(Baonghean) - Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thời gian qua, cùng với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, 8/33 xã, thị vùng biển của huyện Quỳnh Lưu đã tập trung xây dựng đời sống văn hóa mang đậm bản sắc vùng miền.

Quỳnh Nghĩa là một trong những xã vùng biển tiểu biểu của Quỳnh Lưu. Xác định  xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với việc xây dựng nếp sống mới, xây dựng con người mới, ứng xử văn minh và tiến tới xây dựng cộng đồng văn hóa vùng biển là việc làm quan trọng, thời gian qua, xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích của cuộc vận động. Ngoài ra, xã còn tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ, khôi phục các lễ hội trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân.

Chị Nguyễn Thu Hương, một người dân ở thôn Nghĩa Phú, xã Quỳnh Nghĩa cho biết: “Là người con lớn lên ở vùng biển, sống nhờ biển nên chúng tôi hiểu được mình phải là người có trách nhiệm giữ gìn những nét đẹp của một làng biển. Người dân làng biển nói chung và người dân Quỳnh Nghĩa nói riêng đều xem chiếc thuyền như là ngôi nhà. Vì vậy, trước khi đưa thuyền xuống bến thường làm lễ cúng bái rất cẩn thận, sau đó mới cho xuất bến.

Trong đức tin của ngư dân, cá voi là biểu tượng của thần linh hoá thân để che chở, bảo vệ cho con người. Vì thế tục thờ cúng cá voi được người dân duy trì từ đời này sang đời khác. Họ quan niệm cá voi – cá ông như vị thần che chở cho họ trong những chuyến ra khơi gặp sóng to, gió lớn. Không chỉ có “tình” với thần linh, mà ngay trong cuộc sống đời thường, người dân biển cũng hết mực quan tâm, yêu thương nhau. Họ quan niệm cho đi là may mắn, nên mỗi khi có cá ngon, nồi ghẹ chắc… là hàng xóm láng giềng lại cùng nhau thưởng thức”.

Hiện nay, trên địa bàn xã Quỳnh Nghĩa có 6 Câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả như: CLB không sinh con thứ 3 của Hội phụ nữ; CLB pháp luật của Hội Cựu chiến binh; CLB Tình thương, CLB dưỡng sinh… Các gia đình sống hòa thuận, đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, gương mẫu chấp hành các hương ước, quy ước văn hóa từ xã đến thôn.

Nhờ đó, đến nay toàn xã có hơn 1.800 hộ đạt gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ gần 90%; 11/11 thôn có nhà văn hóa xóm. Có được những kết quả đáng khích lệ này, chính là nhờ vai trò của các đoàn thể trong thôn, với sự hoạt động đều tay, thường xuyên, có nề nếp, đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Trao đổi thêm về những kết quả đã đạt được, Ông Bùi Xuân Kỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa, cho biết: “Những năm gần đây, xã đã cố gắng tạo điều kiện huy động sự đóng góp của nhân dân, xây dựng 11/11 thôn có nhà văn hóa để sinh hoạt công cộng. Đảng ủy, ủy ban quan tâm đến công tác giáo dục, hạn chế dân số, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hàng năm, duy trì được phong trào văn hóa, thể dục thể thao, các lễ hội truyền thống của địa phương”.

Không riêng gì Quỳnh Nghĩa, mà hiện nay hầu hết các xã vùng biển của huyện Quỳnh Lưu cũng đang chú trọng xây dựng đời sống văn hóa. Tiêu biểu như các xã  Quỳnh Phương, Quỳnh Long…, nhờ vậy, đời sống tinh thần của người dân ngày càng khởi sắc.

Đặc biệt, phong trào văn nghệ quần chúng dần được khẳng định qua các kỳ liên hoan cấp huyện, cấp vùng. Đến nay, 100% các xã vùng biển thường xuyên tổ chức tập luyện, tham gia thi đấu TDTT, tỷ lệ gia đình văn hóa tăng lên theo từng năm.

Tuy nhiên, việc xây dựng đời sống văn hóa ở các xã vùng biển vẫn còn nhiều khó khăn, như tỷ lệ sinh con thứ 3 nhiều xã còn cao, công tác vệ sinh môi trường chưa được quan tâm, nhiều nơi chưa có nhà văn hóa xã…Ví như xã Sơn Hải, toàn xã hiện có 13 xóm với hơn 2500 hộ dân nhưng chỉ có 6 xóm có nhà văn hóa, các xóm còn lại đang gặp khó khăn về quỹ đất.

799666_small_101666.jpg

                     Thi đẩy gậy trong Lễ hội cầu ngư ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu).

Ông Hoàng Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết:  “Trước trình trạng đó, xã đã tìm cách tháo gỡ, hoán đổi diện tích đất ở các thôn, tận dụng diện tích đất làm kè dư thừa để quy hoạch bố trí lại một số điểm trong khu dân cư để làm nhà văn hóa. Đến 2015, phấn đấu có 8 thôn có nhà văn hóa, nâng tỷ lệ nhà văn hóa thôn lên 80 %. Song song với việc xây dựng nhà văn hóa, xã tập trung tổ chức lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội dòng họ đầu Xuân năm mới, nhằm động viên các gia đình sống ấm no hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ”.

Bà Hồ Thị Khương – Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Để xây dựng đời sống văn hóa ngày càng tốt hơn, thời gian qua, Quỳnh Lưu thường xuyên phối hợp với các xã vùng biển, củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo cấp xã, Ban vận động phong trào các thôn, xóm theo hướng gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả, đồng thời, bổ sung thêm nội dung tuyên truyền về biển đảo và các giải pháp sát thực với đặc thù dân cư vùng biển, đảo đã tạo nên sự phong phú, các hình thức, nội dung hoạt động. Vì thế phong trào ngày một phát triển cả bề rộng, chiều sâu. Tuy nhiên, bên cạnh công tác xã hội hóa, rất cần sự đầu tư của Nhà nước trong xây dựng nhà văn hóa, mạng lưới truyền thanh, khu vui chơi, để nhân dân có nơi sinh hoạt cộng đồng, giao lưu, nâng cao trình độ dân trí và học hỏi kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế”.


Việt Hùng (Đài Quỳnh Lưu)