Hai bản sắc phong đựng trong chiếc hộp gỗ sơn son cùng một thanh kiếm gỗ được ông Lô Thiết Thuyết cất giữ cẩn thận, chỉ những người có đủ độ tin tưởng mới được ông mở cho xem. Ông Thuyết cho hay: “Hai sắc phong này được truyền lại từ đời ông nội, đến đời bố và nay đến lượt tôi giữ. Trước khi về với ông bà tổ tiên, tôi sẽ giao lại cho con trai trưởng và dặn dò cất giữ cẩn thận”.

 
bna_sac_phong_4_anh_cong_kien6267782_1262018.jpgHai sắc phong đang được ông Lô Thiết Thuyết lưu giữ cẩn thận. Ảnh: Công Kiên

Ông Thuyết cho biết thêm, ngày xưa ở bản Tổng Xan có ngôi đền khá lớn, người dân khắp các bản ở Thạch Ngàn thường tổ chức tế lễ vào dịp đầu xuân và giữa tháng 6 Âm lịch. Về sau, trải qua những biến động lịch sử, ngôi đền bị xuống cấp rồi hư hỏng, ông nội của ông là Lô Thiết Thanh từng giữ một chức vụ nhỏ trong chế độ cũ đã đem sắc phong và một số đồ tế khí về nhà cất giữ.

Trước khi qua đời, ông nội giao những “báu vật” ấy lại cho cụ thân sinh của ông Thuyết là Lô Thiết Hồng, và nay ông Thuyết đang lưu giữ theo lời dặn dò của bậc thân sinh. “Xưa kia Thạch Ngàn là chốn rừng thiêng nước độc, tổ tiên của ta được vua ban sắc phong chắc hẳn là vật báu, phải giữ lại cho con cháu mai sau luôn tự hào về nguồn cội của mình” – ông Thuyết chia sẻ.  

Sắc phong vẫn còn nguyên vẹn, nét chữ và hoa văn còn rõ. Ảnh: Công Kiên

Hai sắc phong ông Lô Thiết Thuyết lưu giữ còn nguyên vẹn, giấy dó còn rất bền và nét chữ cùng các hoa văn, họa tiết vẫn còn rất rõ. Và cả đạo sắc đều của Vua Khải Định (nhà Nguyễn), sắc thứ nhất có từ năm Khải Định thứ hai (1917); sắc thứ hai có từ năm Khải Định thứ 9 (1924).

Hai đạo sắc đều có nội dung giao cho nhân dân xã Thạch Ngàn, huyện Tương Dương, phủ Tương Dương, tỉnh Nghệ An thờ phụng tôn thần Cao Dục Tú trung dũng linh ứng, Dục Bảo Trung Hưng Cao Sơn Cao Các linh ứng tôn thần, hộ quốc bảo dân, che chở cuộc sống dân lành. Ở đạo sắc thứ hai, nhà vua tăng thêm cấp bậc là Trác Võ Thượng đẳng thần.

Cùng với hai sắc phong, hiện ông Lô Thiết Thuyết còn lưu giữ thanh kiếm gỗ, có khả năng là đồ tế khí. Ảnh: Công Kiên

Nội dung sắc phong cho thấy lời kể về ngôi đền ở bản Tổng Xan và các chi tiết liên quan qua lời kể của ông Lô Thiết Thuyết là đúng sự thật. Chứng tỏ cộng đồng người Thái đã cư trú trên vùng đất Thạch Ngàn từ lâu đời và có bề dày truyền thống văn hóa và tín ngưỡng phong phú.

Cùng với hai đạo sắc và chiếc kiếm gỗ, hiện gia đình ông Thuyết còn giữ chiếc lọng – vật dụng được dùng vào dịp tổ chức lễ rước. Do thời gian quá lâu, chiếc lọng gần như đã bị hỏng, không còn sử dụng được.

Chiếc lọng dùng trong lễ rước vẫn còn được ông Thuyết lưu giữ. Ảnh: Công Kiên

Ông Lô Thiết Thuyết cho biết: “Nguyện vọng của bà con người Thái ở bản Tổng Xan nói riêng, xã Thạch Ngàn nói chung là được Nhà nước hỗ trợ kinh phí phục dựng đền thờ Cao Sơn Cao Các, để nhân dân có điều kiện khôi phục việc cúng tế và tổ chức lễ hội. Qua đó, thắt chặt hơn nữa tinh thần đoàn kết cộng đồng và bồi đắp niềm tự hào về truyền thống quê hương cho thế hệ trẻ”.