Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo 11 huyện, thị thuộc khu vực miền Tây Nghệ An…
Quyết định số 2355/QĐ-TTg đề ra 27 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và môi trường cho từng giai đoạn đến năm 2015, năm 2020, trong đó có 4 chỉ tiêu về phát triển kinh tế, 18 chỉ tiêu về phát triển văn hóa - xã hội, 5 chỉ tiêu về bảo vệ môi trường.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh: Nghệ An xác định đây là cuộc hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của miền Tây của tỉnh trong thời gian tới và đề nghị các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp… tập trung đánh giá những kết quả miền Tây Nghệ An đã đạt được; những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm qua gần 5 năm thực hiện Quyết định 2355/QĐ-TTg.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các đại biểu phân tích các thuận lợi, khó khăn; những vấn đề đặt ra của miền Tây Nghệ An trong quá trình phát triển, nhất là từ nay đến năm 2020 và 2030; tìm kiếm một cách tiếp cận phát triển mới, từ đó xác lập một tầm nhìn mới, thiết kế một chiến lược mới cho phát triển miền Tây Nghệ An.
“Các đồng chí, các nhà khoa học, các nhà quản lý và tất cả quý vị hãy đóng góp, “hiến kế” định hướng chiến lược và giải pháp phát triển cho miền Tây Nghệ An trong giai đoạn tới” - Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Tuy nhiên, theo đánh giá, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng, dự báo có 4/27 chỉ tiêu quan trọng trong Quyết định số 2355/QĐ-TTg khó đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020 gồm: chỉ tiêu về tăng trưởng; cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người; thu ngân sách.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị chỉ rõ: Đầu tư phát triển kinh tế- xã hội khu vực miền tây thành một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, gắn vùng nguyên liệu với khai thác, chế biến khoáng sản, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp. Xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao với trung tâm là Nghĩa Đàn nhằm khai thác tiềm năng nông nghiệp khu vực miền tây, tạo ra sản phẩm có chất lượng, năng suất, hiệu quả và làm điển hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ.
Trên cơ sở đó, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề nghị, cần bám vào mục tiêu này để đặt ra tầm nhìn phát triển cho miền Tây Nghệ An, đặc biệt cần lấy trục trung tâm xoay quanh mục tiêu là xây dựng khu vực này thành khu nông nghiệp công nghệ cao.
Tiếp đó, các chuyên gia, các nhà khoa học đã có những phát triển hết sức tâm huyết, chia sẻ, góp ý những định hướng để phát triển miền Tây tỉnh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng nêu một số ý kiến về hướng khai thác nguồn lực để phát triển miền Tây Nghệ An, trong đó tập trung vào vào các giải pháp để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, con người, tài chính.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển phân tích miền Tây Nghệ An có hai lợi thế so sánh nổi trội là nông nghiệp và du lịch và đề nghị tập trung để phát triển 2 lĩnh vực này.
Tại cuộc hội thảo còn có các ý kiến tham luận về xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Tây tỉnh Nghệ An; phát triển lâm nghiệp bền vững; giải pháp chủ yếu để phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng…
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá để phát triển miền Tây Nghệ An trong công tác quy hoạch, phát triển nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh và các ngành cân nhắc, tính toán để thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất, nhằm phát triển miền Tây Nghệ An một cách hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các ngành, các địa phương sau cuộc hội thảo triển khai cụ thể trên địa bàn; đặc biệt là ngành Nông nghiệp, Khoa học và Công nghệ, Du lịch cần phải có chương trình, đề án hết sức cụ thể để triển khai trên địa bàn miền Tây Nghệ An.
“Tôi lưu ý các ngành dự hội thảo, các đồng chí phải hết sức trăn trở đề ra những đề án cụ thể để giúp các huyện miền Tây Nghệ An có những phát triển trên cơ sở lợi thế” - Chủ tịch Nguyễn Xuân Đường yêu cầu.
Miền Tây tỉnh Nghệ An có tổng diện tích tự nhiên 13.728,97 km2, chiếm 83,36% diện tích toàn tỉnh; là vùng địa hình bị chia cắt khá phức tạp, có 11 đơn vị hành chính cấp huyện và 217 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số toàn vùng khoảng hơn 1,1 triệu người, chiếm 36,6% dân số toàn tỉnh, trong đó khoảng 38,9% là dân tộc thiểu số.
Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung bộ cũng như cả nước.