(Baonghean) - Kể từ ngày lập nước đến nay, đã có hàng triệu người con ưu tú của nước Việt ta tự nguyện hy sinh thân mình để giành độc lập, tự do cho dân tộc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Để tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh những cống hiến lớn lao đó, khắp đất nước ta đâu đâu cũng lập đền thờ, mở nghĩa trang và xây đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Đó là những công trình vừa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” theo đúng truyền thống nhân văn của dân tộc, vừa mang ý nghĩa tâm linh cao cả và là nơi giáo dục lòng yêu nước sâu sắc cho thế hệ trẻ. Mặt khác, mỗi công trình tưởng niệm, nếu khéo léo kết hợp để thể hiện được đặc trưng văn hóa riêng của từng vùng, miền, dân tộc sẽ hết sức lý tưởng. Vì thế, việc xây dựng đài tưởng niệm các liệt sỹ luôn được tính toán, cân nhắc cẩn trọng từ nhiều phương diện. Tuy nhiên, xung quanh việc này vẫn còn một số vấn đề cần làm rõ, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương đang tiến hành quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội – môi trường; phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có… theo chương trình xây dựng nông thôn mới.
 
Đài tưởng niệm các liệt sỹ thường được xây dựng trong khu nghĩa trang dành riêng cho các liệt sỹ hoặc được xây dựng độc lập. Trước đây, việc xây dựng đài tưởng niệm thường được tiến hành ở những khu đất cao, kín đáo, bảo đảm sự tôn nghiêm và thanh tịnh, phù hợp với quan niệm là nơi yên nghỉ cho người đã khuất phải bảo đảm sự yên tĩnh vĩnh hằng. 
 
Sau này, khu tưởng niệm hay đài tưởng niệm các liệt sỹ vẫn được xây dựng ở những khu đất cao, nhưng lại gần với trục đường chính hay trung tâm hành chính của một địa phương, nhằm tăng ý nghĩa giáo dục, nhắc nhớ cả về sự tri ân, niềm tự hào và thể hiện vị trí, vai trò của công trình tưởng niệm. Và hiện nay, còn có quan điểm cho rằng, đài tưởng niệm liệt sỹ phải vừa là công trình thể hiện tâm linh - văn hóa, vừa là nơi tạo dấu ấn riêng về kiến trúc, làm điểm nhấn cho cả khu vực và gắn kết với nơi sinh hoạt vui chơi giải trí của cộng đồng, tạo điểm đến quen thuộc trong những ngày lễ, Tết của nhân dân trong vùng hay khách thập phương có dịp đi qua. Từ đó, ý nghĩa giáo dục về lòng yêu nước và sự hy sinh cao cả cho tổ quốc sẽ được lan tỏa liên tục và sâu đậm hơn trong lòng người.
 
Vì vậy, kiến trúc đài tưởng niệm liệt sỹ ngày càng có những công trình không chỉ mang một nghi thức tâm linh thuần túy, mà còn chứa đựng những nội dung văn hóa, triết lý… Nhiều đài tưởng niệm đã trở thành các công trình kiến trúc giàu biểu cảm, là điểm đến đầy ý nghĩa văn hóa, tinh thần, là biểu tượng đẹp về lòng tri ân, tự hào của dân tộc đối với các liệt sỹ.
 
Tuy nhiên, việc xây dựng khu tưởng niệm, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đạt tầm to đẹp, càng có tính nghệ thuật cao càng tốt, nhưng điều cốt yếu nhất là phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Nếu một công trình tưởng niệm quá hoành tráng, quá đẹp đẽ so với các công trình dân sinh hay công trình công cộng ở xung quanh sẽ dễ gây ra sự phản cảm. Với công trình tưởng niệm dành riêng cho một xã, không nên làm quá lớn, mà chỉ nên ở mức độ vừa phải để không gây lãng phí và tránh bị lợi dụng để tiêu tiền ngân sách quá mức cần thiết. Và điều cần nhất ở một đài tưởng niệm liệt sỹ không phải ở mức độ to hay nhỏ của công trình, mà cái chính là công trình đó phải toát lên được sự tôn nghiêm, tạo ra được sự thành kính cho những người đến chiêm bái. Vị trí đặt đài tưởng niệm không nên quá cao, quá xa, mà nên kết nối với trung tâm hành chính xã trong một quần thể nhất định để tiện cho việc trông nom, bảo quản, chăm sóc và thuận lợi cho người dân đến viếng.
 
Xây dựng đài tưởng niệm, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ là một việc khó, nhưng việc duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ và giữ gìn cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp về lâu dài cho những nơi đó lại còn khó hơn. Vì trên thực tế, có những khu tưởng niệm, đài tưởng niệm ở một số địa phương không được trông nom, săn sóc cẩn thận nên xuống cấp, trông rất phản cảm. Nên tính chuyện giao việc chăm sóc nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ cho tổ chức Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên. Định kỳ hàng tháng, nên tổ chức cho các em học sinh trên địa bàn tiến hành quét dọn, nhổ cỏ, phát quang. Còn đoàn viên, thanh niên thì quét vôi, ve, sửa sang lại những chỗ bị hư hại. Làm như thế sẽ tạo được sự gắn kết hài hòa giữa ý nghĩa tâm linh và hiệu quả thiết thực trong giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ được nhân lên bằng ý thức, bảo đảm tính thẩm mỹ cho cảnh quan, môi trường nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
 
Duy Hương