Từ việc các đối thủ “va” phải tuyến phòng ngự nhiều tầng, đi đôi với linh hoạt chuyển trạng thái và bất ngờ tung đòn hồi mã thương ở những thời khắc quyết định.
Đến khi phải đối đầu với các đội bóng hàng đầu châu lục ở Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á hay với ĐT Thái Lan tại AFF Cup 2021 mới đây, dĩ nhiên ĐT Việt Nam tiếp tục phải chịu sức ép lớn và phải chủ động phòng ngự trước khi tính chuyện tung đòn phản công như thường thấy.
Điểm khác biệt thấy rõ là đến thời điểm này, nhưng những “đường đi, nước bước” của thầy trò HLV Park Hang-seo đều được đối thủ đẳng cấp nghiên cứu kỹ và nhanh chóng ra đối sách thích hợp. Một trong những đối sách đó là phản công nhanh khi chính ĐT Việt Nam đang phản công, khiến những “chiến binh sao vàng” không kịp trở tay.
Có rất nhiều ví dụ cụ thể để chứng minh cho điều này, trong đó có ví dụ từ trận lượt đi ở Vòng loại thứ 3 giữa ĐT Trung Quốc và ĐT Việt Nam ngày 7/10/2021. ĐT Trung Quốc chủ động áp đặt thế trận với ĐT Việt Nam và khi 45 phút trôi qua mà không tạo được đột biến có lợi, ngay lập tức họ lùi sâu, tạm nhường thế trận cho đội bóng láng giềng. Trong khi ĐT Việt Nam đang “say” với nhịp độ tấn công thì dính ngay một cú phất bóng dài và chỉ 2 đường chuyền bóng đã tới chân tiền đạo Wu Lei, để rồi dù Tấn Trường cản được cú sút đầu tiên nhưng Yuning vẫn kịp ập vào đệm bóng ghi bàn mở tỷ số trong sự bất lực của hàng thủ và thủ môn ĐT Việt Nam.
Trong trận đấu mới đây nhất của ĐT VIệt Nam trong trận lượt về gặp ĐT Australia (27/1/2022), 2 trong số 4 bàn thắng của đội bóng xứ chuột túi đến từ các tình huống phản công nhanh khi đối thủ đang tấn công. Đó là bàn thắng thứ 2, ở phút bù giờ của hiệp 1 diễn ra khi ĐT Việt Nam đang say sưa với tình huống tấn công ép sân đối thủ. Một tình huống phạm lỗi, bóng được đá phạt rất nhanh và chỉ vài ba đường chuyền tinh tế đã áp sát thủ môn và được sút thắng gọn ghẽ, do công của Rogic.
Ba ví dụ cụ thể nêu trên chứng minh rằng, lỗi chống phản công khi đang cố gắng phản công/tấn công của ĐT Việt Nam không phải là nhất thời, sai sót cá nhân mà là sai sót lặp đi, lặp lại. Thương hiệu của một đội bóng vốn giỏi “phòng ngự-phản công” bắt đầu bị đặt dấu hỏi và có nguy cơ phá sản khi đối thủ tìm cách bắt bài thành công không chỉ một lần và không hề may mắn mới có được.
Thực ra, không chỉ ĐT Việt Nam mắc lỗi nặng kiểu này, mà ngay cả các CLB hàng đầu thế giới như Man City hay Chelsea cũng thi thoảng để thua trong những tình huống bị phản công ngược như thế. Vấn đề là ĐT Việt Nam lâu nay quen đá “phòng ngự-phản công” sở trường, dấu ấn phòng ngự rất đậm nét bên cạnh sự bất ngờ từ những tình huống phản công nhanh sau đó. Nay không có tình huống bất ngờ nữa khi đối thủ sẵn sàng nhường sân, kéo ĐT Việt Nam dâng cao để rồi mắc bẫy, rơi vào 2 tình huống dở khóc, dở cười. Đó là không quen chơi áp đặt, kiểm soát nên lúng túng, kém hiệu quả. Đó là hở sườn, để lỏng phía sau nên bị phản công ngược, như câu chuyện “gậy ông đập lưng ông”. Tất nhiên, ai đó có thể phản biện rằng, đó là do ĐT Việt Nam thiếu vắng một số trụ cột và thầy trò ông Park Hang-seo đã khắc phục điều đó bằng trận thắng lịch sử trước ĐT Trung Quốc đấy thôi?
Vâng, thầy trò ông Park Hang-seo đã thấm thía hơn bao giờ hết, đã tự mình rút ra kinh nghiệm sâu sắc từ những tình huống bị phản công ngược nói trên và đó cũng chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp để ông Park Hang-seo bắt đầu năm 2022 với quá trình “làm mới, làm lại” nhiều vấn đề để củng cố lực lượng, đa dạng hóa lối chơi của ĐT Việt Nam. Mong rằng, ông Park Hang-seo và các “chiến binh sao vàng” từng bước khắc phục những điểm yếu, tạo ra “công thức chiến thắng” mới để tiếp tục cuộc hành trình ra biển lớn trong thời gian tới./.