Hiện nay bên cạnh nhiều lao động đã thích ứng nhanh, tìm được việc làm phù hợp thì có rất nhiều người đang trong tình trạng chưa biết “đi đâu về đâu” để tìm kế sinh nhai. Trong khi đó, có một số công việc “hot”, trước đây thu hút nhiều lao động thì nay ế ẩm như: nghề giáo dục mầm non, giảng dạy tại các cơ sở ngoài công lập. Đến nay nhiều giáo viên ngoài công lập chọn hình thức chuyển đổi nghề nghiệp để kiếm sống. Báo Nghệ An ghi một số ý kiến của lao động và các cấp chính quyền trong vấn đề nỗ lực giải quyết việc làm trong tình hình mới.
Chị Trần Thị Lệ - Thị trấn Nam Đàn: Chọn hướng “ly nông bất ly hương”
Sau nhiều ngày vật vã ở TP Hồ Chí Minh để tránh dịch, mẹ con tôi cũng đã về được quê hương trong chuyến bay “0 đồng” nhờ sự kết nối của các cấp chính quyền. Về đến được đây việc đầu tiên tôi nghĩ là, mình sẽ làm gì để có điều kiện nuôi ba con nhỏ trong khi gia đình nội ngoại hãy còn nghèo. Sau nhiều ngày trăn trở và nhận được những sự trợ giúp của các cấp chính quyền tôi đã tìm ra hướng đi cho mình và các con khi chồng vẫn còn phải mưu sinh nơi làm cũ với nhiều rủi ro trong công việc. Tôi đăng ký lớp học nghề nấu ăn do Trường dạy nghề trên địa bàn đào tạo, và sau khi kết thúc khóa học tôi đã vay vốn để mở một quán ăn nho nhỏ. Tuy đã tìm được một hướng đi phù hợp nhưng con đường phía trước cũng khá chông gai khi hằng ngày vẫn phải trả lãi suất, mà khách cũng chưa có, đơn giản vì dịch vẫn còn phức tạp. Nhưng tôi tin rằng với sự quyết tâm và sự trợ giúp của cộng đồng tôi sẽ có công việc ổn định. Qua đây tôi vẫn cho rằng ngay ở quê mình lao động không thiếu việc làm, chỉ có điều là chúng ta có chủ động lựa chọn nó hay không, bởi khi đã chọn, chúng ta cần có hướng đi đúng đắn như trang bị tay nghề, tiếp cận với nguồn vốn vay để có một công việc ổn định.
Chị Trần Thị Lệ - Thị trấn Nam Đàn. Clip: Đinh Tuyên |
Chị Lê Thị Minh - Thị trấn Nam Đàn: Mong muốn tìm được việc làm phù hợp ngay tại quê nhà
Tôi về quê đã được hai tháng với hai con nhỏ và hiện đang chưa biết tìm việc làm ở đâu khi tay nghề của tôi không phù hợp với các ngành tuyển dụng ở các nhà máy, công ty trên địa bàn. Ở TP Hồ Chí Minh thời điểm dịch dã chưa hoành hành mỗi tháng tôi vẫn kiếm được 6 – 7 triệu đồng với nghề nhân viên quầy thuốc đông y, nhưng sau đó công ty nơi tôi làm đóng cửa thì tôi thật sự thất nghiệp. Trở về quê với tâm thế về rồi sẽ đi nhưng nay ở quê tôi cảm nhận được hơi ấm quê nhà và không muốn đi đâu nữa, muốn cho các con ở đây để được học hành đầy đủ, và mình cũng đỡ vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người. Thời gian qua, chính quyền cũng đã đưa ra nhiều hướng mở, bạn bè cũng giới thiệu nhiều nơi nhưng tôi vẫn chưa tìm được việc phù hợp. Mong rằng sẽ có đơn vị nào đó chấp thuận việc lao động có con nhỏ đang bú sữa mẹ và tạo điều kiện việc làm phù hợp với tay nghề. Cũng mong chính quyền địa phương kết nối với các đơn vị doanh nghiệp để giúp tôi có nơi làm việc phù hợp, ổn định cuộc sống.
Chị Lê Thị Minh, Thị trấn Nam Đàn - công nhân trở về từ TP Hồ Chí Minh. Clip: Đinh Tuyên |
Bà Trịnh Thị Huyên - Giám đốc Công ty CP Quốc tế Kazzen: Lao động cần tiếp cận công việc mới ở thời điểm trước Tết Nguyên đán
Trong thời gian qua chúng tôi đã nỗ lực chuyển hướng hoạt động kết nối việc làm với người lao động và thị phần việc làm mới cho lao động hồi hương. Theo đó Công ty đã kết nối được 5.000 - 10.000 vị trí việc làm ở Bắc Ninh và một số đơn vị trong tỉnh. Theo nhu cầu của phía tuyển dụng họ sẽ ký các hợp đồng với các hạng mục thời gian và không nhất thiết lao động phải có tay nghề, và sẽ trả lương theo tháng, theo ngày. Tất nhiên với những hợp đồng dài hạn thì lao động sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn. Kaizen cũng đang tích cực phối hợp với các địa phương như Thanh Chương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc,... để rà soát và tổng hợp phân loại nhu cầu việc làm của lao động. Tuy nhiên đến nay hiệu quả vẫn chưa thật sự khả quan, mỗi tháng chúng tôi chỉ mới thu nhận được khoảng 100 hồ sơ xin tuyển dụng, bởi phần lớn lao động vẫn đang ngần ngại với các chính sách của các nhà tuyển dụng, phần nữa họ đang có tâm lý chọn lựa giữa đi hay ở. Nhiều vùng miền lao động vẫn muốn ở nhà ăn tết tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng động viên và tuyên truyền cho lao động thấy được lợi ích việc làm ngắn hạn tại một số đơn vị trong thời điểm trước tết.
Ngoài ra tôi cho rằng nếu lao động có mong muốn tăng thu nhập bằng hướng XKLĐ thì thời điểm này là “điểm rơi lý tưởng” vì nhiều thị trường nước ngoài đã mở cửa và cần lượng lao động rất lớn, như Đài Loan, Xin-ga-po; các nước châu Âu... Lao động khi đã xuất cảnh được là sẽ có công việc ổn định. Thế nên nếu nhiều lao động còn ngần ngại trong việc lựa chọn thị trường việc làm có chính sách tốt, cần tính đến hướng XKLĐ.
Bà Trịnh Thị Huyên - Giám đốc Công ty CP Quốc tế Kaizen. Clip: Đinh Tuyên |
Ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch UBND Thị trấn Nam Đàn: Tạo điều kiện hết sức cho lao động hồi hương tiếp cận với các cơ hội việc làm
Trong thời điểm dịch vừa qua Thị trấn có tới 200 lao động về quê tránh dịch và đến nay có khoảng 70 người đã trở lại nơi làm việc cũ. Hơn nửa số lao động còn lại muốn ở lại quê hương ổn định cuộc sống tuy nhiên vẫn còn nhiều lao động chưa tiếp cận được với những cơ hội việc làm phù hợp. Để giải quyết việc làm cho lao động chúng tôi đã tích cực phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn, bên cạnh đó đối với những lao động muốn tiếp cận với việc làm "ngoài nhà máy" ngay tại địa phương sẽ được học nghề phù hợp và tạo điều kiện vay vốn. Hiện tại địa phương có nhiều lao động đã thích ứng với tình hình mới khi muốn an cư lạc nghiệp tại quê nhà, họ chọn nghề phụ hồ, xây dựng, đi theo các tổ nề, hoặc chọn các nghề mộc, làm bún bánh tại Làng nghề Quy Chính; hoặc mở nhà hàng ăn uống...
Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Phương- Giáo viên Trường Mầm non Milkway: Tìm việc làm mới dễ nhưng không ổn định, thu nhập bấp bênh
Nhiều tháng nay những giáo viên mầm non như chúng tôi đều phải tự xoay xở tìm công việc mới để mưu sinh. Bởi như tôi, từ Quỳnh Lưu vào đây để tìm kiếm cơ hội việc làm với nghề giáo viên mầm non, trước dịch mẹ con tôi vẫn có thể sống khá ổn nhờ đồng lương vào khoảng 5 – 7 triệu, nhưng từ khi cơ sở giáo dục mầm non đóng cửa tôi và hàng trăm đồng nghiệp khác rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, đi không được ở không xong, về nhà cũng không biết làm gì, ở đây thì không biết bao giờ nhà trường mới mở cửa trở lại để đón học sinh. Thế là mỗi người mỗi lựa chọn, người đi ship hàng, người phụ giúp cho các nhà ăn, người thì bán hàng online. Tôi cũng trải qua nhiều việc nhưng nay đang dừng lại ở việc bán hàng online để trang trải thêm khoản tiền nhà và tiền sữa cho con.
Chúng tôi mong rằng các cấp ngành sớm có hướng dẫn để Trường học ngoài công lập được hoạt động trở lại trong tình hình mới.
Ông Vũ Anh Tuấn – Chủ tịch hiệp hội các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Chủ tịch HĐQT Trường mầm non Happy Kid: Chưa biết xoay xở thế nào để tạo điều kiện việc làm cho giáo viên
Đến thời điểm này rất nhiều trường học mầm non ngoài công lập sống dở chết dở vì không đủ tiền “nuôi trường” và chi trả các khoản phí như điện nước, bảo vệ, vệ sinh môi trường. Đa số chúng tôi đều phải chịu một khoản lớn chi phí lãi suất ngân hàng, hàng tháng mà không biết lấy nguồn thu nào bù vào, nhiều hiệu trưởng trường mầm non chia sẻ rằng, nếu tình trạng này kéo dài nguy cơ mất cả trường cả nhà. Đó là điều dễ xảy ra, khi hầu hết các cơ sở giáo dục ngoài công lập đều đầu tư rất lớn và chỉ mới đi vào hoạt động thời gian ngắn.
Việc đóng cửa các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng khiến các giáo viên chuyển đổi nghề nghiệp và đến khi chúng tôi mở cửa sẽ rất khó tuyển dụng lại. Thế nên sự ảnh hưởng sau dịch đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói chung và các giáo viên ngoài công lập nói riêng là rất lớn. Vì vậy chúng tôi mong rằng các cấp ngành cần nghiên cứu cơ chế linh hoạt trong giai đoạn bình thường mới như một số tỉnh bạn để các trường ngoài công lập có điều kiện hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.
Ông Vũ Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Chủ tịch HĐQT Trường Mầm non Happy Kid. Clip: Đinh Tuyên |