Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một trong 46 hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong đợt này.
Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ ngày 24-28/11 tại Paris, Pháp. Trong dịp này, hồ sơ đề nghị công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ được trình để xem xét.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một trong 46 hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong đợt này.
Ví, Giặm là hai thể hát dân ca có ca từ bằng thơ dân gian cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát nên luôn được trao truyền, kế thừa và sáng tạo. Có rất nhiều điệu Ví, Giặm được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp như Ví phường vải, Ví đò đưa, Giặm ru, Giặm kể…
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân địa phương, làm nên bản sắc riêng của văn hóa xứ Nghệ, do vậy, việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là vấn đề được quan tâm gìn giữ.
PV