Tham gia tại Tổ 2 có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Đức Cường - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Bùi Thanh An - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Hồ Lê Ngọc - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và một số địa phương.
Bất cập về chính sách chi hội trưởng các đoàn thể cấp xóm
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại Tổ 2 liên quan đến dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND, ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh.
Theo đại biểu Nguyễn Công Văn (huyện Nghi Lộc), vị trí, vai trò, trách nhiệm của các chi hội, chi đoàn ở khối, xóm, bản rất nặng nề; từ tham gia các tổ an ninh, trật tự, tổ môi trường, tổ dân vận, tổ Covid cộng đồng…, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới với nhiều công việc đến tay. Nhưng với mức bồi dưỡng được đề xuất hỗ trợ cho đội ngũ này chỉ 350.000 - 400.000 đồng/người/tháng (tùy theo loại xóm) thì quá thấp.
Đưa ra so sánh công việc của các chức danh công an viên, thôn đội trưởng, y tá thôn, bản hiện được hưởng phụ cấp hàng tháng, đại biểu Nguyễn Công Văn kiến nghị cần thay việc bồi dưỡng sang hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng và nâng mức hưởng cao hơn so với công an viên, thôn đội trưởng, y tá thôn, bản cho chi hội trưởng các đoàn thể ở khối, xóm, bản.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Công Văn, đại biểu Đặng Thị Thanh (huyện Diễn Châu) phản ánh thực tiễn sau sáp nhập, nhiều xóm có quy mô hộ dân tăng, từ 150 - 200 hộ lên đến từ 350 - 400, thậm chí có xóm gần 600 hộ dân, theo đó số lượng hội viên, đoàn viên lớn hơn, địa bàn hoạt động rộng hơn; vì vậy, đề xuất tỉnh tiếp tục nghiên cứu để tăng chế độ cho các chi hội trưởng và bí thư chi đoàn ở khối, xóm, bản.
Các đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt - Phó Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Lưu và Nguyễn Đức Hồng (huyện Yên Thành) cho rằng, ngoài bổ sung 2 chức danh thú y và bảo vệ thực vật - khuyến nông - khuyến lâm, tỉnh cần nghiên cứu bổ sung thêm chức danh quản lý nhà văn hóa và đài truyền thanh xã. Bởi người làm công tác này đòi hỏi phải có khả năng viết, đọc, nên việc bố trí công chức văn hóa kiêm nhiệm khó đảm bảo tốt nhiệm vụ.
Một số đại biểu cũng cho rằng, việc bổ sung 2 chức danh thú y và bảo vệ thực vật nhưng không điều chỉnh tăng số lượng và tổng mức khoán phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ gây khó khăn cho cơ sở trong việc bố trí, sắp xếp. Vì vậy, đề nghị tỉnh nghiên cứu và tiếp tục điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ ở cơ sở.
Các vấn đề đại biểu nêu trên được ông Trần Quốc Chung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ giải trình và khẳng định, việc tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND trên cơ sở bám sát các quy định của Trung ương, trong đó, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 của Chính phủ. Vì vậy, để thay đổi căn bản các chính sách liên quan đến số lượng cũng như chế độ đối với người hoạt động ở xã, xóm thì chỉ còn cách là tiếp tục kiến nghị Trung ương sửa đổi.
Liên quan đến số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, mặc dù Nghị định số 34/2019/NĐ-CP quy định được bố trí 14 người (xã loại I), 12 người (xã loại II) và 10 người (xã loại III), nhưng Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND chỉ quy định bố trí 12 người (xã loại I), 11 người (xã loại II) và 10 người (xã loại III) nhằm nâng mức hưởng phụ cấp cho lực lượng này trong tổng mức khoán quỹ phụ cấp theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP.
Ông Trần Quốc Chung cũng cho biết, hiện nay, ở các địa phương mới chỉ bố trí 9 chức danh và khi bổ sung 2 chức danh thú y và bảo vệ thực vật, thì chỉ có xã loại III phải thực hiện bố trí 1 người kiêm nhiệm.
Cần có chính sách đủ mạnh cho nông nghiệp
Bên cạnh chính sách cho cán bộ xã, xóm, các đại biểu tại Tổ 2 cũng đã thảo luận nhiều về vấn đề đầu tư cho phát triển nông nghiệp.
Đại biểu Lê Thị Kim Chung (huyện Quỳnh Lưu) đặt ra băn khoăn, trong nông nghiệp, Nghệ An luôn đi trước trong xây dựng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp, nhưng lại đi sau về hiệu quả; sản phẩm nông sản hàng hóa chưa đủ sức cạnh tranh.
Bởi vậy, đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh cần có chính sách đủ mạnh, đồng thời chỉ đạo quyết liệt, tăng cường phối hợp thống nhất giữa các sở, ngành cấp tỉnh và giữa các sở, ngành cấp tỉnh với các địa phương trong xây dựng các sản phẩm có chất lượng, tránh tình trạng mỗi ngành chỉ đạo một mũi như Sở Khoa học và Công nghệ đảm nhận các sản phẩm khoa học công nghệ; còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng sản phẩm OCOP…
Một số đại biểu đề xuất tỉnh nghiên cứu chính sách nông nghiệp cần theo hướng tăng cường hỗ trợ khâu chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hỗ trợ khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Một số ý kiến đề xuất tỉnh có giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính hiệu quả hơn; trong đó, chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục rà soát lại các thủ tục hành chính để tiếp tục cắt giảm những thủ tục chồng chéo hoặc không cần thiết; đồng thời phân cấp cho cấp huyện xử lý một số nội dung công việc mà các địa phương có thể đảm nhận được.
Một số vấn đề liên quan đến hoàn trả lưới điện nông thôn; bất cập trong thực hiện chính sách đền bù giải phóng mặt bằng; khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ… cũng được các đại biểu đề cập và các ngành giải trình.