(Baonghean.vn)- Dân ca, Ví dặm là đặc sản không nơi nào có được ngoài vùng đất xứ Nghệ nắng gió. Không riêng gì người dân Nghệ An mà ở Hà Tĩnh người dân đón đợi thông tin UNESCO xem xét để vinh danh loại hình âm nhạc dân gian độc đáo của xứ Nghệ là di sản phi vật thể của nhân loại với một niềm tự hào. Báo Nghệ An ghi lại một số ý kiến của cán bộ và người dân Hà Tĩnh

Chị Trần Thị Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Nghi Xuân:

Khi nghe tin qua phương tiện thông tin đại chúng, người dân rất háo hức, ủng hộ và đón nhận với một niềm vui đặc biệt. Nếu được ghi danh thì đây thực sự là một niềm vui không thể nói hết. Người dân Hà Tĩnh luôn đau đáu gìn giữ và phát triển các thể loại dân ca xứ Nghệ. Với huyện Nghi Xuân, chúng tôi đã đưa dân ca vào trường học từ năm 1998. Đến nay, đã phủ kín từ các trường mầm non đến trường tiểu học, phổ thông. Các cán bộ văn hóa cũng đang tiến hành sưu tầm, biên soạn và sáng tác lời mới cho dân ca truyền thống.

Trong tất cả các chương trình liên hoan văn hóa, văn nghệ, Dân ca Ví, dặm đều có chỗ đứng và được người dân đón nhận một cách nồng nhiệt. Hiện nay, huyện Nghi Xuân có 19 câu lạc bộ dân ca, đã có 14 nghệ nhân dân gian được vinh danh ở các thể loại như ca trù, ví dặm, phường vải, trò kiều… Chúng tôi tin tưởng rằng, Dân ca Ví, dặm xứ Nghệ sẽ tiếp tục phát triển và sống mãi với thời gian.

images1091953_8.jpgNgười dân huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh học hát dân ca

TIN LIÊN QUAN

Anh Nguyễn Trọng Tuấn, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh: Khi nghe tin chúng ta đệ trình hồ sơ để UNESCO vinh danh, tôi và nhiều người dân khác cảm thấy rất tự hào bởi Dân ca Ví, dặm Nghệ Tĩnh là sản phẩm vô giá, là thứ đặc sản không phải vùng miền nào cũng có. Bản thân tôi đã yêu thích dân ca từ nhỏ, ngoài cuộc sống cơm áo, gạo tiền, tôi luôn trăn trở làm sao để làm sống lại các làn điệu dân ca. Chính vì vậy, tôi thường tìm cách mày mò, chuyển các tác phẩm mới sang các làn điệu Dân ca, Ví dặm. Tôi nghĩ rằng, Dân ca, Ví Dặm xứ Nghệ đã, đang và sẽ có một sức sống mãnh liệt, trường tồn mãi mãi bởi đây là mạch nguồn văn hóa, là tinh hoa của những người dân lao động xứ Nghệ.

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Ban (Hà Tĩnh): Tôi từng giảng dạy ở Việt Bắc rồi công tác trong ngành văn hóa tỉnh Nghệ Tĩnh, từng lặn lội khắp các làng quê của xứ Nghệ để sưu tầm các làn điệu Dân ca, Ví dặm. Các thế hệ nghệ nhân chúng tôi làm về Dân ca không vì mục đích để được ghi danh mà là để dân ca được phát triển, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Khi nghe tin UNESCO sẽ xem xét hồ sơ để vinh danh những sản phẩm của nhân dân lao động xứ Nghệ, tôi cảm thấy như chính mình được vinh danh vậy. Những thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ dân gian đi trước sẽ cảm thấy những nỗ lực của mình đã có kết quả. Nếu được vinh danh thì không có gì tuyệt vời hơn nữa, sản phẩm dân gian của chúng ta được thế giới ghi nhận, ghi danh. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, thứ đặc sản không nơi nào có được này từ lâu đã được vinh danh trong quần chúng nhân dân, được nhân dân sản sinh, nuôi dưỡng và phát triển. 

Thùy Linh (ghi)