(Baonghean) - Có một việc, chỉ vừa mới manh nha thôi, nhưng đã được dư luận khá quan tâm - Đó là tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, người đứng đầu Bộ Nội vụ đã gợi mở, nếu đề xuất để dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND phường, xã, để dân giám sát trực tiếp được chấp thuận thì đó sẽ là một trong những nội dung mang tính đột phá của dự luật này.
Chưa biết sự đột phá sẽ đạt được đến ngưỡng nào, nhưng có thể khẳng định được ngay rằng: Đó là việc chưa có trong tiền lệ nên sẽ tạo ra một bước chuyển mạnh mẽ trong ý thức của người dân về quyền dân chủ trực tiếp của họ. Và chắc chắn họ sẽ quan tâm hơn, có trách nhiệm hơn với lá phiếu của mình cũng như trách nhiệm với các hoạt động của chính quyền sau ngày bầu cử. Vì họ được trực tiếp lựa chọn, nên họ sẽ có trách nhiệm đến cùng với sự lựa chọn của mình qua sự theo dõi, giám sát của cả cộng đồng. Nếu sự lựa chọn đó là đúng đắn, là có lợi cho cuộc sống của họ, thì họ sẽ bảo vệ đến cùng; còn nếu sự lựa chọn đó là sai lầm, thì họ cũng sẽ có trách nhiệm sửa sai. Vô hình trung, cách làm đó sẽ thu hút được trí tuệ, trách nhiệm của người dân vào việc xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh như yêu cầu của Đảng, Nhà nước ta vẫn thường đặt ra cho chính quyền các cấp.
Cái lợi thứ hai của dân chủ trực tiếp là khi dân được trực tiếp và tự nguyện trao gửi quyền lực, thì tất nhiên việc họ tuân thủ quyền lực đó cũng tự giác hơn. Điều đó sẽ rất thuận lợi cho lãnh đạo và điều hành của chủ tịch xã. Và, người được dân bầu sẽ hoạt động năng nổ hơn, sẽ cố gắng, nỗ lực hết mình để xứng đáng với sự tín nhiệm của dân; vì hơn ai hết, người đó hiểu được rằng, dân đưa anh lên bằng lá phiếu của họ thì cũng hạ được anh xuống bằng chính lá phiếu đó mà không phụ thuộc vào bất cứ yếu tố nào khác. Cho nên tự người được dân bầu sẽ thành tâm học hỏi, đào tạo, rèn luyện để khẳng định và tồn tại, lâu dần sẽ hình thành nên đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở cơ sở công tâm, thạo việc mà không phải bỏ tiền ngân sách ra để đào tạo, bồi dưỡng như trước nay vẫn làm. Như thế có thể gọi là “bất chiến tự nhiên thành”.
Cái lợi thứ ba, khi người dân được bầu trực tiếp thì người ta sẽ lựa chọn người xứng đáng nhất, bất kể người đó có là đảng viên hay không. Việc này đã có tiền lệ khi bầu trưởng thôn ở một số địa phương. Đó chính là một áp lực buộc các đảng viên phải nỗ lực hết mình để được dân tin yêu, lựa chọn. Sự nỗ lực đó sẽ giúp hình thành nên đội ngũ đảng viên giỏi và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Nhờ đó, uy tín cũng như sức mạnh của tổ chức đảng sẽ nhân lên gấp bội. Đó chính là những hiệu quả từ việc thực hành dân chủ trực tiếp đem lại có thể nhìn thấy ngay, khẳng định được ngay.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, việc thực hành dân chủ trực tiếp như vậy sẽ vướng mắc nhiều thứ. Như là để dân trực tiếp bầu chủ tịch xã liệu có vi phạm nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước? Rồi để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ trong trường hợp có độ vênh trong sự lựa chọn, thì phải giải quyết như thế nào giữa một bên là nguyên tắc, một bên là sự lựa chọn của nhân dân? Trong trường hợp số đông vẫn có thể sai thì phải như thế nào?... Có lẽ, những vướng mắc đó chính là rào cản khiến cho đề án thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã tại 500 xã đã được chuẩn bị từ mấy năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Vì thế, phải có phương án tháo gỡ những vướng mắc đó trước khi thực hiện việc để dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND phường, xã.
Phải khẳng định, để dân bầu trực tiếp là một đề xuất táo bạo và khá hay, tạo bước tiến mới về sinh hoạt chính trị trong đời sống cộng đồng. Nhưng hay đến mấy thì vẫn cần phải cân nhắc hết sức thận trọng trước khi quyết định.
Duy Hương