(Baonghean) - Vùng biển Nghệ An có đường biển kéo dài từ Mũi Xước (Quỳnh Lưu) đến Cửa Hội (Nghi Lộc) cùng với hệ thống cửa sông lớn như Lạch Thơi, Lạch Vạn, Lạch Cờn, Cửa Lò... Bao đời nay nhân dân chủ yếu làm nghề đi biển đánh bắt hải sản. Vì vậy nơi này sớm hình thành hệ thống tín ngưỡng phong tục rất phong phú trong việc thờ phụng các đấng tối cao, đặc biệt là tục thờ thần cá tại vùng biển Cửa Hội.

Từ xưa, người dân Cửa Hội chuyên nghề đánh bắt hải sản và một số ngành, nghề khác liên quan tới nghề biển như đóng tàu, đan lưới, chế biến hải sản... Vì cuộc sống gắn liền với biển nên những phong tục tập quán ở đây cũng mang bản sắc sông nước. Những ngư dân hàng ngày đánh bắt trên biển, phong ba, bão tố thường xuyên đe doạ đến tính mạng cũng như của cải mà họ phải dày công tạo dựng. Chính vì vậy, niềm tin của họ đã trở thành hệ thống tín ngưỡng, phong tục thờ thần rất phong phú. Ở vùng quê này có nhiều đền thờ các vị thần có sự nghiệp gắn với sông biển như đền Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, đền Tam Toà Thánh Mẫu, đền Vạn Lộc thờ Thái uý Nguyễn Sư Hồi,... và đặc biệt là đền Làng Hiếu – nơi chôn cất hài cốt và thờ bài vị Ngư Ông (cá voi) tức thần cá. 
 
images1092340_1.jpgĐền Làng Hiếu.
 
Cá voi là “linh ngư” ở Biển Đông, được ngư dân tôn kính nên họ gọi là Cá Ông, Ngư Ông, hay thần Nam Hải. Cá voi thường giúp đỡ các ngư dân gặp nạn ngoài khơi nên ngư dân tôn xưng làm thần. Chính vì vậy, ngư dân tuyệt đối không săn bắt và ăn thịt cá voi. Mỗi lần gặp cá voi mắc cạn đều ra sức cứu giúp và đưa cá ra biển. Khi cá đã ra biển, ngư dân còn tung gạo, muối xuống để cá voi có lương thực trở về biển an toàn. Khi gặp cá voi chết và dạt vào bờ, ngư dân nơi đây xem đó là điềm lành, là phúc đến, bởi mảnh đất này được thần cá chọn làm nơi yên nghỉ, được thần cá tin tưởng phó thác việc an táng.
 
Theo tư liệu sắc phong thì đền Làng Hiếu tại Cửa Hội được xây dựng từ triều Lê. Đền là nơi hợp tự thờ các vị thần, phật, ngoài ra, đây còn là nơi chôn cất hài cốt thần cá. Bên phải đền, ở phía ngoài có một khoảng đất rộng dành riêng làm khu lăng mộ của thần cá. Ở phía chính giữa là hài cốt thần cá. Trên lăng là nhà có 2 tầng chồng diêm, mái ngói đỏ tươi uốn đầu đao 4 góc. Trong lăng có đặt bệ thờ, chính giữa là bài vị thần Ngư; phía sát mái có đề 3 chữ Hán "Lăng Thần Ngư". Ngoài ra, ở đây còn có một hệ thống gồm 87 ngôi mộ thờ “thần cô, thần cậu” tức là các con của thần cá. 
 
Hiện nay, người dân Cửa Lò, Cửa Hội còn truyền tụng câu chuyện về thần cá: “Vùng Cửa Hội thường xuất hiện một con cá voi to như chiếc tàu, đã cứu vớt được rất nhiều ngư dân bị nạn, nên khi ngài mất, xác trôi vào bờ phải dùng tới 30 đôi chiếu mới đắp mà không hết. Lễ an táng Ngài rất lớn. Về sau bộ xương của Ngài được cất táng vào lăng chính của khu nghĩa trang Ngư Ông cạnh đền Làng Hiếu. Bộ xương cá voi này được gọi là Ngọc Cốt và được tôn thờ như thần của làng, xã. Hồn của thần cá theo lễ rước hàng năm của dân vạn chài ra biển Cửa Hội để hóa vào đàn cá voi hậu duệ chuyên cứu giúp người dân gặp nạn trên Biển Đông. Về sau hồn của Ngài quy tụ hóa thành phiến đá lớn trôi nổi ngoài Lạch Hội. Một chủ thuyền đi đánh cá trông thấy phiến đá như hình dáng một con cá voi dạt vào mạn thuyền, bèn vớt lên đưa vào bờ, dân làng làm lễ rước Ngài vào dựng trước khu lăng mộ thần Ngư Ông và các thần cô, thần cậu. Dân biển thường thắp hương cầu xin đều được phù hộ yên ổn, làm ăn phát đạt”. 
 
Hàng năm, ngư dân nơi đây thường tổ chức rước linh thần cá cùng các vị thần biển khác ra cửa biển để làm lễ cầu an và cầu xin 1 năm mưa thuận, gió hoà, được mùa đánh bắt hải sản. Đây là một tập tục tốt đẹp của ngư dân miền biển Cửa Hội nói riêng và Việt Nam nói chung, thể hiện tính đa dạng, phong phú trong đời sống văn hoá tín ngưỡng dân gian. Ngoài ra, vào tháng 3 hàng năm, ngư dân Cửa Hội lại tổ chức Lễ hội cầu Ngư với nhiều hoạt động như hội bơi chải, đua thuyền... thú vị, hấp dẫn, cuốn hút hàng nghìn người dân và du khách từ khắp nơi đến dự. 
 
Bài, ảnh: Vân Thắng