(Baonghean) - Thị tứ Rộ, xã Võ Liệt (Thanh Chương) được phê duyệt là trung tâm trong quy hoạch thị trấn. Nơi được chọn đóng huyện đường thời phong kiến nay tuy không còn dấu tích kiến trúc, nhưng sức phát triển sầm uất của Rộ hôm nay vẫn cho thấy lợi thế “cận thị, cận giang”, là trung tâm quản lý của huyện và đầu mối giao thương của một miệt tả ngạn sông Lam đang cần được tìm lại những âm hưởng lịch sử - văn hóa...
Tôi mạo muội kể lại câu chuyện nhỏ: Một sớm mùa Thu năm 1933, một ông đồ già dẫn theo một cậu nhỏ đi bộ theo Quốc lộ 30 (nay là Quốc lộ 46), rồi rẽ xuống bến phà Rộ ngang sông Lam sang huyện đường Thanh Chương đóng ở vùng bãi Rộ thuộc tổng Võ Liệt hạ. Lần đầu tiên được lên huyện đường, cậu nhỏ thích thú quan sát chợ Rộ họp bên bãi sông có ngôi nhà 2 tầng của một nhà mại bản người Việt gốc Hoa. Huyện đường là những ngôi nhà xây lớn, trước mặt có một cái bàu vuông vức, thong dong vài chú ngựa gặm cỏ bên vệ đường, trước cổng lớn nhộn nhịp các anh lính lệ, lính khố xanh và chức dịch vào ra... Trong khuôn viên huyện đường có cây phượng vĩ cổ thụ sánh đôi với cây bạch ngọc trổ hoa thơm ngát.
Nhìn thấy người thầy học của vợ mình thời còn ở Huế, tri huyện Phạm Ngọc Bích vồn vã đón tiếp. Sau khi ông đồ già trình bày lý do lên thăm người con trai đầu “theo cộng sản” đang bị bắt giam trong nhà lao huyện, Phạm Ngọc Bích kêu nhà bếp nấu cháo vịt đãi thầy học và cho gọi người tù trẻ ấy lên ngồi bên, rồi cao giọng bảo: “Mi ăn cháo đi! Nể thầy, mi hứa với tau là trót dại theo cộng sản, dừ không theo nữa, tau cho về!”. Người tù trẻ tuổi im lặng, rồi bỗng gạt phắt bát cháo trong tay người lính lệ bưng lại, đoạn quay sang đứng cúi đầu trước ông đồ già. Tri huyện Phạm Ngọc Bích giận tím mặt, cố nén giọng nhã nhặn: “Đó thầy coi, nó cứng cổ lắm. Án làm rồi, sắp chuyển nó xuống Nhà lao Vinh, nó không hứa thế thì tui không thể cứu được, mong thầy hiểu!”. Ông đồ già khẽ tạ từ viên tri huyện rồi bỏ dở bữa cháo vịt, kéo cậu nhỏ đi theo ra về sau khi không quên dặn người tù trẻ gắng giữ gìn...
12 năm sau, người tù trẻ ấy sau khi thoát Ngục Kon Tum đã lập tức trở về quê nhà, là một trong những ủy viên (Nguyễn Đình Tùng - ủy viên tư pháp) của bộ máy chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện Thanh Chương, làm việc ngay trong ngôi huyện đường ở Rộ ấy. Ông đồ già là ông nội tôi và cậu nhỏ đi theo chính là cha tôi.
Đã 90 năm. Tôi trở lại Rộ để tìm lại những dấu tích không gian huyện đường xưa, nơi chứng kiến khí thế vùng lên giành quyền sống của nhân dân vùng hạ huyện Thanh Chương từ cao trào Xô Viết 1930 - 1931 đến Cách mạng Tháng Tám 1945. Khu huyện đường Thanh Chương cùng với những nhà việc, nhà lao, bàu nước... trong ký ức cha tôi, nay chỉ còn được nhắc nhớ nhờ tấm bia dẫn tích được dựng khuất lấp sau chợ Rộ. Trừ còn một khoảnh bãi trống trước bia dẫn tích, thì trên khu đất huyện đường nay đã kín nhà dân ở. Anh Phan Chính Tâm - Chủ tịch xã Võ Liệt cho hay là xã cũng đang dự định viết lại thật đầy đủ địa thế không gian huyện đường Thanh Chương xưa để chuẩn bị cho Rộ được lên thị trấn trong nay mai. Vì sao gọi là địa danh Rộ thì nay chẳng ai biết, nhưng vùng bãi Rộ sầm uất một thời nhờ có chợ Rộ lớn nhất vùng ấy nay có những bước phát triển thực sự sôi động, minh chứng cho cái đắc địa mà người Pháp đã chọn đặt làm trung tâm cai trị của huyện.
Không gian Rộ được coi là không gian của thôn Trung Đức - Võ Liệt nay với cỡ khoảng 4 héc-ta vuông. Trong đó khu vực huyện đường cũ chiếm khoảng 1 héc-ta. Giá như chợ Rộ không dịch từ bãi sông vào bàu nước trước huyện đường xưa, thì nếu đầu tư di dời nhà dân đi mà khôi phục một phần huyện đường, đó sẽ là điểm nhấn cho thôn Trung Đức nay đã hình hài nếp phố thị nhờ dịch vụ mở ra như nấm. Chợ Rộ nay là đầu mối giao thương lớn cho cả vùng, sản vật địa phương có cá sông, chè xanh và các thức bún bánh gia truyền mà người làm nghề dứt khoát giữ phương thức thủ công để giữ lại cái hương vị quê cho sản phẩm.
Giao thông thôn Trung Đức cũng được coi là nhất xã Võ Liệt. Đi qua cái cổng chào xây khang trang ghi đơn vị văn hóa, hai bên con đường nhựa dẫn vào trung tâm làng chen chúc các biển hiệu dịch vụ đủ thứ. Cái thôn bé tẹo mà cơ man là hàng ăn uống, bia bọt, cà phê... đủ thấy cái đời sống người dân đã lên như thế nào. Con cháu ông tá điền làm công cho nhà mại bản người Việt gốc Hoa hay con cháu ông đánh xe ngựa cho mấy đời tri huyện được phong hàm bát phẩm nay vẫn ở trên nền nhà cũ. Cụ Trần Văn Sáu, nay đã tuổi 75, chỉ ra vuông sân nhỏ nói: “Ấy, trước mặt nhà tôi đây vốn là nhà lao huyện đường đấy! Ngày giành chính quyền năm 1945, tôi mới lên 6 tuổi, cũng không nhớ gì nhiều, nhưng vui lắm. Gia đình ông huyện, ông thừa phái bàn giao ấn trấn triện cho cách mạng rồi thì hồi hương. Huyện đường được chính quyền cách mạng lâm thời trưng dụng làm nhà việc, bọn trẻ con chúng tôi hay vào đó chơi. Bề thế lắm, đẹp lắm!”.
Ừ, là kể sao hết những phá bỏ mất mát của một thời. Nhưng nếu còn giữ lại được di tích huyện đường thì Rộ hẳn đã thuận lợi hơn nhiều trong lộ trình thành lập thị trấn. Cụ Phan Xuân Đào, sinh năm 1924, gốc gác nhiều đời ở đây, ngày Cách mạng Tháng Tám đã 21 tuổi, có chút học hành được chọn lên chạy việc văn phòng cho chính quyền mới của xã Võ Liệt (lúc ấy gọi là xã Kim Bảng) do nhà cách mạng tiền bối Tôn Gia Chung vốn dòng “danh gia vọng tộc” nhưng yêu nước ở tổng Võ Liệt làm chủ tịch. Năm 1947, cụ Đào mới nhập ngũ đánh Pháp. Khi chị con dâu cụ Sáu sẽ sàng bê ấm chè xanh lên cho bố chồng tiếp khách, câu chuyện chen lấn những ký ức của cụ Đào và cụ Sáu tưởng như không dứt về một thời huyện đường sầm uất trên chợ dưới bến tạo cho thôn xóm ở Rộ một phong vị làng quê riêng của trung du Thanh Chương. Cụ Đào chỉ cụ Sáu nói: “Nhà ông Sáu đây vốn là tá điền của ông Ngô Xuân Sinh (nhà mại bản người Việt gốc Hoa). Ông Sinh giỏi tiếng Tây, nhà có 3 chục mẫu ruộng. Ông này nổi tiếng hào phóng và thương dân nghèo, biết tiếng Tây nên cũng giúp đỡ cán bộ cách mạng của ta nhiều, chỉ tiếc sau bị quy địa chủ, bà Tôn Thị Quế (sau là Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) lúc đó được trên cử về cứu nhưng không kịp”... Ông Ngô Xuân Sinh có nuôi một con ngựa bạch, cứ chiều chiều ông lại phi mấy vòng quanh chiếc bàu trước huyện đường mua vui cho lũ trẻ con. Hàng tạp hóa chợ Rộ trước cũng là do ông này mở, đủ từ vải vóc đến kim chỉ dầu đèn. Ngôi nhà 2 tầng kiến trúc kiểu châu Âu của ông nổi bật bên huyện đường, sau cũng bị phá bỏ.
Theo cụ Đào thì hồi đó cùng với con ngựa của ông Sinh còn có con ngựa kéo xe của quan huyện. Mỗi khi có việc lên tỉnh, chiếc xe ngựa lại lọc cọc chở tri huyện xuống phà Rộ qua sông Lam để sang bên Quốc lộ 15 có xe ô tô chờ sẵn bên đó. Cụ Đào nhiệt tình dẫn tôi đi xuống lối thôn thoai thoải xuôi bến Rộ xưa. Ông huyện Phàng hay ông huyện Bích, ông huyện Nam cũng đều một kiểu dùng xe ngựa thế cả. Ông huyện Nam (Trương Xuân Nam - tri huyện cuối cùng của huyện Thanh Chương) là người dễ tính, đôi khi cho bọn trẻ bám chạy theo xe ngựa sang bên sông, để được nghe bác tài bấm còi ô tô bin bin đón quan huyện. Bến phà Rộ nay là bến đậu của dân vạn chài chưa lên định cư trên bờ, lách ngang con đường xuống bến là lối vào đền Trấn Áp, thờ thần họ vệ bến sông, nay còn nhà hậu cung sau chuyển thành kho phân đạm, giờ đóng cửa ọp ẹp mái ngói sũng xuống, sau hồi còn một cái lư hương vẫn thường xuyên được ngời dân hương khói. Đền xưa cũng to lớn uy nghiêm không kém lắm đền Bạch Mã trên Thượng Đức, các bà huyện cũng chăm ra đây dâng hương lắm.
Tri huyện Trương Xuân Nam ham bóng đá, thành lập hẳn đội bóng mà cụ Đào cũng từng là “cầu thủ”, chơi thân với con trai huyện Nam. Ông huyện này khá gần dân, thường áo dài khăn đóng, lọc cọc ba-toong vào thăm từng nhà một. Bà huyện thì khá là lượt, thường lẻn ông huyện đi đánh tổ tôm với vợ ông cai lệ, vợ ông thừa phái và mấy bà vợ chức dịch trong làng. Ngày Cách mạng về, việc bàn giao ấn triện và giấy tờ của tri huyện Trương Xuân Nam cho chính quyền cách mạng diễn ra rất êm thấm, cụ Đào cũng có mặt chứng kiến trong những giờ khắc lịch sử ấy.
Bên tả huyện đường xưa có quán (đình) Ngũ Phúc cũng khá bề thế. Đây là nơi thực dân Pháp dùng dây thép xâu trói những người yêu nước bêu nắng đến chết. Quán bây giờ cũng chỉ còn hậu cung 3 gian đổ nát, phía trước phần đã chia đất cho dân xây ki-ốt, phần cho thuê làm xưởng xẻ mài đá ốp lát bia mộ chí. Những gạch đá, rường cột bị đập phá dỡ ra ủ đống mưa nắng cùng với đoạn bờ tường rêu phong nứt nẻ rễ cây duối già. Nếu như đền Trấn Áp là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân vùng Rộ, thì quán Ngũ Phúc là nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã xưa. Nhân dân thôn Trung Đức đã nhiều lần nguyện vọng lên trên khôi phục lại quán, nhưng bởi nhiều lý do chưa thực hiện được.
Thôn Trung Đức - Rộ nay có 209 nóc hộ, trong đó có 90 hộ bám lấy chợ Rộ để phát triển thương mại dịch vụ. Có nhiều hộ đã từ làm ruộng nhen nhúm ngôi quán, lên dần nhà hàng, mở mang bách hóa làm giàu mua được ô tô tải, ô tô du lịch, xây biệt thự khang trang. Thôn còn có làng nghề bún bánh được tỉnh công nhận với số hộ làm nghề. Theo cụ bà mẹ trưởng thôn Nguyễn Đình Nam, thì nghề bún bánh gia nhập vào Rộ từ những năm 1960, nay vẫn giữ cách làm thủ công, nên được chuộng hơn bún bánh nơi khác cán bằng máy chạy điện. Như nhà trưởng thôn Nam ngày làm hết yến gạo, đủ chi tiêu. Đời sống khấm khá, con em thôn được chăm lo học hành tấn tới, số lượng học sinh giỏi, đậu đại học, cao đẳng hàng năm đều đứng đầu xã.
Đứng trên cầu Rộ bây giờ, ngó vào thôn Trung Đức, san sát nhà dân xây mới khang trang được ôm lấy bởi những con đường thôn phong quang, duyên dáng. Chợ Rộ nay tháng 30 phiên, nhộn nhịp người về chợ không chỉ bởi ở đây dồi dào sản vật, hàng hóa, phong phú các dịch vụ mà như còn có gì đó níu kéo tâm tưởng về một vùng trung tâm huyện lỵ xưa sầm uất trên chợ dưới thuyền và cổ kính những quán, chùa... Đất bề dày văn hóa ấy còn ghi dấu son vào trang sử đấu tranh quật cường của cách mạng nước nhà với những ký ức tự hào cho mãi muôn sau...
Đ.S