(Baonghean) - Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo lần này được ví như là “trận đánh lớn” của ngành Giáo dục với rất nhiều kỳ vọng được đặt ra. Thế nhưng, có vẻ như trận đánh lớn này chưa được chuẩn bị thật sự kỹ lưỡng.
 
Sự hồ nghi này manh nha từ khi Bộ GD&ĐT trình bày đề án trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội bị dư luận đánh giá là sơ sài và lớn dần lên, rồi rõ nét hơn khi động thái đầu tiên được coi như bước chuyển ban đầu cho tiến trình đổi mới này là tổ chức kỳ thi quốc gia “hai trong một”. Thoạt đầu, khi lựa chọn phương án này, các lãnh đạo ngành Giáo dục đều cho rằng một kỳ thi quốc gia diễn ra vào năm 2015 nhằm vào hai mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa là cơ sở để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Như vậy, kết quả thấy rõ ngay là bỏ được một kỳ thi và tiết kiệm một nguồn lực không nhỏ cho xã hội. Dư luận đã rào rào bàn tán về quyết định mới này. Đồng tình ủng hộ có, lo ngại có và có cả những ý kiến phản đối nữa. 
 
Phải công nhận một điều là phía nào cũng đều có những lập luận rất khó bác bỏ. Trong khi việc tranh luận chưa ngã ngũ, thì trong buổi giải trình với Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng vào ngày 23/9 vừa qua, chính ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lại thừa nhận khác hẳn so với trước đó là: “Chúng tôi tổ chức kỳ thi quốc gia chứ không phải gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh làm một”. Và ông Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định kỳ thi này chỉ bắt buộc với mục đích tốt nghiệp THPT chứ không bắt buộc với tuyển sinh ĐH, nên các trường có theo thì cũng là tự nguyện và tự chủ của họ”. Xem ra thì trong chuyện này  đã có sự “tiền hậu bất nhất”. Và nói như thế có nghĩa là trường ĐH, CĐ nào không tin tưởng vào kết quả kỳ thi quốc gia thì vẫn có thể tổ chức thi tuyển sinh riêng - nghĩa là có thể vẫn có hai kỳ thi như trước đây. Những hy vọng về giảm áp lực thi cử cho học sinh, tiết kiệm chi phí cho xã hội vậy là có khả năng sẽ không trở thành hiện thực! Vì tất cả có thể lại trở về như cũ. Thế nên, nói đổi mới thi cử, nhưng thực ra chưa hẳn đã đổi mới được. Chưa kể, việc tổ chức kỳ thi quốc gia theo cụm còn đẻ ra không ít phiền toái. Đó là những người chỉ cần tốt nghiệp THPT không thôi thi ở một cụm và những người có thêm nguyện vọng thi vào ĐH, CĐ thi ở một cụm khác, mà theo như lời người đứng đầu ngành Giáo dục nước nhà khẳng định thì, cụm thi sẽ bố trí theo hình thức liên tỉnh chứ không phải liên huyện và cả nước ước tính sẽ có khoảng 20 cụm thi do các trường ĐH chủ trì do chưa thể tổ chức mỗi địa phương có một cụm thi. Như thế là thay vì ngồi tại trường mình để thi tốt nghiệp một cách nhẹ nhàng, thoải mái như trước đây, thì đến kỳ thi này sẽ phải tiến hành một cuộc “di thí sinh” khổng lồ với hàng triệu người đến các cụm thi. Sự phiền phức, tốn kém chắc là còn nhiều hơn so với thi theo kiểu cũ. Nếu các trường ĐH, CĐ lại tổ chức thêm một kỳ thi tuyển riêng cho trường mình nữa, thì sự phiền phức, tốn kém sẽ tăng lên gấp đôi. Chưa kể, người ta chỉ có thể tiến hành đổi mới thi cử khi đã tiến hành đổi mới chương trình sách giáo khoa để tạo ra sự hợp lý trong việc học và thi. Đằng này, ta lại đổi mới thi cử trước. Như vậy là làm ngược, là phản khoa học - theo như ý kiến của không ít chuyên gia giáo dục.  Hơn nữa, đổi mới việc thi cử chỉ là một phần việc nhỏ và đơn giản nhất trong các khâu đổi mới giáo dục. Vậy mà đã thể hiện không ít sự lúng túng, bất cập như thế, thì khi bắt tay vào giải quyết những phần việc quan trọng, to lớn, phức tạp hơn thì không biết sự thể sẽ ra sao?. 
 
Dân gian có câu: “Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”; mới chỉ tiến hành đổi mới thi cử như là một màn dạo đầu, một trận khai hỏa cho “trận đánh lớn” mà ngành Giáo dục đã như “gà mắc tóc” thế kia thì thật khó mà khiến cho cả xã hội tin tưởng là việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo rồi sẽ “xuôi chèo, mát mái”. Nên nhớ, kể từ ngày lập nước đến nay, chúng ta đã 4 lượt tiến hành đổi mới giáo dục vào các năm 1950, 1956, 1979, 2000, và có vẻ như càng đổi mới thì càng... rối! Lần này, qua những sự việc vừa diễn ra, càng ngẫm càng cảm thấy bất ổn.
 
Duy Hương