Miền Tây tỉnh Nghệ An có tổng diện tích tự nhiên 13.728,97 km2, chiếm 83,36% diện tích toàn tỉnh. Đây là khu vực có 11 đơn vị hành chính cấp huyện và 217 đơn vị hành chính cấp xã, có 27 xã biên giới với 419 km đường biên với nước Lào; có 1 cửa khẩu quốc tế (Nậm Cắn,  huyện Kỳ Sơn), 1 cửa khẩu quốc gia (Thanh Thủy, huyện Thanh Chương) và 3 cửa khẩu phụ (Tam Hợp, huyện Tương Dương; Thông Thụ, huyện Quế Phong và Cao Vều, huyện Anh Sơn). Dân số toàn vùng khoảng 1.136.383 người, chiếm 36,6% dân số toàn tỉnh, trong đó khoảng 38,9% là dân tộc thiểu số.

cachuyenmientaynghean26339131862018_aupe.jpgCác đơn vị hành chính cấp huyện miền Tây Nghệ An. Ảnh: maps.google
Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung bộ cũng như cả nước. Chính vì vậy UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 (Gọi tắt là Quyết định số 2355/QĐ-TTg). Quyết định số 2355/QĐ-TTg cũng đồng thời góp phần thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Mục tiêu của Quyết định số 2355/QĐ-TTg là “Khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế miền Tây tỉnh Nghệ An cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh; cải thiện rõ rệt và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh và bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị,...”.

Quyết định số 2355/QĐ-TTg đề ra 27 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và môi trường cho từng giai đoạn, trong đó có 4 chỉ tiêu về phát triển kinh tế, 18 chỉ tiêu về phát triển văn hóa - xã hội, 5 chỉ tiêu về bảo vệ môi trường.
 
Ảnh trên xuống, trái sang: Cầu Bồng Khê (Con Cuông) và đường vào Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát; Quang cảnh xã Mường Lống (Kỳ Sơn), xã Châu Tiến (Quỳ Châu) và bản Hủa Na (Quế Phong). Ảnh: Sách Nguyễn

Về kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014-2018 trên địa bàn miền Tây Nghệ An ước đạt 8,5%, cao hơn tăng trưởng bình quân chung toàn tỉnh (tăng trưởng bình quân của tỉnh giai đoạn này là 7,59%).

Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 26,5 triệu đồng, tăng 1,53 lần so với năm 2013 (bằng 70% so với bình quân đầu người của cả tỉnh).

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp.

- Tốc độ tăng thu bình quân giai đoạn 2013 - 2015 đạt 28,8% (giai đoạn này, thu ngân sách trên địa bàn tăng nhanh do nhiều nhà máy trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, thủy điện hoàn thành, đi vào hoạt động);Giai đoạn 2016 - 2018 tăng thu bình quân hàng năm ước đạt 6,5% (giai đoạn này, thu ngân sách trên địa bàn tăng với mức không lớn, do một số dự án mới đưa vào hoạt động nhưng chưa phát huy hết công suất; một số dự án thủy điện, chế biến nông, lâm sản khác dự kiến năm 2019, 2020 và các năm sau mới hoàn thành, đưa vào vận hành).

Người dân miền Tây Nghệ An phát triển kinh tế nông nghiệp.

Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, đã hình thành một số vùng sản xuất cây nguyên liệu (mía, chè, cao su, cam, cây nguyên liệu chế biến gỗ,...) tập trung, quy mô lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu; chăn nuôi tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến (bò sữa, bò thịt, lợn,...) được hình thành và tiếp tục phát triển. Công nghiệp phát triển khá nhanh, với nhiều nhà máy thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản hoàn thành đi vào hoạt động đã tạo động lực cho chuyển đổi cơ cấu và phát triển kinh tế. Thương mại, dịch vụ được mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống và sản xuất.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, với mức bình quân khoảng 11%/năm. Thu hút vốn đầu tư trên địa bàn đạt khá, hiện nay có khoảng 163 dự án với 64.100 tỷ đồng vốn đầu tư đăng ký đầu tư vào khu vực miền Tây Nghệ An, phần lớn các dự án đầu tư trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, trồng rừng... 

Nhà máy thủy điện Hủa Na (Quế Phong). Ảnh tư liệu

Một số dự án sản xuất quan trọng, tạo năng lực mới đã hoàn thành và đi vào hoạt động giai đoạn sau khi có Quyết định 2355 đến nay: Nhà máy chế biến sữa của Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH, Nhà máy chế biến gỗ Nghĩa Đàn, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Anh Sơn; các nhà máy chế biến đá trắng, đá xẻ, đá ốp lát ở Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn; 7 nhà máy thủy điện với tổng công suất 638,5MW đã phát điện; một số dự án đang thực hiện đầu tư như: Dự án Bảo tồn và phát triển dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững của Công ty Cổ phần dược liệu TH; dự án trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao Masan Nutri - Farm Nghệ An ở huyện Quỳ Hợp của Tập đoàn Masan; sản xuất MDF tại huyện Anh Sơn; chế biến hoa quả ở Nghĩa Đàn; 11 dự án thủy điện với tổng công suất 174,4 MW;....

 Về phát triển văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ và tài nguyên môi trường

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; công tác phát triển nguồn nhân lực được chú trọng; an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt kết quả khá. Hoạt động khoa học công nghệ đã hướng vào mục tiêu đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Nhảy sạp tại Lễ hội Hang Bua. Ảnh: Sách Nguyễn

Đến năm 2015 có 15 chỉ tiêu đạt và vượt, có 3 chỉ tiêu chưa đạt (Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được cả 4 mùa; số dược sĩ đại học/vạn dân; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao đạt chuẩn). Dự kiến đến năm 2020 có 18/18 chỉ tiêu của lĩnh vực văn hóa – xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó có 15 chỉ tiêu sẽ có nhiều thuận lợi để đạt và vượt, 3 chỉ tiêu cần quan tâm hơn có các giải pháp chỉ đạo để đạt (Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được cả 4 mùa; số dược sĩ đại học/vạn dân; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao đạt chuẩn).

Ngày hội thể thao của xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn). Ảnh tư liệu

Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, nhất là rừng, tài nguyên nước và tài nguyên khoáng sản được tăng cường; việc khai thác, sử dụng ngày càng hiệu quả. Nhận thức của mọi tầng lớp cán bộ và nhân dân về công tác bảo vệ môi trường đã được nâng lên. Vì vậy, đến năm 2015 có 5/5 chỉ tiêu đạt; dự kiến đến năm 2020 có 5/5 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị được quan tâm, nhiều công trình trọng điểm ghi trong Quyết định 2355/QĐ-TTg đã và đang được thực hiện, như: đường tỉnh 541, 543 (đường Tây Nghệ An), đường tỉnh 544, 544B, đường nối quốc lộ 1 đi thị xã Thái Hòa, Đường nối từ đường N5 khu công nghiệp Nam Cấm - Đô Lương - Tân Long (Tân Kỳ); Dự án Hồ Sông Sào giai đoạn 2; Hoàn thành Chương trình đưa điện lưới quốc gia về các xã chưa có điện lưới quốc gia trên địa bàn miền Tây Nghệ An; Bệnh viện khu vực Tây Bắc, Bệnh viện khu vực Tây Nam, Trung tâm y tế huyện Nghĩa Đàn, Bệnh viện đa khoa huyện Tương Dương và Trạm y tế xã tại các huyện; Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT số 2, 02 trường THPT dân tộc bán trú, 06 trường THCS nội trú, Trung tâm dạy nghề huyện Nghĩa Đàn;... Công tác di dân, tái định cư các dự án thủy điện, thủy lợi, vùng bị ô nhiễm môi trường bước đầu được thực hiện tốt.

Được xác định là khu vực trọng điểm về kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của Nghệ An và khu vực Bắc miền Trung, nhưng kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại đây chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng.  Dự báo có 4/27 chỉ tiêu quan trọng trong Quyết định số 2355/QĐ-TTg khó đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020 (Chỉ tiêu về tăng trưởng; cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người; thu ngân sách); chưa tạo được sự chuyển biến căn bản, đột phá quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của Vùng.

 Quy mô kinh tế còn nhỏ bé, hiệu quả chưa cao. Chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vẫn còn yếu kém, nhất là trong xây dựng, đất đai, khai thác khoáng sản. Thu hút đầu tư còn hạn chế, nhất là thu hút các dự án FDI. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều dự án triển khai chậm.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Cơ sở vật chất phục vụ công tác khám chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu. Các đề tài ứng dụng khoa học, công nghệ có hiệu quả còn ít, chưa được triển khai nhiều trên diện rộng. Ô nhiễm môi trường ở một số nơi chưa được xử lý triệt để. Việc ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân sau tái định cư các dự án thủy điện, thủy lợi, vùng bị ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Công tác di dân, tái định cư vùng có nguy cơ cao về thiên tai gặp khó khăn do nguồn vốn đầu tư hạn chế.
Cuộc sống của người dân bản Búng ở đầu nguồn khe Khặng, thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông) vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả.

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt mục tiêu đề ra, nhưng vẫn còn ở mức cao (gấp 2 lần mức bình quân toàn tỉnh) và chưa thật sự vững chắc; hộ cận nghèo còn nhiều.

Tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người, hoạt động truyền đạo trái pháp luật, di dịch cư trái phép qua biên giới không được quản lý vẫn còn diễn biến phức tạp; khai thác trái phép lâm sản, khoáng sản còn diễn ra; tệ nạn xã hội, một số hủ tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp. Năng lực hoạt động của hệ thống chính trị vẫn còn hạn chế.