(Baonghean) - Về làng Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Thành (Yên Thành) không khó để nhìn thấy những bức tường rào rêu phong, cổng nhà mang kiến trúc xưa và những ngôi nhà làm bằng gỗ cách đây trên dưới 100 năm vẫn được người dân lưu giữ, vẹn nguyên nét cổ kính...
 
images1031338_b.jpgNgôi nhà cổ của ông Đào Lương Thiện, xóm Vĩnh Tiến hôm nay.
 
Ấn tượng đầu tiên trước khi bước vào làng Vĩnh Tuy là mặt nước mênh mông của hồ Rộc Cựa, rộng hơn 5 ha. Nhìn từ trên cao, hồ Rộc Cựa có hình chiếc dạ dày, nối liền với 2 con sông nhỏ, bởi thế cái hồ là biểu tượng cho sự trù phú đối với làng Vĩnh Tuy. Làng có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, nơi đây đã có những phát hiện khảo cổ học tại các di tích trong làng. Điều đó cho thấy, cách đây hàng trăm năm, nơi đây là nơi cư trú của người Việt cổ. 
 
Đến nay, làng Vĩnh Tuy đã có trên 400 hộ dân và được chia thành 2 xóm: Vĩnh Tiến và Vĩnh Phúc, cách nhau chỉ một con đường. Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Ngọc Hiền, xóm trưởng xóm Vĩnh Tiến. Tìm hiểu về những ngôi nhà cổ trong xóm, ông Hiền điểm trên đốt ngón tay, rồi cho chúng tôi biết, hiện tại cả làng Vĩnh Tuy còn hơn chục ngôi nhà mang dáng dấp cổ (nhà ông cha trước đây) nữa thôi. Trước đây, khoảng 10 năm, nhà cổ trong làng nhiều lắm, do nhiều nếp nhà quá nhỏ, thấp, một số nhà bị hư hỏng, hơn nữa con em trong làng ăn nên làm ra, có điều kiện thay thế bằng những ngôi nhà có kiến trúc mới. Nói rồi, ông Hiền hồ hởi dắt chiếc xe máy ra cổng, đưa chúng tôi đến ngôi nhà cổ của ông Đào Lương Thiện. Ông Thiện mất cách đây hơn 3 tháng, bây giờ ngôi nhà này được người con gái là Đào Thị Hoan trông coi. Ngôi nhà của ông Thiện nằm sâu phía trong con ngõ dài hơn trăm mét. Qua con ngõ này, chúng tôi nhìn thấy một số cổng nhà được xây bằng vôi đã rêu phong, phía trong là những ngôi nhà còn nguyên gỗ đen sì, mái lợp bằng ngói âm dương. Bà Đào Thị Hoan mở khóa cổng, mời chúng tôi vào nhà. Cổng nhà vẫn còn nguyên hình nét cổ kính, mộc mạc. Hai trụ cổng to bè, được xây dựng bằng gạch nhỏ, đã bạc màu sương gió, mái cổng được thiết kế hình rẻ quạt, một số chi tiết hoa văn được thể hiện khá rõ nét. Chỉ có 2 cánh cổng trước đây làm bằng gỗ, giờ đã thay thế bằng sắt. Lối cổng dẫn vào sân rộng hơn 1m, còn nguyên hai bờ con chạch. Ngôi nhà cổ của ông Thiện hoàn toàn làm bằng gỗ lim, dài tới 5 gian, 2 hồi, gồm có 16 chiếc cột tròn, đường kính mỗi chiếc cột trên dưới 20 cm. Phía trước nhà thưng bằng gỗ, thiết kế thoáng mát bởi những ô cửa sổ tinh tế. Mái nhà lợp bằng ngói âm dương. Chỉ khác một điều, cách đây hơn 10 năm, ông Thiện nâng cột nhà cao hơn 40 cm, mới đây, ông lát nền bằng gạch men, thay thế nền đất trước đây. Ngoài ngôi nhà cổ, gia đình ông Thiện còn lưu giữ được một số đồ dùng thời xa xưa, như thùng đựng nước bằng đá vôi, chum, vại sành và cái giếng cổ ngay sát hồi nhà. Bà Hoan cho biết: Ngôi nhà này của ông cha làm từ năm bao nhiêu thì không nhớ rõ, khi ông Thiện còn sống, ông chỉ nhớ làm từ những năm trước 1935. Qua gần 100 năm sử dụng, những phần chính của ngôi nhà không hề hư hỏng, chưa phải thay thế cái gì. 
 
Sang xóm Vĩnh Phúc, chúng tôi được dẫn đến thăm ngôi nhà làm bằng gỗ lim của gia đình ông Nguyễn Văn Chương. Ngôi nhà của ông Chương mặc dù đã được nâng cao nền, lát gạch men, đánh sơn mài phần gỗ, vẫn còn nguyên vẹn của nếp cổ xưa. Một số phần gỗ được điêu khắc, mang đậm giá trị nghệ thuật chạm trổ. Được biết, ngôi nhà này do học trò làm cho một cử nhân trong làng Vĩnh Tuy cách đây khoảng 100 năm. Sau đó, ngôi nhà này được bán lại cho gia đình ông Chương, được gia đình ông gìn giữ cho đến hôm nay. 
 
Giữa vòng xoáy hối hả của thời hiện đại bên ngoài, những ngôi nhà cổ Vĩnh Tuy lặng lẽ khép mình vào một góc, tưởng chừng bị lãng quên ấy vẫn còn lại với thời gian, gắn bó với bao thế hệ nơi đây.
 
Xuân Hoàng