(Baonghean) - Hôm trước, một tờ báo ở phía Nam đưa tin, tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang trong những ngày qua xuất hiện một số thương lái lạ mặt đến tìm thu mua lá mãng cầu xiêm 10 đến 15 nghìn đồng/kg lá tươi và từ 30 nghìn đến 45 nghìn đồng/kg lá khô. Nhiều bà con ở địa phương đã đổ xô hái lá mãng cầu trong vườn nhà mình đem bán. Thậm chí, nhiều hộ dân mới cải tạo lại vườn tạp trồng mãng cầu xiêm chưa cho trái nay hái lá bán, có hộ đốn luôn cả cây.
Chuyện không mới, không lạ vì kiểu mua bán khó hiểu, phi lý như vậy đã từng diễn ra rất nhiều, dư luận đã phản ánh nhiều rồi. Kết cục, người nếm “trái đắng” luôn là nông dân. Còn những kẻ chủ mưu thì luôn xa chạy, cao bay rất kịp thời và đúng lúc. Để lại những tình cảnh dở khóc, dở cười và hậu quả khó lường cho những người trót dại, cả tin vào những kẻ “buôn vịt trời” đó. Câu hỏi đặt ra ở đây là đã có bao bài học cay đắng về kiểu thu mua lạ đời đó mà sao người nông dân ở ta vẫn không chịu rút kinh nghiệm. Hễ cứ có ai trả giá cao một chút là nháo nhào, đổ xô quơ cào bán tất, bán tuốt.
Từ con đỉa ngoài đồng cho đến con cua, con cá trong ao rồi lá cây trong vườn, rễ cây trong rừng… Rồi nay là chặt cả cây vườn mãng cầu xiêm chỉ để bán lá. Khoan hẵng bàn đến chủ đích thật sự của những “thương lái lạ” khi vung tiền ra làm việc này mà chỉ bàn về động thái rất không bình thường đó của nông dân ta, là vì sao đã từng nhận lãnh không ít hậu quả nặng nề từ “thương lái lạ” mà người nông dân vẫn “nhắm mắt ” làm vậy? Có phải họ ngây thơ, khờ khạo và quá cả tin? Hay là chỉ biết hám lợi trước mắt như ai đó đã đánh giá khi nói về hiện tượng này? Cả hai nghi vấn đó đều không thật sự hợp lý và đúng với bản chất của vấn đề.
Người nông dân có thể cả tin, nhưng không hề ngây thơ, khờ khạo. Cả một kho tàng từ đối nhân xử thế cho đến những kinh nghiệm làm ăn trong sản xuất nông nghiệp trải qua bao đời đến nay vẫn còn giá trị sử dụng là một minh chứng. Còn lợi thì ai cũng ham, không riêng gì nông dân, nhưng vì sao họ lại hám lợi trước mắt đến mức đốn cả vườn cây ăn quả chỉ để bán lá. Đâu là nguyên nhân sâu xa của những hành động rất đau lòng và cũng rất khó hiểu này?
Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn thẳng và cần dũng cảm công nhận một thực tế rất đau buồn là chưa bao giờ sản phẩm do người nông dân làm ra được tiêu thụ với giá cả ổn định. Là một nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, nhưng rất ít khi giá lúa của người nông dân bán ra đạt được mức lãi như mong muốn của họ. Nhất là những khi được mùa, giá lúa rớt thê thảm, có lúc còn rẻ hơn cả rơm. Đây là nguyên văn một đoạn trong bài báo được đăng trên số báo Nhân Dân ra ngày 4/3/2015 “Còn tại tỉnh Kiên Giang, đến nay nông dân đã thu hoạch khoảng 120 nghìn ha lúa vụ đông xuân, trong tổng số hơn 307 nghìn ha, với năng suất bình quân ước đạt 6,55 tấn/ha, nhưng lại tái diễn tình trạng trúng mùa rớt giá. Tại huyện Tân Hiệp, lúa vụ đông xuân sớm đã thu hoạch cách đây hơn một tháng. Còn tại các huyện Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao, Hòn Ðất, Kiên Lương..., hơn 100 nghìn ha lúa cũng được nông dân thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Ðây chính là thời điểm giá lúa xuống thấp, một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, nông dân còn không bán được lúa, cho nên không khí vui Xuân đón Tết trầm lắng”. Tình trạng đó không chỉ diễn ra với cây lúa mà cả với các loại nông sản khác.
Thế nên mới có chuyện trâu, bò các tỉnh miền Trung năm ngoái thả cửa ăn dưa hấu vì không bán được. Áp Tết năm nay, ở Đà Lạt các nhà vườn phải đốn hoa để làm phân xanh hay phải bỏ tiền ra thuê người đi nhổ bỏ và đổ đi hàng đống su hào bởi cho cũng không ai lấy. Mấy tỉnh trồng mía ở phía Nam, có nơi nông dân đốt bỏ cả đồng mía vì quá lứa mà không có ai đến thu mua…Những chuyện đó, xảy ra thường xuyên và ai cũng biết, cũng thấy đau lòng thay cho nông dân, nhưng rồi những chuyện buồn đó năm nào cũng tái diễn. Không ở địa phương này thì địa phương khác, không ở loại rau, củ quả này thì loại rau, củ quả khác. Dẫn đến tình cảnh người nông dân vất vả, lam lũ quanh năm mà mức thu nhập luôn đứng ở mức thấp nhất và rất bấp bênh. Khiến họ luôn phải sống trong đợi chờ, thắc thỏm giá cả đầu ra.
Rõ ràng, trong tình cảnh đó, không ai đủ can đảm ngồi yên chờ đợi ở một nguồn lợi lâu dài từ loại cây, con nào đó mang lại. Vì năm nào điệp khúc buồn được mùa là mất giá cũng lặp lại để rồi được mùa mà kết cục cũng khổ như mất mùa. Thế nên, hễ thấy ai trả giá cao, “tiền tươi thóc thật” là họ bán ngay. Bất kể đó là thứ gì. Bán tức khắc để còn có chút tiền trang trải các nhu cầu thiết yếu và cũng bởi không biết chắc được ngày mai giá cả sản phẩm của mình sẽ như thế nào? Thậm chí không biết có bán được hay là không nữa. Cho nên, ai mua tất thì họ bán tuốt. Bán ngay lấy tiền cho chắc ăn không lại đến lúc cho không ai lấy phải mất công đốt hay đổ bỏ cho trâu bò nhai.
Nói thẳng, nói thật ra như vậy để thấy, người nông dân không ngây thơ, khờ khạo hay cả tin như ai đó vẫn nghĩ. Họ có lý lẽ riêng để đưa ra những hành động hợp với hoàn cảnh của họ. Còn họ chấp nhận làm vậy, chấp nhận mang tiếng là “hám lợi trước mắt” là bởi có ai đứng ra bảo đảm nguồn lợi lâu dài cho họ đâu? Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành động chặt cây ăn quả để bán lá trong câu chuyện dẫn ra ở trên!
Bụt Sơn