Những đứa trẻ mang hai dòng máu
Chị Mạc Thị Hồng (SN 1983), trú tại bản Ang, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương sang Trung Quốc làm công nhân cách đây 6 năm về trước. Cách đây 3 năm, chị gặp một công nhân cùng công ty tên là Dạ Ngẫu, quê ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc gần nơi chị ở trọ nên đã kết hôn với nhau.
Tiếng là vợ chồng nhưng cả hai không đăng ký kết hôn, sinh được bé gái khoảng 10 tháng tuổi thì Hồng mang về Việt Nam, khai sinh họ mẹ, đặt tên là Mạc Thị K. C. rồi giao cho bà ngoại nuôi nấng, còn mình tiếp tục sang Trung Quốc để mưu sinh.
“Suốt hơn 3 năm qua, tui đã sấp mặt để làm lụng nuôi cháu ngoại, nuôi nó còn khó hơn cả mấy đứa con đẻ cộng lại, cháu rất nhút nhát, không mạnh dạn như bạn bè cùng trang lứa, có lẽ nó mang dòng máu ngoại lai nên mới như vậy”, bà Lan thở dài chia sẻ.
Cũng ở bản Ang, theo chân Trưởng bản Lô Khăm Nhưn, chúng tôi tiếp cận ngôi nhà của ông Lương Văn Hà (SN 1974). Ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh trên sườn đồi từ vài năm nay “bỗng dưng” tiếp nhận thêm 2 nhân khẩu chỉ sau gần một năm con gái lớn của anh này theo chân bạn bè sang Trung Quốc tìm chồng.
Năm nay mới 23 tuổi, song nhìn Lương Thị Quyền, con gái anh Hà như thiếu nữ mới đôi mươi khi son phấn, ăn mặc tân thời chẳng thua gì các cô gái ở phố thị. Càng không tin được khi Quyền đã là mẹ của hai đứa con, năm nay đã hơn 2 tuổi. Qua lời kể của sơn nữ này được biết, năm 2014 nghe lời rủ rê của bạn bè, Quyền bỏ nhà sang Trung Quốc để làm công nhân và tìm chồng, với lời hứa lương cao, công việc nhàn hạ.
Tại đây, với nhan sắc vào loại khá, Quyền nhanh chóng được một anh thợ hàn (mà đến nay cô cũng không nhớ tên, chỉ biết là SN 1991) cưới làm vợ. Quyền sinh đôi được hai cô con gái, được nhà chồng cho về Việt Nam để chăm sóc. Cả hai đứa con của mình, Quyền đều khai sinh theo họ mẹ.
Khi chúng tôi hỏi về tình trạng hôn nhân, cô gái Thái sinh năm 1994 này luôn khẳng định, hai vợ chồng vẫn liên lạc thường xuyên, song lại “vô tình” cho biết, cuộc hôn nhân của mình chỉ kéo dài 7 tháng, cộng với một tháng đầu tiên trước khi “cưới”, từ đó đến nay chưa từng gặp nhau.
Ông Lương Văn Hà cũng nhún vai, lắc đầu khi chúng tôi ngỏ ý muốn biết sự thật về tình trạng hôn nhân của Quyền. Cũng như bao ông ngoại, bà ngoại có con gái lấy chồng Trung Quốc khác ở vùng này, gia đình chưa một lần nhìn thấy mặt con rể, trong khi phải còng lưng nuôi cháu ngoại trong cơ cực ngay từ khi còn đỏ hỏn.
Ông Lương Văn Phang - Chủ tịch UBND xã Xá Lượng cho biết thêm, hằng năm trên địa bàn xã có hàng trăm phụ nữ bỏ làng sang Trung Quốc làm ăn, một số trở về mang theo con, phần lớn đều tự nguyện đi. Hồi tháng 7/2017, có trường hợp của Mạc Thị Khương ôm con về tố cáo với chính quyền là mình bị lừa bán, song khi điều tra ra thì không phải vậy, mà do tự nguyện bỏ đi.
Hệ lụy khi vỡ mộng chồng ngoại
Trung tá Trần Phúc Tú - Trưởng Công an huyện Tương Dương cho rằng, vấn nạn mua bán người trong thời gian qua trên địa bàn huyện biên giới này tiếp tục diễn biến phức tạp. Một trong những hệ lụy nhãn tiền là nhiều sơn nữ sang bên kia biên giới, lấy chồng sinh con cho người bản địa, sau đó về Việt Nam sinh con hoặc sinh con bên đó rồi mang về bên này để nuôi dưỡng.
Thống kê chưa đầy đủ của Công an huyện cho thấy, hiện nay có ít nhất trên 30 cháu bé ra đời trong hoàn cảnh như vậy, đang sinh sống với mẹ hoặc người thân trên địa bàn. Tiếng là mang hai dòng máu Việt - Trung, song quá trình khai sinh đều mang họ mẹ. Chuyện những đứa trẻ ngoại lai này sinh sống ở địa phương, phần lớn đều có cuộc sống như bao đứa trẻ Việt khác, dù vậy cũng có không ít trường hợp sóng gió. Điển hình nhất là câu chuyện của Vi Thị Hiền (SN 1992), trú tại thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương.
Năm 2014, Hiền bị lừa bán sang Trung Quốc lấy chồng người bản địa. Quá trình sinh sống, có một đứa con gái chung với người chồng ở đây thì sơn nữ này ôm con bỏ về Việt Nam, lúc ấy cháu bé mới 3 tháng tuổi, còn chưa kịp khai sinh, đặt tên. Sau hơn một năm bị lừa bán, trở về thì cả bố lẫn mẹ và anh trai đều vướng lao lý vì ma túy, nhà cửa cũng chẳng còn.
Không nơi nương tựa, Hiền đành gửi con cho một người quen ở huyện Kỳ Sơn nhờ nuôi nấng, còn mình tiếp tục vượt biên để mưu sinh. Người nhận nuôi cháu bé là bà Lương Thị Bình, đã đi làm khai sinh cho cháu mang họ mình. Sau 3 năm, Vi Thị Hiền trở về đòi lại con không được, khởi kiện ra tòa án. Qua 2 cấp xét xử, tòa tuyên buộc bà Bình phải trả lại con cho mẹ đẻ, vì xét nghiệm ADN thì đúng cháu bé là con ruột của Hiền. Song, bị đòi tiền công nuôi dưỡng hơn 200 triệu đồng, sơn nữ này không có khả năng nên đành chấp nhận mất con.
Còn ở huyện Kỳ Sơn, tình trạng phụ nữ bỏ bản sang Trung Quốc lấy chồng, sau đó đưa con về sinh sống tại địa bàn cũng diễn ra khá nhức nhối. Đại úy Kha Văn Hiền - Đội trưởng Đội điều tra Tổng hợp, Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn có hàng chục trường hợp phụ nữ mang con từ Trung Quốc về sinh sống. Tuy nhiên, khó khăn là các đối tượng này không khai báo, về một thời gian rồi lại tiếp tục trở lại Trung Quốc mưu sinh nên con số biến động thường xuyên.
Gần đây, có cả tình trạng lừa bán phụ nữ mang thai sang Trung Quốc chứ không đơn thuần là lấy chồng, sinh con ở xứ người rồi đưa về quê hương nuôi dưỡng. Chính những biến động như vậy, dù chưa gây ra sự xáo trộn, khó khăn nào đối với lực lượng công an trong công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn, song cũng phát sinh nhiều tiềm ẩn, liên quan đến tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em vốn đã nhiều nhức nhối ở các huyện biên viễn ở miền Tây xứ Nghệ trong suốt những năm gần đây.