(Baonghean) - Nhâm nhi cữ cà phê cuối tuần, người bạn là giáo viên kể một câu chuyện khó xử xảy ra ở trường học. Có một thầy giáo mới chuyển về trường, khi dự tiết thao giảng đầu tiên của thầy, mọi người vô cùng ngưỡng mộ bởi lối dẫn dắt có duyên, kiến thức sâu sắc, phong phú. Khi thao giảng, thầy mặc comple, đeo cà vạt, rất sang trọng và lịch thiệp. Có thể gọi là “chất lượng cao” từ nội dung đến hình thức.  
 
Một thời gian thì nghe tin lạ. Không hiểu sao cả học sinh lẫn phụ huynh đều ca thán về chất lượng chuyên môn của thầy, có lớp còn đề nghị thay giáo viên. Nhà trường lại tổ chức tiết thao giảng để kiểm tra chất lượng chuyên môn của thầy. Thầy vẫn mặc com-lê, đeo cà vạt, và tiếp tục “thăng hoa”, tiết giảng sinh động, hấp dẫn, mẫu mực về kiến thức và phương pháp sư phạm.
 
Lấy làm lạ, ban giám hiệu phải vào cuộc tìm hiểu. Qua các kênh thông tin thì được biết, hôm nào thầy giáo này dạy thao giảng trước “ba quân thiên hạ” thì “cháy” hết mình, dạy nhiệt tình và vô cùng hay. Còn ngày thường thì uể oải, cầm chừng, “vật và vật vờ”. Có nghĩa là, thầy giáo này hôm nào mặc com-lê thì dạy rất hay. Còn hôm nào mặc sơ-mi thì lại đối phó, dạy cho hết buổi. 
 
Hóa ra, thầy không được học sinh và phụ huynh ghi nhận không phải vì không có năng lực, kiến thức và phương pháp mà do có vấn đề về lương tâm, tình cảm và trách nhiệm. Khi có sự theo dõi, giám sát của mọi người, khi thi thố trước đông người thì thực hiện công việc rất xuất sắc. Còn khi chỉ có thầy và trò với nhau thì thầy giáo này lại lên lớp theo kiểu đối phó. 
 
Câu chuyện của người bạn cũ gợi cho chúng tôi nhiều suy ngẫm. Một tiết dạy cũng như mỗi công việc khác, nếu ai cũng làm việc với tinh thần như đang mặc com-lê thì mỗi người đều trở nên hữu dụng, và cả xã hội là xã hội hữu dụng, tiến bộ, văn minh. Còn nếu mỗi tiết dạy, hay mỗi công việc, nếu có năng lực, có phương pháp, mà không có tinh thần vô tư, tận tâm, tận hiến, thì sớm muộn cũng sẽ trở thành người vô dụng, bị xã hội chối bỏ mà thôi.
 
Cây Ngô Đồng