(Baonghean) - “Vàng chưa đầy hai tuổi”, “vàng giả” “10 ngàn đồng cũng không mua” đấy là những câu trả lời mà các cặp vợ chồng mù dù không được thấy nhưng cũng phải nghe từ các hiệu kim hoàn sau khi “tò mò” mang cặp nhẫn do một công ty phát tâm mở dạ tặng làm “hồi môn” trong đám cưới tập thể đến kiểm tra lại. Hoan hô các cặp vợ chồng khiếm thị trên. Họ biết nghi ngờ. Họ thật sáng… trí! Nhờ vàng giả mà họ tìm ra một sự… thật! 
 
Những ngày qua, dư luận biểu thị sự phẫn nộ với kiểu làm ăn (xin được nhấn mạnh chữ làm ăn) khác người của một công ty mà mới đầu cứ tưởng là hoạt động từ thiện. Báo chí đồng loạt đăng tin bài bình luận, các trang mạng xã hội dậy sóng chỉ trích. 
 
Sự việc sau đó được mô tả: Vào tháng 9 năm 2014, các giáo viên ngành Trang điểm thẩm mỹ thuộc Hội dạy nghề TP. HCM đã có một hoạt động đầy nhân văn đấy là tổ chức chương trình “Đám cưới tập thể vì cộng đồng” cho 20 cặp uyên ương có hoàn cảnh khó khăn, trong đó hơn 10 đôi khuyết tật. Theo đó, các đôi uyên ương được ban tổ chức tặng trang phục cưới, bàn tiệc, thiệp mời. Đặc biệt, trong sự kiện quan trọng bậc nhất của cuộc đời này, hạnh phúc của họ được nhân lên khi có một công ty tình nguyện tặng 20 cặp nhẫn cưới bằng vàng trị giá 6 triệu đồng mỗi cặp. Vậy thì làm sao mà lại nói là không hấp dẫn. Một món quà vừa có ý nghĩa về mặt tình cảm lại vừa có giá trị về mặt vật chất. Bởi thế mà có cả cặp vợ chồng lặn lội từ xa đến tham dự sự kiện sau khi được Ban tổ chức “mớm” về món quà đặc biệt này. Hãy nghe lời bộc bạch của Tuyết Nga, người làm nghề bán vé số ở Đồng Tháp đã phải vay tiền đi xe đò đến TP. HCM tham gia: "Cuộc sống vợ chồng tôi khó khăn phải lo từng bữa cơm.
 
Nghe Ban tổ chức nói tặng cho cặp nhẫn cưới 6 triệu đồng làm vốn, tôi rất mừng nên bỏ công việc lên TP. HCM tham gia. Bây giờ mang nhẫn đi bán, các cửa hàng bảo hàng giả nên 10 nghìn đồng cũng không mua". Người viết bài này không muốn dùng chữ khổ tâm, vì nó không đủ để mô tả tâm trạng của chị trong tình huống oái ăm này. Ông bà đã nói: "Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay", hai con mắt mắt họ đã nghèo rồi sao lại bắt đôi tay họ phải đeo những thứ giả dối nữa. Càng thương chị lại càng giận kiểu làm ăn táng tận kia. Tôi nói “làm ăn” bởi đi kèm với sự kiện tài trợ này là một hợp đồng quảng bá thương hiệu. 
 
Được biết, những cặp vợ chồng khiếm thị sau khi tham gia sự kiện, chỉ một thời gian ngắn, biết những chiếc nhẫn sang trọng bỗng nhiên nhanh chóng đổ màu liền hoang mang đem đi thử, té ra đó là vàng giả. Vàng chưa đến 2 tuổi. (Vàng chuẩn phải đủ 10 tuổi, còn dưới 4 tuổi không được xem là vàng). Trớ trêu, họ chỉ đeo, còn phát hiện ra những chiếc nhẫn ngả màu tất nhiên phải là người sáng mắt! Cặp uyên ương đầu tiên nhận hung tin kể: Nghe hàng xóm chê chiếc nhẫn cưới vợ chồng chị đeo sao ngày càng đen bèn bức xúc, giải thích đó là "vàng thật, được công ty trang sức tặng đàng hoàng". "Tôi nghĩ chắc do mình đeo, mồ hôi ra nhiều nhẫn bị đen nên mang đi đánh bóng lại. Nhân viên tiệm vàng bảo vàng giả mà đánh bóng gì".
 
Thế đấy! Đến thời điểm này đã có 11 cặp vợ chồng lên tiếng về vụ vàng “vọt” kia. Nhà tài trợ cũng đã nhả lời phân bua. Tuy nhiên, họ càng nói người nghe càng… khó hiểu. Cuối cùng, người ta cũng đã chấp nhận thu mua lại nhẫn với giá 2,5 triệu đồng như cho một sự chứng minh nó không… giả. Ừ, có thể mua 2,5 triệu, thậm chí có thể nghiến răng chuộc lại với giá đã công bố là 6 triệu, nhưng liệu có mua được sự thật không? Có lấy lại được danh dự không? Có câu rằng “Nửa cái bánh mì là nửa cái bánh mì, còn nửa sự thật thì vẫn là dối trá”. Trong trường hợp này, uy tín và danh dự cũng giống như món quà họ đã tặng thôi, nghĩa là nó không có giá trị, nó không thật, không “đủ tuổi”, nó cũng không đánh bóng được! 
 
Câu chuyện dẫn trên chỉ là đơn cử cho một trào lưu lợi dụng cái gọi là hoạt động từ thiện để quảng bá tên tuổi. Chúng ta không lạ gì việc huy động nguồn bằng những cuộc đấu giá công khai trên truyền hình. Những cái tên đình đám được xướng lên, những khoản tiền đồ sộ được đăng ký… Khi những tràng vỗ tay tán thưởng cất lên thì những giọt nước mắt cũng bắt đầu rơi xuống vì xúc động. Nhưng rồi, trong số ấy có những ông “bầu” chỉ đăng ký cho oai chứ tiền thì chỉ tồn tại dưới dạng… lời hứa! Họ vẫn nổi tiếng, thương hiệu của họ vẫn được nhắc đến theo cách này hay cách khác. Rõ ràng trong vụ “dùng tiền hơi” để mua danh này họ vẫn có hời. Họ trục lợi! 
 
Dù không muốn, nhưng cuối cùng cũng phải nhắc lại chuyện tặng nhẫn cưới bằng kim loại “lạ” cho người mù. Tôi cứ phân vân mãi rằng, tại sao người ta lại có thể làm như vậy? Mua danh thì tất nhiên rồi, nhưng chẳng nhẽ họ không lường trước tình huống sớm muộn cũng bị phát giác kia ư? Chả nhẽ họ nghĩ không bao giờ có chuyện ai đó sẽ đem đi kiểm tra lại? Thế thì quả là quá nông cạn, cũng có thể nói là vô cùng ngây thơ. Tôi không tin điều ấy, làm gì có chuyện họ “chưa đủ tuổi”!
 
Nguyễn Khắc An