(Baonghean) - Chuyện kể rằng, có người đàn ông nọ muốn lấp ao nuôi cá để lấy đất cất nhà cho con trai. Rất tiếc, anh ta lại không có tiền để làm việc đó. “Nhất dạ sinh bá kế”, ngày hôm sau người ta thấy khổ chủ cắm một tấm biển với nội dung “nghiêm cấm đổ đất đá ở khu vực này”.
Ai ngờ chỉ mấy ngày sau, bỗng đâu ùn ùn xe cộ lúc thì bất ngờ giữa trưa, khi thì đêm khuya thanh vắng, đứa vụng trộm, kẻ ngang nhiên cứ thay nhau tìm cách đổ đất đá xuống ao, nơi án ngự tấm biển mà lời lẽ nghe ra rất hùng hồn nọ. Sau vài tháng, từ ao cá lầy lội đã trở thành lô đất được san lấp mặt bằng hoàn chỉnh. Nghe nói, diệu kế ấy đã mang lại cho người đàn ông năng động trong ứng dụng “tiến bộ khoa học xã hội” vào cuộc sống kia những mấy chục triệu đồng.
Tất nhiên đấy là chuyện bịa, cái món tiếu lâm vỉa hè mà ai cũng có thể nhận ra dụng ý bôi bác của tác giả. Tạm thời chưa truy xét xem có bao nhiêu phần trăm hư cấu. Nhưng, ngẫm đi nghĩ lại thì cái câu chuyện chưa bao giờ là thật ấy không phải là hoàn toàn vô lý. Dù không to tát nhưng nó cũng đang nhọc nhằn gửi đi một thông điệp về tật xấu của con người - con người xứ ta, ấy là cấm thì... cứ, càng cấm càng vi phạm!
Trước hết, xin được liệt kê một seri những hiện tượng mắt thấy tai nghe đang diễn ra thường nhật. Chắc hiếm có nơi nào trên thế giới sở hữu nhiều biển cấm như là ở ta. Nhan nhản tứ bề, chỉ cần không nhắm mắt lại là có thể đập ngay: “Cấm tắm giặt”, “Cấm xả rác”, “Cấm đi ngược chiều”, “Cấm chen ngang”, “Cấm hút thuốc”, “Cấm họp chợ”, “Cấm bán hàng rong”, “Cấm dựng xe”, “Cấm câu cá”, Cấm thả trâu bò”... Thậm chí, trong bệnh viện còn có cả “Cấm đưa phong bì”! cùng hàng trăm cái lệnh cấm công cộng không tên không tuổi khác đang ngổn ngang hiển diện, không từ chỗ nào, không từ lĩnh vực nào. Chưa hết, ngoài những tấm biển cấm rất chính thống ấy ra, còn vô số những kiểu cấm tự phát đầy hài hước nữa kia. Người viết bài này cũng đã có lúc không nhịn được cười khi đọc những dòng kiểu như: “Cấm đưa bạn trai vào phòng trọ, chủ nhà bắt được thì đừng trách con này ác tính”, “Cấm trèo bờ rào, nếu không muốn nộp phạt bằng tiền triệu”. Còn có cả “Cấm đái bậy, ai vi phạm sẽ bị tạm giữ... tang vật” Khiếp! Nhiều lắm, hay lắm, sinh động lắm! Kể không hết được, ví dụ mấy cũng không đủ!
Có người phàn nàn, không quản lý được đành phải cấm, cấm mà vẫn không được thì đành tiến tới nghiêm cấm, rồi cấm tuyệt đối, thậm chí cao hơn nữa là nghiêm cấm tuyệt đối! Mỗi tấm biển cấm đều căng đét những ký tự hù dọa! Rất tiếc, quyền năng của mỗi tấm biển tự nó đã bất lực trước những hành vi vô ý thức, xuất phát từ bản năng sinh học của con người. Tấm biển suy cho cùng thì cũng chỉ là một vật vô tri vô giác. Ấy vậy mà người ta lại có thể thở phào khi cắm xong cái biển. Thế nhé, xong rồi nhé, có biển cấm rồi nhé, từ rày về sau mọi cái sai thuộc về kẻ vi phạm nhé, chúng tôi không biết nhé, không chịu trách nhiệm nhé! Cắm xong tấm biển cấm, coi như đã “đưa được nghị quyết vào cuộc sống”, còn cuộc sống có vào nghị quyết không, không biết! Không quan tâm!
Đấy là về phía lệnh cấm, là cái vế thứ nhất ăm ắp những mong muốn đẹp đẽ của không ít người mà có khi chính họ vừa duyệt xong thủ tục thanh toán tiền chi phí cắm biển! Còn chuyện chấp hành thì sao? Bàn dân thiên hạ có nghiêm túc thực hiện không? Họ có “sợ” những dòng chữ trắng in trên nền xanh ấy không? Xin thưa, đằng sau mỗi cái biển cấm là cả một lô xích xông những câu chuyện, vui có, buồn có, bực có, cười ứa lệ như vụ “san lấp mặt bằng” cũng có. Nhưng nhiều nhất, phổ biến nhất là tình trạng đẩy tất cả những lệnh cấm kia vào thế... việt vị. Nghĩa là, cấm cứ cấm còn vi phạm cứ thoải mái vi phạm! Thế thôi, có sao đâu! Có kẻ vừa ngang nhiên đứng... “xả nỗi buồn” nơi công cộng, vừa thản nhiên đánh vần biển cấm, lại còn hồn nhiên chơi chữ: “Cấm thì cấm, có ai cấm người ta cấm đâu!”. Nể!
Điều gì khiến người ta xấu xí đến như vậy? Có lẽ, thứ làm nên cơn bão coi thường ý thức kia không đến từ một hướng gió cụ thể nào. Tuy nhiên, cái cuộn xoáy đầu tiên không thể không nói đến yếu tố xã hội. Môi trường xung quanh là một trong những tác động trực tiếp đến ý thức con người. Ví dụ, họ sẵn sàng làm ngơ trước tấm biển “no smoking” để rút thuốc lá ra châm lửa trên ga tàu, nhưng sẽ không làm việc đó trong phòng lạnh của... thủ trưởng, cũng có thể ít làm việc đó hơn trong các bệnh viện lớn chẳng hạn! Yếu tố kế tiếp chính là ý thức tự giác của mỗi một con người. Điều này ít nhiều xuất phát từ “phông văn hóa”, từ môi trường giáo dục. Đây có lẽ cũng là điểm yếu căn bản nhất mà chúng ta mãi hoay hoạy với những tiếng hô hào bất lực. Một yếu tố không thể không nhắc đến nữa là những chế tài xử phạt vi phạm vốn dĩ lâu nay rất không nghiêm. Hàng trăm người vẫn thoải mái hút thuốc lá nơi công cộng, nào đâu có bị gì? Người ta vẫn cứ ngày ngày xả rác xuống đường, vẫn hồn nhiên tè bậy mà có ai bị “tạm giữ tang vật” đâu! Cuối cùng, kẻ nhát gan nhất cũng nhận ra biển cấm chỉ là những con ngáo ộp mà chín phần mười tác dụng của nó sinh ra là để dọa!
Đã bao giờ ai đó đặt câu hỏi tại sao cũng con người ấy, cũng vẫn là ý thức ấy nhưng khi sang nước ngoài thì không xả rác bao giờ. Vì sao ư? Vì xung quanh sạch quá, vì mọi người xung quanh tự giác chấp hành quá, và cả vì họ phạt khiếp quá! Thế đấy, xã hội cũng tương tự một cơ thể sống, thật khó để nhảy lò cò về đích. Đi cùng với giáo dục ý thức con người là hạ tầng đồng bộ cùng một hệ thống pháp luật nghiêm minh. Đã dùng đến chữ “cấm” thì chớ có quên chữ “phạt”, không phạt được thì tốt nhất cũng nên cấm vừa vừa thôi?!
Nguyễn Khắc An