Từ chỗ cho rằng, pháp luật Việt Nam chưa phù hợp với công ước quốc tế, ông Phil Robertson rêu rao: “Việt Nam chà đạp lên nhân quyền khi bắt giữ các nhà hoạt động với các cáo buộc ngụy tạo rồi thẩm vấn khắc nghiệt trong thời gian tạm giữ họ hàng tháng trời không có luật sư bào chữa”. Như một lời đề nghị, ông Phil Robertson nói: “Chính phủ Hoa Kỳ cần gây sức ép để Việt Nam có các hành động rõ ràng nhằm cải thiện nhân quyền, bắt đầu bằng việc phóng thích vô điều kiện và ngay lập tức các nhà hoạt động nhân quyền”. Để phụ họa, ông Phil Robertson dẫn lại chuyện Nhà nước Việt Nam đã “bỏ tù ít nhất là 31 người”, vì thể hiện ý kiến trên mạng xã hội trái ngược với quan điểm của chính quyền, “bắt giữ ít nhất 26 người khác... với các tội danh ngụy tạo, mang động cơ chính trị như tuyên truyền chống nhà nước hay lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”.
Cần khẳng định mạnh mẽ ngay rằng, qua phát biểu trên, ông Phil Robertson đã bộc lộ một cái nhìn chủ quan, phiến diện; chứng tỏ ông chẳng hiểu gì về Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Cũng như mọi quốc gia trên thế giới Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do dân chủ của công dân trong khuôn khổ của luật pháp. Pháp luật Việt Nam được xây dựng và hoàn thiện theo đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm đúng theo nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng các văn bản luật Việt Nam luôn chú trọng nội luật hóa các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị... Do đó, pháp luật Việt Nam luôn tương thích với luật quốc tế.
Chấp hành pháp luật ở Việt Nam vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi công dân.
Mặt khác, trong hoạt động xây dựng pháp luật, Việt Nam luôn đề cao nguyên tắc dân chủ, phát huy tối đa sự tham gia của nhân dân và các tổ chức xã hội vào hoạt động xây dựng pháp luật. Chính nhờ mở rộng dân chủ mà pháp luật Việt Nam thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng và phát huy được trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, thông qua thực hành dân chủ rộng rãi giúp cho pháp luật Việt Nam ngày càng gần gũi hơn với đời sống nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân tìm hiểu và nắm được nội dung các quy định của pháp luật, ý thức pháp luật từ đó được nâng cao, pháp luật được thực hiện ngày càng nghiêm túc hơn. Chấp hành pháp luật ở Việt Nam vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi công dân.
Những người mà ông Phil Robertson dẫn ra để phụ họa cho lời phát biểu của mình, họ không phải là các “nhà hoạt động dân chủ” hay “nhà bảo vệ nhân quyền” mà đó thực chất là những đối tượng vi phạm Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam. Việc các cơ quan chức năng của Việt Nam bắt giữ, xử lý họ - những công dân vi phạm pháp luật là hoàn toàn bình thường để giữ gìn kỷ cương, phép nước. Quá trình khởi tố, điều tra, xét xử các bị can, bị cáo và các vụ án được thực hiện đúng trình tự thủ tục, có kết luận rõ ràng, vừa bảo đảm dân chủ, khách quan, vừa thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp và hầu hết các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội, xin được hưởng lượng khoan hồng.
Với vai trò là Phó Giám đốc Ban Á châu của một tổ chức mang danh “Theo dõi nhân quyền”, đáng lẽ ông Phil Robertson phải là người nắm chắc luật quốc tế và am hiểu luật của các quốc gia ở khu vực, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, ông Phil Robertson phải thừa hiểu một nguyên tắc rất cơ bản của luật pháp quốc tế hiện đại đó là: Không một quốc gia, nhóm quốc gia hay tổ chức quốc tế nào có quyền can thiệp dưới bất cứ hình thức gì vào các công việc đối nội và đối ngoại thuộc thẩm quyền riêng của quốc gia khác hoặc bắt buộc quốc gia khác phải đưa những công việc thuộc loại này ra giải quyết theo thủ tục quốc tế…
Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam không cho phép bất cứ cá nhân, tổ chức nào can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.