(Baonghean) - Bé Bim hôm nay đi học về, chạy vào mách với mình vẻ ấm ức: “Bim bị đau bụng vì ăn bánh mỳ của bà bán hàng trước cổng trường. Cậu phải nhắn tin ngay cho bác Bộ trưởng Bộ Y tế để bác Bộ trưởng phạt bà bán hàng vì bán thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh nhé!”. Mình vừa buồn cười, vừa ngạc nhiên, trả lời:
 
- Cậu làm gì có số điện thoại của bác Bộ trưởng mà nhắn tin mách hộ Bim?
 
- Cậu lên facebook của bác ấy mà gửi tin nhắn, bạn Bon nhà hàng xóm hôm qua cũng vừa “mượn” facebook chị gái để mách bác Bộ trưởng vì bị bác sỹ tiêm đau ơi là đau!
 
Mình ngẩn người, Bộ trưởng mà cũng có facebook cơ à? Tìm tìm kiếm kiếm một lát trên facebook, quả có thấy Bộ trưởng Bộ Y tế thật. Mình hào hứng vào đọc hết một loạt các thông tin, thông cáo liên quan đến lĩnh vực y tế đăng tải trên facebook này, đồng thời cũng được biết Bộ trưởng còn nhận và hồi đáp các tin nhắn của người dân gửi đến thông qua hộp thư cá nhân của facebook. Quả là một cách tiếp cận người dân đầy mới mẻ!
 
Thực ra, mình cũng có quan tâm chút chút đến thời sự quốc tế nên việc các chính khách nước ngoài sở hữu các trang cá nhân trên mạng xã hội như facebook, twitter là điều mình không quá xa lạ. Thậm chí, trong một số bài báo nước ngoài, trích dẫn cả các dòng trạng thái do các chính khách cập nhật trên trang xã hội. Đó có thể là những suy nghĩ, quan điểm cá nhân về một vấn đề, sự kiện đang được dư luận quan tâm, nhưng cũng có khi là một kênh thông tin về chủ trương, quan điểm của cơ quan, tổ chức mà họ làm việc. Một mặt, điều này cho phép phổ biến thông tin rộng rãi, nhanh chóng và có sức lan toả lớn trong dư luận. Nhưng mặt khác, đó cũng lại là một môi trường truyền thông hết sức nhạy cảm, khi tính chính trị gắn liền với lợi ích, tư cách của tập thể gắn liền, giao thoa với quan điểm và tư cách cá nhân. 
 
Vừa rồi, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã khẳng định những trang mạng xã hội mang tên các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều là mạo danh (trường hợp của Bộ trưởng Bộ Y tế là ngoại lệ). Trên thực tế, bản thân các đồng chí lãnh đạo cũng có sử dụng trang mạng xã hội nhưng chỉ với mục đích đơn thuần là để giữ mối quan hệ với bạn bè, người thân chứ tuyệt đối không nhằm phục vụ mục đích nào khác. Có nghĩa là, dù ở vị trí, chức vụ nào đi chăng nữa, khi đến với trang mạng xã hội, họ cũng chỉ giữ tư cách cá nhân như bất kỳ người dùng nào khác. Đó là một sự cẩn trọng không hề vô nghĩa khi mà tính xác thực của thông tin và trách nhiệm của người dùng (nhất là trách nhiệm về mặt pháp lý) vẫn còn là những khái niệm khá mơ hồ. 
 
Thời gian vừa qua, nhiều bạn bè mình phàn nàn về quy định mới của facebook, yêu cầu người dùng phải sử dụng tên thật. Với người trẻ thích thể hiện cá tính, cái tôi thông qua các biệt danh, tên gọi vui thì có lẽ đây là một sự thay đổi không mấy được hưởng ứng. Tuy nhiên, nếu đặt suy nghĩ đơn giản về mạng xã hội như một nơi mà bạn có thể mặc sức bày tỏ suy nghĩ, quan điểm hay cá tính của mình, nên nhớ rằng môi trường này là ảo nhưng sức mạnh, khả năng lan toả và tác động của nó lên cộng đồng là cực kỳ hiện hữu. Ví dụ, hiện tượng mạo danh người khác trên facebook có thể đi từ một trò đùa tưởng chừng vô hại giữa bạn bè nhưng cũng hoàn toàn có thể là một tấn kịch lừa đảo, dẫn đến những thương tổn về mặt tinh thần và vật chất cho những người rất thật, chứ không phải là những con người ảo mà chúng ta biết đến qua một trang cá nhân với cái tên và một vài bức ảnh. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là phải loại bỏ những công cụ, môi trường như mạng xã hội hay rộng hơn nữa là mạng internet, các phương tiện truyền thông đại chúng, v.v và v.v. Đó là những công cụ phục vụ đắc lực cho cuộc sống của chúng ta, mối nguy hại tiềm tàng không nằm ở đó mà chính ở cách thức ta kiểm soát, điều khiển và sử dụng chúng. 
 
Hải Triều