(Baonghean) - “Ta thì mần chi được”. Một câu cửa miệng quá quen thuộc, không khó hiểu. Hình như không cần giải thích thì cái cụm từ nêu trên cũng đủ để người nghe nhận ra tác giả thuộc vùng miền nào! Nói thẳng ra là “người nhà mình”!
 
Vâng, chỉ một câu nói. Nghe ra thì cũng vô hại, thậm chí nhìn từ trong ra, hay quan sát từ ngoài vô, nó còn mang cả dáng dấp khiêm tốn của kẻ biết lượng sức mình. Nhưng không, chủ yếu, đa phần và thực chất nó xuất phát từ những cái nhìn rất... cố thủ! Thật tiếc là chỉ từ một câu nói bình thường - vốn dĩ bình thường, nó đã và đang trở thành rào cản đáng sợ, một thứ rào cản tư duy...
 
Năm 2012, tôi được một đơn vị cơ sở nọ mời cùng “đoàn công tác xã nhà” đi tham quan Đô thị Đà Nẵng. Thấy dọc phố, cứ trước mỗi hộ dân lại có sẵn một lỗ tròn để cắm cờ Tổ quốc trong dịp lễ tết, tôi mạnh dạn tỉ tê với trưởng đoàn: “Cái này hay, vừa tiện vừa quy củ”. Vị trưởng đoàn nọ quan sát kỹ lắm, nhưng rồi anh hết lắc đầu lại chuyển sang tặc lưỡi: “Họ, chứ ta thì mần chi được”! Có vẻ như chưa đã, anh ấy còn dẫn ra hàng loạt khó khăn từ chuyện kinh phí eo hẹp đến chuyện hạ tầng chưa đồng bộ, rồi còn cả ý thức người dân kém cỏi “nhỡ được ba bữa họ ăn trộm hết thì sao?”. Hỡi ơi, anh ấy nỏ tin dân! Hèn chi mà dân cũng nỏ tin anh ấy! 
 
Kết thúc đợt “học tập mô hình”, trên đường về vị trưởng đoàn hòa giải bằng những nụ cười nhạt, cùng một câu tổng kết đắng nghét nhưng kinh điển: “Đi coi cho vui, chứ ta thì mần chi được”. Tưởng anh sẽ bị “ném đá” hoặc chí ít cũng phải chịu sự phản đối bằng im lặng. Ai ngờ, không chỉ một người mà cả chục người dồn sự hưởng ứng về phía anh. Họ to nhỏ, nhanh chậm khác nhau nhưng cùng điệp khúc: “Ta thì mần chi được!”, “Còn lâu”, “Mục thất”, “Đi là để coi cho biết thôi”, “Người ta khác mình khác”... vân vân và vân vân.
 
Sau chuyến đi này, tôi để ý hơn và nhận ra rằng, không chỉ anh ấy, không chỉ đoàn ấy, cũng không chỉ lần ấy, mà nhiều - nhiều lắm những trường hợp tương tự. Hình như bao giờ cũng thế, sau khi đưa lên mây xanh bằng những lời khen có cánh cùng những phân tích đầy yếu tố thuận lợi dành cho “thiên hạ”... là điệp khúc liệt kê một cách thành thạo ngồn ngộn những khó khăn khách quan cùng lời chốt hạ rất đinh: “Ta thì mần chi được”! Vậy là xong, vậy là huề, vậy là... bỏ qua, thậm chí vậy là hoàn thành nhiệm vụ. Kinh! Có người xem bóng đá thế giới trên ti vi, thấy cảnh cổ động viên Nhật Bản tự giác nhặt rác bỏ vào thùng sau mỗi trận đấu, vừa tấm tắc khen cho ra vẻ hiểu biết, lại vừa tấm tắc phàn nàn cũng cho ra vẻ hiểu biết: “Ta thì mần chi được”. Bó tay! Ngay tuần trước, một người bạn của tôi có dịp sang thăm đất nước Triệu Voi. Anh ấy khen: “Bên Lào, giao thông ngon lành lắm, tuyệt đối không hề nghe một tiêng còi xe. Mà đấy là họ, chứ ta thì mần chi được”. 
 
Câu nói, hay lối tư duy thường trực trong não trạng “Ta thì mần chi được” dường như đã ăn sâu mọi con hẻm của cuộc sống. Nó không dừng lại đơn giản là một câu nói cửa miệng, mà đã và sẽ còn là một lối nghĩ, một nếp tư duy, một quan điểm sống của một lớp người chấp nhận “Ăn đói nằm co, không ăn no vác nặng”, “Chịu khổ chứ không chịu khó”.
 
Tạm gác lại những chuyện to tát, hình như chủ nhân của những chiếc xe đẩy bán quần áo, hình như những bạn thanh niên trẻ trung ngồi bán sầu riêng ven đường Hồ Tùng Mậu, hình như cả những cậu bé làm nghề dán keo trong điện thoại ở đường Nguyễn Thị Minh Khai... không có người nói giọng Vinh là mấy. Họ từ đâu đến? Chủ yếu là từ “hai đầu xứ Nghệ”. Còn thanh niên chúng ta, ai không tin cứ 8 giờ sáng, bớt chút thời gian vào các quán cà phê mà chứng kiến, một bộ phận khá hùng hậu đang ngồi tán gẫu! Trong số ấy, chắc có những người tán gẫu bằng những đồng tiền không phải do mình làm ra, ít nhất cũng không phải do mình làm ra bằng lao động chân chính. Chẳng nhẽ, kiếm tiền từ những việc nhỏ nhặt ấy là xấu ư? Không xấu, nhưng không làm! Không làm vì... “Ta thì mần chi được”.
 
To không dám, nhỏ không thích, vừa vừa thì ... thôi! Nó là sự bộc lộ của một lớp người không dám dấn thân, không muốn, không sẵn sàng đối diện với thử thách. Bệnh tự ti, tính lười nhác, không tự trọng, đang đẩy họ, buộc họ cố thủ trong cái tôi đầy lạc hậu! Chính tất cả những điều ấy đang đưa họ, dẫn dắt họ, thậm chí đưa cả chúng ta, vào một sự thoái lui hèn nhát, một sự huyễn hoặc ngược đời. Nguy hiểm hơn, nó còn làm thui chột cả những ý chí vươn lên vừa le lói. Tại sao không nghĩ ngược lại, hoặc ít nhất cũng phát biểu ngược lại? Tại sao không dám nói: “Làm được, phải làm bằng được. Người ta làm được thì mình chắc chắn cũng làm được!”.
 
“Thất bại là mẹ của thành công”. Làm gì có chuyện thành công mà lại không vượt qua thử thách. Tất nhiên, thử thách không bao giờ là trạm dừng chân cho kẻ hèn nhát cả. Điều gì đang ngăn cản chúng ta chính là những thứ tư duy lạc hậu! Vậy thì phải làm gì? Chỉ còn cách là tự thay đổi mình thôi. Hãy thay đổi trước hết là cách nghĩ, bằng mọi giá triệt tiêu thứ tư duy “bàn rùn” càng sớm càng tốt. Có thế, chỉ có thế mới đưa ta đến với phía trước - nơi có những thành công đang đợi. Vấn đề là có sửa không, có dám sửa không, hay lại cứ: “Ta thì mần chi được”?!
 
Nguyễn Khắc An