(Baonghean) - Mặc dù có sự phản đối của dư luận khi công bố tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta là 1,84%, nhưng tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2014 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 27/9 vừa rồi ở Ninh Bình, đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại tiếp tục khẳng định con số đó là đáng tin cậy, vì dựa trên phương pháp chuẩn của Tổng cục Thống kê; dựa trên phương pháp của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) áp dụng cho các nước. Như vậy là cơ quan chủ quản đã áp dụng đúng phương pháp quốc tế để tính tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta, cho nên có thể tin cậy được. Nhưng vấn đề là tin cậy ở mức độ nào?
 
Để làm rõ vấn đề này, hãy bắt đầu từ khái niệm “thất nghiệp”. Theo Từ điển Wikipedia Tiếng Việt, thất nghiệp, trong kinh tế học là tình trạng người lao động muốn có việc làm, mà không tìm được việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp là phần trăm số người lao động không có việc làm trên tổng số lực lượng lao động xã hội. Lịch sử của tình trạng thất nghiệp chính là lịch sử của công cuộc công nghiệp hóa. Ở nông thôn, mặc dù có tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp một phần, làm việc ít thời gian nhưng thất nghiệp không bị coi là vấn đề nghiêm trọng, là không nhiều lắm. 
 
Từ định nghĩa trên có thể thấy, chỉ khi người lao động không có việc làm, không tìm được việc làm mới được coi là thất nghiệp. Nếu vậy thì ở ta, người thất nghiệp “hơi bị hiếm”. Vì lẽ, ở ta phúc lợi xã hội chưa cao như ở một số nước phát triển. Ở các nước đó, người ta thất nghiệp, nhưng được trợ cấp thất nghiệp đủ để sống. Còn ở ta, đang phấn đấu nhưng chưa đạt được mức đó. Cho nên, thất nghiệp là đồng nghĩa với việc không có thu nhập, không có ăn. Cho nên, ai ai cũng phải cố tìm cho bằng được việc làm để sinh tồn. Cử nhân, thạc sỹ ra trường chưa kiếm được chỗ làm theo đúng ngành, nghề được đào tạo thì đi bán trà đá, chạy xe ôm, làm bồi bàn, bán hàng thuê cho các shop… Thế là có việc, có thu nhập nên không thể gọi là thất nghiệp được! Dân ta vốn cần cù, siêng năng “buông tay mặt, bắt tay chiêu” ngay tức khắc. Ví dụ rõ nét nhất là mỗi khi trời đổ mưa, đường phố ở một số thành phố lớn bị ngập, thế là người dân rỗi rãi ở gần đó liền dùng xe công nông, xe cải tiến chở xe máy “tăng bo” qua chỗ ngập, hay mang cờ - lê và giẻ ra lau bu-gi cho xe bị ngập nước, mỗi chiếc lấy một, hai chục nghìn đồng; cả ngày lội nước, thổi bu-gi cũng kiếm dăm, bảy trăm đồng ngon ơ. Hay như mấy ngày qua ở TP. Hồ Chí Minh, do làm cầu, đào đường nên dẫn đến tắc đường, kẹt xe và để lách chỗ kẹt, người ta phải vượt được dải phân cách giữa đường Phạm Văn Đồng, thế là mấy lao động ở “chợ người” liền mang ván ra bắc cầu cho những ai có nhu cầu chống kẹt, mỗi chiếc lấy dăm nghìn đồng, cả ngày cũng kiếm được gấp mấy chục lần lương cơ bản của nhà nước. Thế là ai cũng có việc làm, có thu nhập nhé. Ai bảo là thất nghiệp nào! Còn ở khu vực nông thôn thì khỏi phải nói. Hết việc đồng áng là đi cắt cỏ thuê, vào rừng đốn củi, đi phụ hồ hay kéo ra thành phố đứng đường, bán sức lao động, làm nghề đồng nát. Thế cũng là có việc để làm nên không thể nói là… thất nghiệp được! Nhìn rộng ra thì cả xã hội ai mà chẳng “đầu tắt, mặt tối”, có mấy người ngồi chơi không đâu. Nên tỷ lệ thất nghiệp ở ta không cao là cũng có cơ sở. Nhưng hiềm một nỗi, tỷ lệ thất nghiệp không cao và thu nhập cũng không cao nốt - vừa không cao lại vừa bấp bênh, không ổn định, không bền vững và rất dễ bị tổn thương. Vì thế, tỷ lệ thất nghiệp thấp này dù đúng với thông lệ quốc tế và dù đáng tin cậy, nhưng rất không đáng mừng, bởi thu nhập, chất lượng sống của phần lớn người dân vẫn chưa có gì cải thiện đáng kể và nó phản ánh một thực tế là chưa có sự thay đổi trong cơ cấu việc làm, thu nhập; chưa chuyển dịch được từ khu vực năng suất thấp sang cao.
 
Cho nên, đừng vội lạc quan khi nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp thấp như vậy. Còn nếu cứ vin vào đó để mà khuếch trương thành tích, thì đó chính là lạc quan tếu.
 
Duy Hương