(Baonghean) - Nếu một ngày nào, bạn nhìn thấy trên con đường của phố Vinh tấp nập, một người đàn ông gầy gò, vận tấm áo nâu xám bạc màu, mái tóc muối tiêu dài xòa ra sau vành mũ lưỡi trai và đôi mắt chừng như ngơ ngác nhưng thẳm sâu là vẻ bình thản, chầm chậm đi trên chiếc xe đạp gióng ngang cũ kỹ, ấy đích thực là nhà thơ - họa sỹ Phan Quốc Bình.

ng dễ gây cảm giác mình là người cổ lỗ. Tôi cũng từng nhầm lẫn về ông như vậy, cho đến khi được đọc những vần thơ ông viết và tôi sững sờ bởi “cái” hiện đại trong thơ ông, không chỉ ở vẻ chẳng “khuôn mình theo văn phạm” như cách nói của nhà thơ Chế Lan Viên, mà còn ở cấu tứ, ở “góc đứng”, cách nhìn của nhà thơ. 
 
images1090659_chan_trang_45.jpgNhà thơ Phan Quốc Bình
 
“Con người ruồng rẫy/ Tình tôi không nơi đi về/ Tình tôi gửi vào gió thổi/ Gửi vào trời cao gửi vào cỏ cây/ Và con người không hay/ Từng ngày sống/ Lại đi trong âm điệu của tình tôi” (Bài thơ “Bản chất”) - đó, giống như một lời tự bạch. Ông là thế, gọi vần thơ là những khúc nhạc cất lên từ tâm hồn, nhìn cuộc đời bằng cái nhìn tràn ngập yêu thương, dù trong hoàn cảnh đau buồn nhất cũng luôn tìm ra những điều tốt đẹp để tin, và “chỉ cần có văn chương là cuộc sống cũng đủ đầy”. Tôi đã thấy những điều tốt đẹp giản dị ấy, khi ngồi cùng ông, trong căn nhà như muốn lùi sâu hơn một chút giữa ồn ã mặt phố Nguyễn Duy Trinh, giữa những bức tranh sơn dầu đã mấy chục năm treo trên bức tường nhà và những cuốn thơ mỏng in bằng giấy đen cũng từ hàng mấy chục năm trước. 
 
Ông, bằng tất cả sự trìu mến, nhẫn nại, đã tiếp chuyện chúng tôi, với những câu chuyện xưa xa về ký ức, những tản mát nghiệp văn, nghiệp vẽ, những buồn vui thế sự. Tôi nói, ông giống như người lạc giữa phố vậy! Ông cười, nói có lẽ cái con người nhà quê, và con người rừng núi trong ông không dứt được. “Chỉ có 18 năm sống ở quê, nhưng đó là quãng đời sâu nặng hơn những quãng đời khác”, cũng như quãng đời 10 năm ở núi rừng Tây Bắc (Lai Châu) là “quãng  đời ấn tượng đến không thể nào tan được”. Quê ông, một làng quê bình yên bên con sông La, con sông với “những cánh buồm xuôi ngược”, những “bến đợi, bến chờ”. Nơi ấy, năm 1948, cậu bé Ngô Quốc Bình chào đời và lớn lên cùng với “Cây mít cha trồng”, những “Mùa xoan chín” và những lời ru “Chinh phụ ngâm”, “Kiều” của mẹ. Cha mẹ ông là nông dân nghèo, nhưng rất yêu văn nghệ và giàu lòng thương người. Ông kể: “Mẹ tôi, và cuộc đời bà chính là tấm gương sáng về sự nhân từ, vị tha, đức hy sinh. Có những trưa hè, bà bắt được kẻ trèo cây trộm mít, bà vẫn ôn tồn: “Đừng sợ, trèo xuống chầm chậm không bổ. Bứt một trái thôi, còn để phần thằng Bình”. Bà có món chi cũng chia phần cùng xóm giềng. Nhà tôi, vì thế luôn rộn rã tiếng cười. Tôi luôn đinh ninh lời mẹ, rằng mẹ không trông mong chúng tôi giàu có, mà chỉ mong sao các con theo chữ nghĩa, văn chương”.
 
Phan Quốc Bình mê thơ văn và mê vẽ từ nhỏ. Một buổi học, một buổi chăn bò, Phan Quốc Bình nhớ những bức vẽ đầu tiên là những bức vẽ đầy say mê trên mặt đất về phong cảnh làng quê. Những bức vẽ đã nuôi giấc mơ trở thành họa sỹ của cậu bé nghèo. 18 tuổi, Phan Quốc Bình khăn gói, “đi bộ theo đường ray tàu hỏa để ra Vinh dự sơ tuyển vào Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội”.  Niềm vui đến với ông quá bàng hoàng là ngày nhận giấy báo nhập học. Sau 4 năm học Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp đầy khó khăn, vất vả, ra trường, ông được cử lên công tác tại Ty Văn hóa Lai Châu, công việc chủ yếu là vẽ tranh cổ động. 10 năm tuổi trẻ gắn bó với núi rừng Tây Bắc, “10 năm chan chứa tình đất- tình người” cho dù đó là những tháng ngày chống Mỹ gian khổ. Phan Quốc Bình nói: Cái vẻ buồn lặng và vẻ đẹp mê hoặc của núi rừng Tây Bắc đã khiến ông lúc nào cũng dâng trào xúc cảm. Và ông đã cầm cọ, cầm bút như không thể khác. Những tháng ngày ở Lai Châu, ông đã viết chừng khoảng mười tập thơ và nhật ký, vẽ rất nhiều tranh. Sau này, trở về Nghệ An ông đã mang nặng sau lưng mình “chỉ tranh và thơ”. Thành công đầu tiên trong nghiệp văn chương của ông có thể kể đến chính là bài thơ “Trở lại Điện Biên” được in trên Văn nghệ Quân đội năm 1969. Ông nói, Tây Bắc ám ảnh ông. Cho đến bây giờ, ông vẫn mơ về cái ánh trăng Tây Bắc, cái ánh trăng “giống như nước chảy trên cây lá ”. Và dư vị núi rừng ấy, lẫn vào tranh, vào thơ ông tận tới sau này: 
 
“Dọc biên giới sang xuân/ Màu hoa đào nhảy nhót/ Và hoa ban trắng muốt/ Mùi hương nhởn nhơ trò chuyện trên đường.
Thật không ngờ những năm xa vắng/ Tôi trở về đồng bằng/ Mùi hương trốn theo/ Im lặng”.
 
(Bài thơ “Mùi hương im lặng”)
 
Từ Tây Bắc, Phan Quốc Bình về Vinh, đầu tiên là ở Đoàn chèo Nghệ Tĩnh, phụ trách mảng trang trí sân khấu, sau đó một vài năm chuyển sang Xưởng Mỹ thuật tỉnh. Đến năm 1992, Phan Quốc Bình chuyển về làm biên tập cho Đài Truyền hình Hà Tĩnh (lúc này tỉnh mới chia tách). Suốt những tháng năm đó, Phan Quốc Bình lặng lẽ vẽ và viết. Ông rất ít in thơ trên báo chí. Chỉ đôi lúc, một tập thơ xuất hiện, rất nhỏ nhắn, dung dị y như con người ông. Có người nói ông kín tiếng, rụt rè. Có người nói ông “hiền quá, thật quá”. Nhưng Phan Quốc Bình thì nghĩ: Thơ là mình viết cho mình, là tự mình tâm sự với chính mình. Ấy là mình đã được sống một đời sống thứ 2 rồi. Được nói ra nỗi lòng mình, đó là hạnh phúc.
 
 
Tính đến nay, Phan Quốc Bình đã có 5 tập thơ, nhiều tác phẩm tranh triển lãm khu vực. Ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003. Không biết có phải vì là nhà thơ và cũng là họa sỹ hay không, nhưng đọc thơ ông, tôi đã luôn có cảm giác mình đang khám phá những mảng màu. Tôi đã luôn hình dung, ông trầm ngâm bên ngọn đèn khuya cùng những con chữ đang chảy ra từ xúc cảm. Này là mảng màu ký ức, này là mảng màu của nỗi nhớ, niềm yêu thương. Nơi kia, đang được vẽ lên cái sẫm đen đêm tối. Nơi này đang rạng rỡ ánh ngày. Không có sự khốc liệt, không có những u ám, bi lụy… Những mảng màu của ông thật đẹp đẽ, trong lành. Nó khiến cho niềm vui dịu dàng lan tỏa, nó khiến cho người ta run rẩy như được trở lại cái tôi nguyên sơ chính mình: “Bỗng nhận ra mình trong tiếng chim/ Nhận ra mình trong nắng/… Bỗng nhận ra mùi hương tháng năm sót lại trong vườn/ Con chào mào đỏ đuôi/ Đầu đội mũ tuổi thơ tôi/ Tiếng ve nhảy múa trong chiều/ Đã cướp mất của tôi khúc nhạc…”. Thơ ông, cũng khiến cho người ta được chiêm nghiệm, được khóc bằng chính những gì mà người ta trải qua. Ấy là “Giờ không thấy cha đâu gió lùa hai gian nhà trống/ Manh chiếu mẹ ngồi đăm đăm/ Ngoài tám mươi trở nên đơn độc… biết còn kiếp nào không/ Cha lại sinh ra con lần nữa?” (Cha), “Vườn cũ trở về gốc mít ngẩn ngơ nhìn/ Thời gian vang lên/ Giọt nước mắt đưa tiễn cha giờ lưu lạc dưới tầng đất sâu/ Ngày mẹ ra đi trên đầu con xao xác chuyển mùa/ Từ nay không nhà không cửa/ Gốc mít cha trồng dưới trời mồ côi” (Cây mít cha trồng), “Tiếp nối giống nòi con ra đời soi bước đi của cha/ Gương mặt của con biểu hiện nét thân thuộc của tổ tiên/ Sáu tháng tuổi con nhận ra cha đòi bồng bế/ Đất nước trên tay cha cất tiếng hát ca/ Cha hóa thân vào con bập bẹ/ Bây giờ cha có nơi về căn nhà huyên náo/ Cuộc đời nẩy thêm mầm” (Với con)
 
Trong thơ Phan Quốc Bình, con người nội tâm của ông hiện lên rõ nét. Không đơn thuần là xúc cảm buồn vui, đó còn là tuyên ngôn sống, là những con đường ông chọn cho mình. Ông đau với nỗi đau của ngọn đồi bị san phẳng, khóc với tiếng người kêu cứu trong đêm… và dù thế nào, ông cũng tin ở điều tốt đẹp, “lại sôi sục tình yêu mãnh liệt”
 
Đối với Phan Quốc Bình, thơ chính là âm nhạc của tâm hồn, một âm hưởng từ cảm xúc của mình bật ra. Sự tự nhiên từ cảm xúc tạo nên sự hiện đại trong lối viết, trong từng câu chữ. Ông quan niệm thơ là phải luôn luôn sáng tạo, luôn luôn mới. “Nếu anh cũ là anh đã cạn nguồn sáng tạo”- Phan Quốc Bình nói. Vì vậy, với ông, nhà thơ và những người làm nghệ thuật phải luôn luôn lao động, khổ luyện. Người làm thơ cần có chính kiến độc lập, quan điểm sống rõ ràng, không thể cầu lợi trong văn chương.
 
Chia tay, nhà thơ Phan Quốc Bình tiễn chúng tôi ra tận đường. Ông còn đứng đó nhìn theo, khi xe chúng tôi xa hẳn. Cái bóng bé nhỏ của ông, trong chập choạng phố lên đèn khiến chúng tôi thấy lòng mình bỗng dưng ấm áp. Như thể trong mình vừa được thắp lên một ngọn lửa của niềm tin, tin ở yêu thương, ở sự tử tế, ở những điều kỳ diệu tốt đẹp nảy nở trong cuộc đời…
 
Thùy Vinh - Lâm Khánh