(Baonghean) - Trong những tuyến phố của Thành phố Vinh, có những tuyến phố có đặc trưng riêng. Có phố đọc tên đường lên thấy hợp với khung cảnh, con người, sinh hoạt đặc trưng của phố. Hoe hoe những nắng và đỏng đảnh mưa thu, qua phố biết thu sang, để hoài niệm, để thấy vấn vương… Hãy đến và thong thả cảm nhận màu xanh mặt phố trên đường Tuệ Tĩnh...
 
images1031334_4a.jpgĐường Tuệ Tĩnh
 
Thoạt đầu phải nói đến là trên đường này có Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An. Sau đó là rất nhiều hiệu thuốc chữa bệnh tập trung ở phía chợ Hưng Dũng nơi đầu đường (giao nhau với đường Nguyễn Phong Sắc) rồi giãn dần ra phía cuối đường phía sâu trong đất xã Nghi Phú giáp đất Hưng Lộc (điểm cuối nối với đường Trương Vân Lĩnh). Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh khuất lấp sau dãy tường bao ôm lấy khuôn viên dày tán cây dáng cổ thụ, vẻ u tịch ấy đương nhiên hợp cho người già tĩnh dưỡng, điều trị. Rồi không biết các nhà bán thuốc ta, thuốc tây có bao giờ tỉ mẩn chú ý rằng đang hành nghề đòi hỏi tâm đức trên con phố mang tên Tuệ Tĩnh - vị tổ ngành dược nước nhà hay không? Nhưng, tôi cũng đã nhiều lần đi trên con phố ấy, dù qua cái chộn rộn của một quãng chợ búa hay muôn vẻ công sở, nhà dân mặt phố xây cất khang trang, thì cũng bất giác có những liên tưởng hiện thực với tên đường.
 
Dài chỉ khoảng một cây số rưỡi, đường Tuệ Tĩnh trong khoảng một thập niên qua đã chứng kiến sự đổi dạng nhanh chóng của mặt phố. Nhưng ấn tượng là màu xanh vỉa hè của cây cỏ. Tuệ Tĩnh Thiền sư có câu nói lưu truyền là "Nam dược trị Nam nhân" thể hiện quan điểm đầy biện chứng về mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường sống xung quanh để xây dựng một quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế nước Nam xưa (Đại Việt) vốn bền bỉ một ý chí mãnh liệt cưỡng lại sự đồng hóa của phương Bắc. Trong y lý của mình, phần trị bệnh Tuệ Tĩnh cũng đã không đưa “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ” lên đầu mà xếp các cây cỏ (dược liệu) trước tiên. Thế nên, cứ nghĩ cái hữu ý của việc đặt tên đường đôi khi nó đã làm nên một màu xanh cây cỏ đặc trưng ở phố này chăng? 
 
Bây giờ đã Thu. Cây lá rồi sẽ tràn những đợt nhựa cuối để bắt đầu mùa trút lá. Cứ thế, cây cỏ nào rồi cũng theo mùa tự nhiên mà trút lá, khoe lộc, phô hoa… nhưng “thảo mộc” trên đường Tuệ Tĩnh sao cứ nhuốm “hồn thu thảo” như là ký ức một con đường buộc ta phải nhớ, phải ngẫm ngợi. Tôi nhớ đường hồi còn là lối đi trong phố không để người ta ý niệm là đã “nhựa hóa”, bởi những vá víu trong dằng dặc quá trình tu bổ  giao thông đô thị sau chiến tranh. Toàn tuyến kể cả quãng chợ Hưng Dũng thì cũng một mặt phố tre pheo, cây dại rậm rì bờ dậu. Đi mãi vào phía cuối đường chỗ Trường Quân sự tỉnh, lác đác trên vệ cỏ mấy cây phi lao già gác ranh giới đường với những thửa ruộng xanh lúa vụ mùa thì con gái. 
 
Ấy nhưng, còn muốn nói tới một màu xanh, mà người cũ ở phố nếu được gợi nhắc sẽ cũng “ừ nhỉ” để “thỏa hiệp” rằng đường vinh dự được chọn đặt Xưởng may trang phục quân đội C20 nay đã cổ phần với mặt tiền đã mở ra nhiều dịch vụ. Nhưng hơn mười năm trước đây còn chen chúc nhà trọ của công nhân may hợp đồng, quán xá lúp xúp bán đồ quần áo quân phục. Kế đó chợ Hưng Dũng lúc ấy chưa được xây dựng mới, cũng xanh các hàng rau quả nống ra mặt đường. Kể nếu không có cái chợ ấy, có lẽ cả một quãng đầu phố thì không có đoạn nối làm nên đường Tuệ Tĩnh mở rộng to đẹp có quãng sôi động, có quãng trầm như bây giờ.
 
Hết quãng đầu nơi giao cắt đường Nguyễn Sỹ Sách và đường Phùng Chí Kiên chạy song song hai bờ kênh Bắc, là cầu Tỉnh ủy. Đất đai một thời Tỉnh ủy Nghệ An đứng chân quãng sau Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh chạy về phía Bắc phố sau này được chia cho dân cư là cán bộ, nhân viên, góp phần làm nên khu “nhà quan” cùng với mặt phố phía Tây thuộc phường Hà Huy Tập. Điều kiện dân cư ấy nên các ngõ trổ vào hai bên mặt phố bây giờ dù rộng, dù hẹp thì cũng đều được chăm chút có cái chuẩn sạch đẹp và hài hòa màu xanh cây cảnh tỉa tót công phu, nhiều chỗ là những cây dây leo điểm hoa vàng, tím, đỏ vương vấn lòng người. Mỗi quãng vỉa hè, cũng vì thế thành ra như là một tiểu cảnh thiên nhiên xanh tùy ý thích gia chủ vấn vít lấy màu xanh cây của Công ty Công viên cây xanh trồng mới kịp xòe tán. 
 
Rất nhiều tuyến phố của Thành phố Vinh được trồng cây ngô đồng. Ngô đồng thân mộc hình như có vài loại. Nhưng có lẽ loại trồng hè phố là loại mà nhà thơ Bích Khê đã làm nên một tuyệt bút trong văn chương Việt Nam: “Ô hay, buồn vương cây ngô đồng/Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”; hay điển cố văn học thì thường nhắc đến hai câu: "Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng thiên thu" (Dịch: một lá ngô đồng rụng, ai cũng biết thu sang) để tả cảnh biệt ly hoặc cảnh mùa Thu sắp đến, đem theo nỗi buồn man mác của "thu tâm"… Ừ là vì bây giờ đã Thu nên tôi muốn nhắc tới những cây ngô đồng quãng đầu phố Tuệ  Tĩnh. Có 3 cây ngô đồng đầu phố nơi đối diện chợ Hưng Dũng và vài cây trước Xưởng may C20, không lẫn vào những rặng cây xanh vỉa hè như ở phố khác, hay cũng không rườm rà tán cành, mà cứ lực lưỡng phô thân mộc gai dày nhọn sắc, đứng đơn độc như những người lính gác nhắc nhở ý thức bảo vệ thiên nhiên xanh cho người ở quãng phố đông mải miết bán mua sinh kế. Cây ngô đồng “vận” vào vỉa hè phố Tuệ Tĩnh, nói như nhà văn Băng Sơn viết về cây bàng Hà Nội là cây ấy cũng “là những công dân” của phố Vinh. 
 
Không biết vị thánh thuốc Nam – danh y kim cổ Tuệ Tĩnh có bao giờ “chua” vào một vài đơn thuốc thảo mộc của ông các loài côn trùng vốn sinh sôi nhờ ngậm sương cây cỏ? Nhưng ở đường Tuệ Tĩnh của Thành phố Vinh một năm lại nay đã mọc lên một cái quán nhậu…côn trùng! Dế, châu chấu, bọ xít… chế biến chủ vị hành tăm, lá chanh, rau răm, sả, lá lốt… làm món đưa cay dĩ nhiên là tuyệt cú! A mà lạ cho chủ cái quán nhậu ấy, là giáo viên dạy toán còn rất trẻ của một trường cao đẳng ngành trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, mở quán ăn nhậu món côn trùng nhưng lại ham buôn bán rau quả sạch, cả dưa, cà, muối... cứ bày ngồn ngộn xanh lên vỉa hè mà bán, người phố đổ ra mua tin tưởng hơn hàng đóng gói siêu thị. Thế nên, không biết “anh giáo” ấy chọn phố hay là phố đã chọn anh, làm nên một nét phố đưa liên tưởng người qua lại với tên đường vị thánh y thuốc Nam Tuệ Tĩnh.
 
Tuệ Tĩnh tên chính là Nguyễn Bá Tĩnh, biệt hiệu là Tráng Tử Vô Dật, quê ở làng Xưa, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương); có sách ghi ông sinh năm 1330, triều Trần.
 
Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư nuôi ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh, vừa chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người. Năm 55 tuổi (1385), Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư, sau mất ở đó (không rõ năm nào). 
 
Ở Việt Nam, Tuệ Tĩnh được phong là ông tổ ngành dược, là người mở đầu cho nền y dược cổ truyền, đồng thời góp phần đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc; dân gian thì tôn ông là vị thánh thuốc Nam. Các bộ sách “Nam Dược thần hiệu” và “Hồng Nghĩa giác tư y thư” của ông không chỉ có ý nghĩa trong lịch sử y học mà cả trong lịch sử văn học Việt Nam. Tên ông nay được đặt tên đường ở một số đô thị trong nước.
 
Đình Sâm