(Baonghean) - Từ khi đất nước bước vào đổi mới, người dân nước ta quen dần với khái niệm GDP.  Đó chính là cách viết, nói tắt của cụm từ tiếng Anh Gross Domestic Product có nghĩa là tổng sản phẩm nội địa, là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. 
 
Cho đến nay, ở nước ta, GDP luôn được coi là chỉ số đo lường kết quả (và cũng là thành tích) kinh tế quan trọng nhất của các tỉnh, thành phố cũng như của toàn quốc. Chính vì đó, nó được coi là căn cứ, là thước đo để đánh giá thành tích của một địa phương cụ thể, thế nên, mới nảy sinh ra một hiện tượng lạ lùng là GDP của các tỉnh, thành phố luôn cao gấp đôi và hơn gấp đôi so với bình quân chung cả nước. Nghịch lý đó, bao năm qua đã được các chuyên gia kinh tế phân tích, mổ xẻ, chê bai và cả châm biếm nữa. Chính ông Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã từng phải lên tiếng thắc mắc tại một cuộc hội thảo là "GDP tỉnh nào cũng tăng cao, mà chỉ tiêu cả nước chỉ 5,5%, thì không biết GDP chạy đi đâu?" Thế nhưng, nó vẫn tồn tại theo “ý chí kiên định” của những người có trách nhiệm. 
 
Tuy nhiên, tới đây, nhiều khả năng nghịch lý đó sẽ bị loại bỏ vĩnh viễn. Lý do là, tại hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư vừa mới được tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng, Thủ tưởng Chính phủ đã “phát lệnh” , "Đến lúc chúng ta phải cùng nhau bàn về cách tính GDP của Việt Nam. Quá trình chuyển đổi từ kế hoạch tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, chúng ta kế thừa cách tính theo Liên Xô trước đây và kéo dài cho đến hôm nay thì không thích hợp nữa rồi. Bây giờ, nói rất thật, cách tính GDP của các tỉnh, thành phố hiện nay là không xác thực, không đúng thực tế, và so với quốc tế thì không giống ai cả. Đây là một sự thực, chúng ta không thể kéo dài thêm nữa trong khi đã đổi mới và hội nhập”.
 
Không xác thực bao gồm hai nghĩa, gồm không chính xác và không trung thực. Điều này, như trên đã nói, ai cũng biết và biết từ lâu rồi, nhưng nay được người đứng đầu Chính phủ chính thức khẳng định và cũng chính thức nói lời cáo chung cho một kiểu tính toán nặng về thành tích ảo mà thiếu thực chất. Sở dĩ nói như vậy là vì, tính GDP không chính xác có thể là do năng lực, trình độ thống kê bất cập, hoặc phương pháp, cách tính chưa phù hợp. Nhưng không trung thực thì rõ ràng là có chủ ý “khai vống, khai man” để có kết quả GDP cao, đồng nghĩa với việc có thành tích cao. Thành tích cao, đương nhiên là có lợi nhiều mặt cho những người đã có công lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Nói chính xác thì đó là một biểu hiện ở đỉnh cao của bệnh thành tích. Mà đã là bệnh thì bao giờ cũng gây hại. Bệnh thành tích trong cách tính GDP khiến cho rất khó đánh giá được một cách đầy đủ, chính xác thể trạng nền kinh tế nước nhà, cũng như sức dân. Dẫn đến các chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm phát triển kinh tế đưa ra không phù hợp, hiệu quả không cao. Và để có kết quả tăng trưởng GDP cao, phải lập các thông số ảo, nghĩa là “dối trên, lừa dưới”. 
 
Người viết bài này đã từng được tận tai nghe một cán bộ Sở kế hoạch và Đầu tư than thở, khổ quá đi, mỗi khi “các bác” ở trên bắt tính lại để nâng GDP lên là chúng em lại phải bò ra mà tính toán lại từ đầu. Vì muốn nâng GDP lên một, hai phần trăm thôi, thì kéo theo đó phải tính toán lại các nguồn lực đầu tư của toàn tỉnh sao cho hợp lý. Rồi các con số về cơ cấu lao động, nguồn nhân lực… cũng phải làm lại sao cho tương ứng, cho hợp lý để không bị lộ khi đem ra công bố, mà các con số đó không lấy ở đâu được ngoài việc tự bịa ra. Cho nên, mới có một thực tế buồn là địa phương nào cũng công bố con số tăng trưởng kinh tế cao vời vợi, nhưng đời sống người dân vẫn đầy rẫy những khó khăn. Cán bộ, công chức, công nhân, lương bổng èo uột, muốn tăng thêm chút ít cũng không biết lấy đâu ra nguồn. Người thất nghiệp ngày một nhiều lên… Một tiến sỹ kinh tế đã đánh giá: Việc chạy theo và dựa vào GDP ảo để ra chính sách có nhiều hệ lụy nguy hiểm. Chạy theo GDP ảo khiến nguồn lực bị phân bổ kém hiệu quả. Dùng GDP ảo (cũng như các số liệu vĩ mô thiếu chính xác khác) thì sẽ không thể nào chẩn đoán đúng sức khỏe của nền kinh tế, và do vậy, “kê đơn” chính sách cũng khó có thể chính xác được. Nói như vậy không phải chúng ta không cần tới thước đo GDP, mà ngược lại, chúng ta cần một thước đo GDP chính xác. Hơn nữa, thước đo GDP này phải được đặt trong một hệ thống tổng thể các chỉ số kinh tế vĩ mô khác chứ không phải có tính “độc tôn” như hiện nay. 
 
"Đã đến lúc Việt Nam phải tính lại chỉ số này cho xác thực hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế”- Thủ tướng đã nói vậy thì chắc chắn tới đây, việc tính GDP sẽ được tính toán lại một cách khoa học và chính xác hơn. Nhưng muốn chính xác thì điều cần nhất là sự trung thực. Nếu không có sự trung thực thì dù áp dụng theo tiêu chí, phương pháp nào cũng đều khó có kết quả chính xác.
 
Duy Hương