Lập chốt kiểm soát dịch khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: XH Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố, số lợn tiêu hủy 230 nghìn con lợn, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 0,8% tổng đàn lợn.
Đối với
Nghệ An, từ đầu năm đến ngày 13/12, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 328 xã, buộc tiêu hủy 34.345 con lợn. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, thời gian tới dịch sẽ phát sinh, lây lan mạnh, do Nghệ An chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, không đủ điều kiện vệ sinh thú y, mầm bệnh tồn tại trong cơ thể lợn, lưu hành rộng rãi trong môi trường; lưu lượng vận chuyển lợn trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao; thời tiết diễn biến bất lợi: mưa, rét, chênh lệch giữa ban ngày với ban đêm lớn... Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại một số địa phương thời gian qua chưa được quan tâm.
Để công tác phòng chống, kiểm soát dịch tả lợn châu Phi kịp thời, hiệu quả, đảm bảo nguồn cung kịp thời cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới và thời gian tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung chủ yếu:
Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả châu Phi. Ảnh: XH UBND các huyện, thành phố, thị xã, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh.
Tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật.
Tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn cho người dân nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp
chăn nuôi an toàn sinh học, thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về tình hình dịch, nguy cơ tái phát, lây lan dịch, các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa bảo vệ sản xuất tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội.
Quản lý tốt công tác giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn.
Phun hóa chất khử trùng xung quanh khu vực chuồng trại để phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi. Ảnh: XH Sở Nông nghiệp và PTNT, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, cảnh báo sớm nguy cơ dịch bệnh. Phối hợp với UBND cấp huyện xử lý triệt để ổ dịch; triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển khỏi địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực biên giới, nhằm ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH tỉnh, Báo Nghệ An, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Các sở, ngành có liên quan,theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã, thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi.