(Baonghean) - Bên dòng sông Hương dùng dằng biếng chảy như nỗi đời trăm năm ngưng đọng, có một nhà thơ đếm bước bộ hành, trầm tư nghĩ ngợi. Anh lặng lẽ đi như đang tìm cái gì đó, trước bao thế sự thăng trầm. Con người có vóc dáng cao lớn như vận động viên, lại  cứ muốn thu mình lại ấy là nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, người đã làm ra thứ thơ nhói buốt lòng người.

Ấy là thứ thơ để mà ngẫm, để mà “ngộ”. Thạch tâm sự: “Cuộc đời vốn có cái cười và cái khóc. Người ta ai cũng có thể cười theo kiểu cười của kẻ khác, còn khóc thì phải khóc bằng nước mắt của chính mình”. Nên với Thạch, thơ là âm bản của nước mắt. Đi đến tận cùng của nỗi buồn, Thạch đã gặp những bài thơ đích thực của mình. Những bài thơ xót xa, nhức buốt ấy lại như bàn tay đỡ tâm hồn con người đứng dậy. Vì thế, những bài thơ nước mắt ấy đã được hàng chục nhạc sĩ đồng cảm, phổ nhạc như Phú Quang, Ngọc Đại, Hà Sâm, Trần Hữu Pháp, Ngọc Ban, Huy Chu, Phú Ân, Huy Tập, Đồng Tâm... Riêng nhạc sĩ Ngọc Đại đã phổ nhạc hơn hai chục bài thơ Nguyễn Khắc Thạch trong tập thơ Dòng sông một bờ.

799655_small_101654.jpg

Như mọi người, Nguyễn Khắc Thạch cũng có một ngôi làng nơi chôn rau cắn rốn.  Đó là làng Diệu Ốc, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Nhưng số phận đã khiến anh phải sớm xa làng, lang bạt qua nhiều nơi. Mồ côi cha từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Rồi  mẹ phải đi bước nữa ở một vùng quê khác, Thạch từ giã mẹ về lại làng  Diệu ở một mình.

Nhưng ở quê lúc đó bên nội, bên ngoại đều bị quy địa chủ, nên đã khuynh gia bại sản. Thạch phải chịu cảnh kiếm ăn đói khát và rách rưới của tuổi mồ côi buồn thảm. Năm 15 tuổi, anh phải lên ở với người chị  họ ở làng Sẻ, xã Nghĩa Đồng huyện Tân Kỳ, cách làng hơn 60 cây số để kiếm sống.

Anh đi làm trăm thứ công việc nặng nhọc như vào rừng đốn gỗ, gánh đất, cày ruộng, be bờ, đắp đập, đốt than, gặt lúa…, lại có thời gian làm nghề rèn suốt ngày đe búa. Tôi tha hương thâm áo mũ thôn Kiều/ Phía lời chào không cao như mâm cỗ/ Phía con người bắt tay trong mặc cả… Cố hương trong anh chỉ còn là hình bóng mẹ già gầy gò, khắc khổ vì phải nhiều lần chồng con, sinh nở, mà lâu lâu anh mới được về thăm. Mẹ cũng phải lang bạt nhiều nơi như Đắc Lăk, Lâm Đồng, Vĩnh Linh, Đồng Hới… theo con cháu.

Cho đến khi, mẹ thành nấm đất cuối đồi sim trên đất Đồng Hới, Quảng Bình... Thạch khóc mẹ: Con về tang mẹ mẹ ơi/ Nén hương vĩnh biệt cháy trời mồ côi… Có lẽ Nguyễn Khắc Thạch là một trong số ít nhà thơ Việt Nam có tuổi thơ đơn côi, buồn tủi nhất.  May mà trời  cho chàng trai ấy một sức khỏe hơn người. Ở làng Sẻ, anh cày ruộng, đào đất suốt ngày không biết mệt, gánh lúa, gánh phân bảy tám chục cân chạy băng băng trên đồng, làm nhiều bạn gái  nhìn  theo tán thưởng. Những năm tuổi 20 ở Đồng Hới, Quảng Bình, có lần trước bạn bè cơ quan, Thạch đã một mình vác chiếc máy bơm Trần Hưng Đạo nặng  hàng tạ đi từ cái ao lên đồi hơn cây số.  

Những tháng năm đơn côi, thiếu hơi ấm mẹ cha, phải đi ở mướn ấy đã tạo ra một Nguyễn Khắc Thạch lầm lì ít nói, nghĩ nhiều, sống đầy tâm trạng, bản lĩnh và vô cùng quyết liệt trong học hành, nung nấu tìm lối đi riêng cho mình. Sống ở làng quê heo hút miền Trung du ấy, Thạch luôn đến nhà  ông giáo Nguyễn Sĩ Ngọ  ở làng Sẻ để đọc sách và học nhạc. Nhà ông giáo có một tủ sách ngàn cuốn. Ông giáo là người  giỏi nhạc.

Thế là  lúc học cấp 3, Nguyễn Khắc Thạch đã học lỏm biết chơi violon, đàn bầu, đàn nhị… Thạch học nhạc giỏi, nên khi ra học Trường Kế hoạch ở Hà Tây, Thạch đã dẫn một đoàn văn nghệ trường đi dự liên hoan nghệ thuật các trường chuyên nghiệp miền Bắc. Khi đến cuộc liên hoan, Thạch thấy người ta chơi violon siêu quá, anh bèn tự làm đứt dây đàn để hủy tiết mục của mình. Đó là biểu hiện đầu tiên của lòng tự trọng. Vì đam mê violon, mà sau này anh  quyết  cho đứa con trai đi học violon. Và con trai anh bây giờ đã thành một nhạc công chơi vilolon thiện nghệ của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.

Tốt nghiệp trường kinh tế kế hoạch, trải qua khá nhiều công việc, nhưng Thạch lại cảm thấy đó không phải là chỗ đứng của mình. Qua những chuyến “di cư” lặng thầm đó, chặng cuối của cuộc hành trình tìm kiếm, Thạch đã tìm ra cái của mình: Đó là thơ! Anh cứ đi như chiếc bóng giữa trời/ Mong tìm được những gì không mất… Cái “không mất” đó là Thơ - thứ mà người đời ít  ai chuộng, nhưng đó là cái làm nên tên tuổi nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch trong làng văn Việt Nam. Có một dòng sông chỉ có một bờ/ Phía bên kia quay mặt/ dòng sông anh không qua được bao giờ.

Phải vì tên Thạch nên anh rất “lì” và quá kiệm lời. Thơ Thạch cũng kiệm lời đến cô đặc. Thơ với Nguyễn Khắc Thạch là một cuộc tìm kiếm gian lao, sự vật lộn bền bỉ. Đối với Thạch, mỗi bài thơ là một cuộc đào bới, lặn tìm chữ. 

Anh làm thơ  như người “làm nghề khắc đá”, cứ đục đẽo tạo dáng từng con chữ, mồ hôi mồ kê khó nhọc. Tôi đã nhiều lần được mục kích bản nháp thơ của Thạch. Ngoài Thạch ra không ai đọc được. Cả trang giấy gạch xoá, móc nối, sửa chữa nhem nhuốc. Gạch xoá đến rách cả giấy vẫn chưa tìm thấy chữ ưng ý. Đúng là lao động thơ. Vất vả mất cả tuần, cả tháng để có được một bài thơ mấy câu.

Có lẽ vì thế, Nguyễn Khắc Thạch làm thơ từ  rất sớm, nhưng  viết xong một bài anh lại xé bỏ vì không ưng ý. Năm 1988, khi 40  tuổi, Thạch mới có tập thơ đầu tay mỏng mảnh “Dòng sông một bờ”, in lụa 300 cuốn tặng bạn bè... 6 năm sau tập thơ “Nơi ta sẽ về” in năm 1993; 9 năm sau, 2002 tập thơ “Mưa hai mặt mới ra đời”. Bây giờ đã quá lục tuần, về hưu, Thạch cũng chỉ  mới có ba tập thơ. Mà tập nào cũng chỉ trên dưới ba chục bài, in với số lượng rất ít ỏi. Nhưng mỗi tập thơ của Nguyễn Khắc Thạch ra đời là một “tiếng nổ” trên văn đàn. Người yêu thơ anh, chờ đợi thơ anh ngày càng nhiều.







                                       Các tác phẩm của Nguyễn Khắc Thạch.

Với Thạch, “thơ là âm bản của nước mắt”, vậy phải bao nhiêu nước mắt cuộc đời để có một chữ thơ? Để phát hiện ra những vết thương rớm máu trong tâm hồn con người, phải sống hết lòng, yêu hết lòng. Nguyễn Khắc Thạch trăn trở, tìm kiếm,  luôn đẩy tới tận cùng bản chất sự vật, dù đó là nỗi đau đớn nhất mà nhiều người không đủ can đảm để đối diện. Sao em không nói dối/ Để chiều nay chiều không còn yêu em/ Anh như xác vỏ chai lăn ra ngoài cuộc rượu… Phải riêng gì ngọn sóng/ Biết nửa vời tan vỡ vẫn dâng lên…

Từ một thiếu niên mồ côi, cô đơn, phải sớm đi làm thuê ở mướn với đủ các nghề kiếm sống, Nguyễn Khắc Thạch đã đến với thơ một cách muộn mằn, thận trọng, nhưng rất thành công. Anh đã tự khắc tạc chân dung mình vào lòng độc giả bằng những bài thơ triết, thiền sâu sắc. Thơ Nguyễn Khắc Thạch đẹp như nỗi buồn. Bởi anh chính là âm bản của nước mắt. Thơ Nguyễn Khắc Thạch cũng chỉ ra những nguyên cớ đang huỷ hoại nhân tính, làm tan rã các kỷ cương rường cột xã hội, nên thơ anh cũng là thơ có ích, để con người vin vào đó mà ngẩng cao đầu, sống thật với mình hơn. 


Minh Khôi