(Baonghean) - Lâu nay, cứ mỗi khi xăng tăng giá thì giá cả các mặt hàng tiêu dùng và các dịch vụ vận tải tăng theo ngay tức khắc. Cho dù trước đó, bộ chủ quản thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở các địa phương và ngành Quản lý thị trường không được để cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào lợi dụng để tăng giá bất hợp lý theo kiểu “Tát nước theo mưa”. Song, thực tế, giá cả trên thị trường vẫn thường xuyên tăng theo giá xăng. Thế nhưng, khi xăng giảm giá, thì giá cả các mặt hàng tiêu dùng hầu như không giảm. 
 
images1029871_tanggia.jpgTranh minh họa
Cụ thể là từ cuối tháng Bảy đến nay, giá xăng đã giảm hơn 800 đồng/lít, nhưng giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng không những không giảm theo mà còn có chiều hướng tăng. Tại Hà Nội, giá các loại lương thực, thực phẩm rau, củ, quả, dù đang trong thời kỳ chính vụ thu hoạch vẫn tăng 5-10%. Ở TP. Hồ Chí Minh, khi xăng tăng đột biến hai lần liên tiếp, với mức tăng thêm 740 đồng/lít, ngay lập tức mặt hàng rau, củ, quả cũng tăng lên từ 2 đến 5%, còn thực phẩm tươi sống, thịt, thủy sản có mức tăng tới hơn 10%. Nhưng đến nay, sau 2 lần xăng giảm giá, giá cả các mặt hàng đó vẫn “đứng yên tại chỗ”. Không chỉ ở các chợ cóc, chợ xanh không giảm, mà ngay cả trong các siêu thị lớn, các mặt hàng tiêu dùng vẫn đứng giá cao hơn ở các chợ truyền thống. Giá cước vận tải cũng vậy. Đó là một nghịch lý trong quan hệ giá xăng và giá tiêu dùng trong nước. Và cuối cùng, người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả do nghịch lý đó gây ra. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao lại có nghịch lý đó và phải giải quyết nghịch lý đó như thế nào? Có thể nói, để xảy ra nghịch lý đó là do các cơ quan quản lý thị trường chưa có sự quan tâm đúng mức tới hiện tượng này và chưa kiểm soát được giá cả của phần lớn các loại hàng hóa trên thị trường. Một mặt, do thiếu nhân lực và mặt khác, cơ bản hơn cả là thiếu cơ sở pháp lý. Nước ta chưa có một luật, một quy định cụ thể nào buộc người bán hàng, nhất là bán hàng ở các chợ truyền thống phải hạ giá bán. Mà tất cả tùy thuộc vào sự biến động tự do trên thị trường. Ế thì bán rẻ, đông khách thì bán đắt. Ngoại trừ một số mặt hàng thiết yếu như thuốc chữa bệnh, sữa… các cơ quan quản lý có thể can thiệp được bằng một số biện pháp hành chính, phi thị trường, số còn lại là không thể. Vì thế, nghịch lý nói trên chắc chắn còn tiếp tục tồn tại. 
 
Để hạn chế và tiến tới xóa bỏ sự phi lý đó, chúng ta cần phải thay đổi việc quản lý giá cả hàng hóa theo cơ chế thị trường thực sự, theo cạnh tranh, cung - cầu của hàng hóa. Trước hết, Nhà nước chỉ nên tập trung quản lý thật tốt giá cả một số mặt hàng thiết yếu, liên quan sát thực đến đời sống của phần lớn người dân như gạo, thịt, cá, sữa, thuốc chữa bệnh... Những mặt hàng đó ổn định thì tự khắc các mặt hàng khác cũng không có lý do gì để tăng. Còn các loại hàng hóa khác thì để cho thị trường tự quyết định theo quan hệ cung - cầu. Bàn tay Nhà nước chỉ can thiệp bằng cách bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh trên thị trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông giữa các vùng, miền để giảm bớt sự chênh lệch giá cả, cũng như lợi dụng sự “cách núi, ngăn sông” để tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, mở rộng liên kết sản xuất, phân phối, đảm bảo chất lượng hàng hóa… Nhưng đó cũng chỉ là những giải pháp hỗ trợ gián tiếp cho việc ổn định giá cả. Còn để giải quyết triệt để nghịch lý đó, hiện tại hầu như chưa có biện pháp nào có tính khả thi.
 
Nói như vậy không có nghĩa là buông xuôi, phó mặc tất cả cho thị trường, mà muốn gửi một thông điệp tới các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan tới lĩnh vực này cần có sự quan tâm, nghiên cứu, xem xét kỹ càng, trên cơ sở đó, đề ra những biện pháp khắc phục hiệu quả. Chứ không nên bỏ mặc như trong thời gian qua. Nếu không có sự quan tâm, nhìn nhận đúng mức thì đó mãi là một nghịch lý không dễ gì xóa bỏ.
 
Duy Hương