(Baonghean) - Chuyện làm và sử dụng bằng giả không phải là chuyện mới mà là chuyện đã cũ. Rất cũ. Nhưng vẫn tiếp tục làm nóng dư luận suốt cả tuần qua bởi lẽ, chưa bao giờ việc sản xuất,  tiêu thụ và sử dụng bằng giả lại lan tràn như hiện nay.
 
images1121838_bang_gia.jpg
 
Vụ sản xuất và tiêu thụ bằng giả lớn nhất từ trước đến nay có quy mô liên tỉnh vừa được Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh triệt phá vào ngày 12/1 vừa rồi. 13 đối tượng tham đường dây sản xuất và tiêu thụ bằng giả đã bị bắt giữ cùng với hàng trăm bằng cấp, phôi bằng, bảng điểm… của hàng loạt trường đại học, cao đẳng trong cả nước với các trang thiết bị, máy móc hiện đại làm ra những bằng giả như thật rất khó phân biệt. Bằng cao đẳng, đại học có giá 5 triệu đồng/bằng. Còn bằng thạc sĩ, tiến sĩ chắc là có trình độ cao hơn nên giá cả cũng cao hơn, từ 7 đến 9 triệu đồng/bằng. Điều đáng nói lo ngại hơn cả là các đối tượng khai nhận, qua gần một năm hoạt động đã bán ra thị trường khoảng 500 đến  600 bằng cấp các loại.
 
Đồng nghĩa với việc hiện đang có chừng đó người dùng bằng giả và không ai biết là sử dụng những tấm bằng đó vào mục đích gì. Còn vụ sử dụng bằng giả lớn nhất từ trước tới nay trong ngành Y vừa bị phát lộ trước đó ít ngày là sau khi Sở Y tế Thanh Hóa  tiến hành rà soát lại bằng cấp của toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện tới 20 trường hợp dược sỹ, y sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm… dùng bằng giả. Trong số này, có nhiều cán bộ đang công tác tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, như Bệnh viện Nội tiết... Điều đáng nói, số cán bộ này đã dùng bằng giả hàng chục năm nay mà không bị phát hiện. Thế nghĩa là chừng đó cán bộ thực tế là không biết, không có bất cứ một chút kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ gì nhưng nhờ vào tấm bằng giả và ăn theo cả đội ngũ mà trở thành cán bộ, công chức lĩnh lương đều đặn.
 
Chuyện này, gợi nhớ đến một điển tích xưa gọi là “lạm vô sung số” để nói việc thật giả lẫn lộn. Ngày xưa, có một ông vua rất thích nghe hợp tấu vu kèn. Ông đã lập nên một đội nhạc công lên đến ba trăm người. Trong số đó, có một người không hề biết thổi kèn, nhưng vẫn được vào đội nhạc công nhờ khéo nịnh hót và lo lót giỏi. Và ông ta tồn tại được chính là nhờ đứng lẫn với 299 người còn lại và mỗi lần biểu diễn lại giả vờ thổi y như mọi người nên không bị phát hiện ra. Nhưng khi ông vua đó chết, con trai nối ngôi lại không thích nghe hợp tấu mà chỉ thích độc tấu. Thế là kẻ giả dối kia vội vã bỏ cả nhà cửa, vợ đẹp, con khôn cùng lương cao, bổng hậu chạy tháo thân. Vì độc tấu thì lộ ra ngay sự gian dối. Mà tội khi quân là bị chém rơi đầu ngay lập tức. 20 cán bộ, nhân viên viên y tế kia trong chừng đó năm có chỗ “kiếm cơm” chắc là cũng nhờ làm theo, bắt chước đồng nghiệp hoặc là nhờ làm việc theo cơ chế “mồm mép đỡ tay chân” nên mới tồn tại được. Nhưng cũng có thể là có người có thế lực “chống lưng” hoặc là bằng giả, lại làm được việc như bằng thật. Nhưng dù sao, khi bị phát hiện ra dùng bằng giả thì những người đó sẽ bị xử lý ngay theo quy định của pháp luật là cho thôi việc. Còn những trường hợp có bằng thật mà trình độ thì giả, là không hoàn toàn tương xứng thì mới là nan giải. 
 
Chuyện này không phải là không có cơ sở từ thực tế. Vì đã có lần có một vị lãnh đạo cao cấp của Chính phủ khẳng định là có tới 30% cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc diện “cắp ô”, không đủ năng lực hoàn thành công việc được giao. Như thế có thể hiểu ra ngay là những tấm bằng mà họ có trong tay để rồi được bố trí công việc trong bộ máy công quyền là thật, nhưng năng lực thật sự của họ lại không tương đương với sự công nhận nên làm việc không hiệu quả. Nói gọn lại là bằng cấp thật, nhưng trình độ, năng lực là giả. Trong thực tế, ngay tại cơ quan mà tác giả bài viết này đang công tác, cũng là một cơ quan liên quan đến nghề viết nhưng cũng chứng kiến không ít người không viết nổi một câu cho đúng ngữ pháp.
 
Lạ là họ vẫn thi đỗ được đại học. Lạ hơn nữa là vẫn tốt nghiệp. Và lạ trên cả lạ là tốt nghiệp một cái thì được nhận ngay vào cơ quan không theo kiểu “chỉ định”, không qua thi tuyển. Tìm hiểu căn nguyên thì được biết là những người đó, để vào được đại học họ đã phải “chạy”. Vào được đại học rồi, họ lại phải “chạy nhanh dần đều” tiếp để tốt nghiệp. Tốt nghiệp xong, lại “chạy” tiếp để vào cơ quan (ngoại trừ một số người có thế lực thì nghiễm nhiên là không phải chạy). Dĩ nhiên, số tiền phải bỏ ra để “lót đường chạy” trong chừng đó công đoạn là không đếm xuể. Đến khi vào được cơ quan thì họ không chạy nữa mà cứ ì ra hoặc làm quấy quá cho xong việc, buộc các bộ phận khác phải ra tay xử lý hộ. Và họ vẫn tồn tại. Vì ở ta, đã vào biên chế rồi thì đừng có nói chuyện ra. Chẳng ai bẩy được mà cũng chẳng ai muốn bẩy, thậm chí là không dám bẩy. Vì không khéo bẩy nó không được nó lại bẩy mình ra vì nó “khỏe” hơn mình. Tốt hơn hết là nhịn đi cho lành. Và vì lương, thưởng trả cho họ là của công chẳng ai thấy xót cả. Cho nên, “dĩ hòa vi quý” để cả làng cùng vui.
 
Nói vậy, không phải là nói suông mà bằng chứng là sau tuyên bố có 30% cán bộ, công chức, viên chức “cắp ô”, cho đến nay đã gần 2 năm trời mà chưa thấy có bất cứ một vị nào trong số đó bị cho thôi việc. Ngược lại, cuối năm, ngành Nội vụ công bố chỉ có chưa đến 1% số cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước không hoàn thành nhiệm vụ. Thế là, nhờ có bằng thật, cho dù trình độ, năng lực là giả họ vẫn ung dung “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” rồi lên lương, lên chức đều đặn. Chẳng ai làm gì được họ…
 
Thế mới thấy, bằng giả dù làm như thật nhưng khi bị phát hiện là bị xử lý ngay. Còn bằng thật mà làm việc như giả thì dù có thấy rõ ràng mười mươi cũng không cách nào xử lý được. Cho nên, nói thật như giả nguy hại hơn giả mà như thật là vậy!
 
Bụt Sơn