Em ơi Hà Nội phố, tiếng dương cầm của Hà Nội xưa vẫn chất chứa trong từng gốc bàng, mùi hoa sữa, em của Hà Nội, làm cho ta thẩm thấu trong vô cùng tâm thức.
Để rồi trong chợt nhòa, chợt hiện của ký ức, của chiều và hoàng hôn, ta đau đáu không nhớ nổi một con đường. “Trạng thái” không nhớ nổi, không, tuyệt đối không phải không nhớ. “Không” ấy là chân không - thái cực - nơi ta tìm về lúc thiền định, để nạp thêm yêu thương mà quay lại muôn nẻo đường trần.
Phú Quang đắm say trong cảnh vật, con người, em, tình yêu Hà Nội - tất cả hòa quyện giữa chất dung dị với hồn liêu trai, nét riêng, duy chỉ của Phú Quang.
“Gió mùa Đông Bắc se lạnh, chút lá thu vàng đã rụng, chiều nay cũng bỏ ta đi ...”, những chỉ dấu mà dẫu là chưa yêu, đang yêu, đã từng yêu đều thấy mình thấp thoáng trong đó. Trong nỗi cô đơn cùng cực, thêm câu hỏi “làm sao” như đẩy tâm trạng lên đỉnh chót vót mùa Đông. Lãng mạn và nhân từ của Phú Quang, “dường như mùa Đông đã về”, vâng, hy vọng mong manh khi chờ yêu cũng là hạnh phúc.
Thật tài tình, từ cánh cửa, dòng sông đến tiếng chuông chiều, Phú Quang gieo vào đó chút hồn, đan xen tình yêu ảo thực. Nỗi nhớ mùa Đông không phải là “Đêm”, không phải là “Chờ”, mà với Phú Quang, một mùa Đông được tổng hợp mang âm sắc đặc trưng, để rồi cộng hưởng với tâm trạng của riêng ai theo tần số khác nhau.
“Và anh biết, biết một điều thật giản dị, càng xa em anh càng thấy yêu em”. Điều giản dị, chao ôi là dịu ngọt, là thật, là bay bổng, là tha thiết. Điều giản dị - như một lời cầu hôn khởi đầu tình yêu bền vững, một lời nhắc để hâm nóng hạnh phúc và lãng đãng lời vỗ về khi ta cùng em đếm dấu thời gian.
Con đường bụi đỏ, những chuyến xe đôi, một dòng sông, một chiều Đông, một nóc nhà thờ..., Miền ký ức của Phú Quang có sắc đỏ Tây Nguyên, có dòng sông chảy dài theo đất nước, có điểm nhấn của Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Trong Miền ký ức, tình anh và em là con thuyền mà Phú Quang đưa chúng ta hòa cùng trong tình yêu bao la - tình yêu quê hương, đất nước.
Bạn tôi, giảng viên một đại học tại Hà Nội, có lần nói: “Anh ạ, trong cái rét Hà Nội em thấy mình như mạnh mẽ hơn”. Cũng có lúc em nuối tiếc: “Hà Nội giờ không rét như ngày xưa còn bé”. Tôi biết, em đang nhớ man mác khi rứt ra giữa bộn bề công việc, nào là, hội đồng bảo vệ, luận án, luận văn, họp trực tuyến, những tranh cãi và im lặng bứt rứt!
Hình như trong em, Hà Nội vẫn nguyên sơ - phố cổ, Hồ Tây, ..., Hà Nội của 36 phố phường. Những ca khúc của Phú Quang tựa lời kinh cầu để em, để tôi, để mọi người có những phút lắng lòng. Trong một lần bay từ Vinh ra Hà Nội, dịp Noel, em cùng tôi rong ruổi phố cổ mùa Giáng sinh, lúc tạm biệt, giai điệu của Phú Quang phát ra từ máy nghe nhạc trên ô tô, em nhắc mà như không nhắc, em nói với tôi mà như nói với em, em nói với hiện tại và cả những ngày sau trống vắng: “Anh, ngày mai Hà Nội có gió mùa Đông Bắc”.
Lãng đãng chiều Đông Hà Nội, bản hòa ca Hà Nội và em. Theo giai điệu đó, trả tôi về với những cảm xúc đầy những cung bậc trong bảy năm theo học tại đây. Gợi nhớ đến lạ lùng, lúc rong ruổi mùa Đông Hà Nội, lúc độc hành chiều Hà Nội phai sắc nắng, cả lúc ngồi cà phê Sách, thong thả bên Hồ Gươm, ..., xa xăm chiều Đông Hà Nội.
Nhiều ca khúc của Phú Quang có Em. Em của cây, của lá, của hoa; Em của sáng Thu, chiều Đông; Em của câu hát ru, chiếc lá; Em của anh, một đời giông tố.
Nhưng vượt lên tất cả, Em là tiếng lòng của ta, của thổn thức trong Đâu phải bởi mùa thu.
Nhạc sĩ Lam Phương với mùa Thu qua Thu sầu, “người ôm thương nhớ ra đi từ đây”, “rừng còn thay lá tình vẫn chưa yêu”, “thương chi cho lắm rồi cũng xa nhau”.
Hay như Trường Sa ở ca khúc Mùa Thu trong mưa, “kể từ em vắng xa ngày tháng bơ vơ tên mình, còn ngày Xuân ấm êm cho mình gọi tiếng yêu em”.
Ta lại càng thấy một Phú Quang rất đỗi thân quen mà lạ thường. Qua tình khúc của mình, anh khắc họa Em - trong ta, trong người, trong muôn người, trong đất trời.
Bông tuyết trắng, hàng Bạch Dương, như màu trắng của Em, lạnh lẽo của Ta bên nỗi nhớ Phú Quang.
Bông tuyết đưa tang anh, trời Đông Hà Nội lạnh khóc tiễn anh về đất, gió Tây Nguyên thổi buồn... biệt ly anh.
Đi thanh thản anh nhé, Phú Quang!