ vài ba giờ đồng hồ xuống cảng Lạch Quèn buôn bán, bốc vác tôm cá từ biển về cũng có dăm bảy chục ngàn...". Chị Tô Thị Hạ, cùng nhóm, nói thêm: “Nghề vá  lưới có từ xa xưa để lại, gắn với hồn biển quê mình từ bao đời. Ai cũng muốn những váng lưới vươn khơi chính từ bàn tay của người con đất biển Quỳnh Long vá. Còn nghề biển thì nghề vá lưới còn”.
 
Sáng sáng, các đội lưới, tổ lưới lại í ới gọi nhau đi vá lưới. Người ta vá theo tổ, nhóm và theo chủ thuyền. Tổ của chị Vinh có 6 người, cả 6 chị trong tổ đều có chồng, con đi thuyền cho chủ thuyền của mình nhận vá lưới, nên mỗi tấm lưới các chị không những làm đúng cái tâm của nghề mà còn gửi vào đó tình yêu, niềm tin vào những chuyến vươn khơi bội thu, an lành. Cũng từ nghề vá lưới, làng xóm sống đoàn kết, gắn bó yêu thương nhau như anh em một nhà.
 
Anh Lê Đức Thiện - Phó Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Long vui mừng cho biết: Toàn xã Quỳnh Long có 177 phương tiện đánh bắt, chủ yếu vươn xa, những chuyến biển dài ngày, lưới đi biển luôn cần với ngư dân Quỳnh Long. Các tổ, nhóm vá lưới ở Quỳnh Long không những góp phần giữ nghề, tăng thêm thu nhập gia đình mà con tạo được tình đoàn kết xóm làng, quê hương.
 
Dọc đường về, qua các thôn Đại Hải, Phú Liên... trẻ em nô đùa bên lưới cước đỏ thẫm treo trước sân nhà, thấp thoáng người ngồi nướng cá, phơi mực. Khung cảnh làng quê biển thật nhộn nhịp, yên bình...
 
Thu Hương