(Baonghean.vn) - Có những phép tính nhẩm cực kỳ đơn giản, mà suốt cả một thời gian dài chả ai chịu nghĩ ra. Cả nước có 58 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng chỉ có hơn 11 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bằng 20%! Chỉ vọn vẹn 1/5 số người trong độ tuổi lao động đóng bảo hiểm. Hình như xưa nay nó vẫn là câu chuyện “rất đỗi bình thường”, nó bình thường đến mức chả ai còn nhận ra mai đây sẽ có đến 46 triệu người, hay nói cách khác là cứ 5 người đi làm thì có đến 4 người về hưu phải “uống nước lã” theo nghĩa bóng. 
 
Một câu chuyện buồn, chính xác là một thông tin đáng lo ngại. Chúng ta biết rằng, với người bình thường thì có thể chia cuộc đời ra làm 3 giai đoạn: Giai đoạn chưa đến tuổi lao động, giai đoạn trong độ tuổi lao động, và cuối cùng là giai đoạn sau độ tuổi lao động. Cái này trong dân gian thường nôm na gọi là “tuổi đi học” “ tuổi đi làm” và “tuổi nghỉ hưu”. Bao giờ tỷ lệ người trong độ “tuổi đi làm” cao nhất thì cơ hội để tăng trưởng kinh tế cũng cao nhất. Người ta gọi đó là thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Nước ta có 90 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới và thứ 8 ở châu Á.
 
Điều đặc biệt, bắt đầu từ năm 2007, với tỷ số phụ thuộc chung (nhóm dân số 0 đến 14 tuổi cộng với nhóm dân số trên 65 tuổi tính trên nhóm dân số 15 đến 64 tuổi) về dưới ngưỡng 50%, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Có thể nói đây là cơ hội vô cùng quý hiếm để chúng ta bứt phá đi lên. Tuy nhiên, điều này cũng dự báo trong một tương lai không quá xa, “vàng” sẽ hết. Lúc bấy giờ “đội quân” từ 58% kia sẽ bổ sung vào số người phụ thuộc chung, và câu chuyện gánh nặng xã hội là vấn đề không thể tránh khỏi. Chỉ có điều, hôm nay đây chúng ta đã làm được gì, đã chuẩn bị những gì để “gánh” nó? 
 
Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa long trọng kỷ niệm 20 năm thành lập. 20 năm “xây dựng và trưởng thành” với hai mươi phần trăm người tham gia bảo hiểm xã hội, một sự trùng lặp tròn trịa. Điều gì sẽ đến trong tương lai? Benjamin Franklin, một trong những vị “khai quốc công thần” của nước Mỹ, từng nói: “Một xu tiết kiệm là một xu kiếm được”. Có lẽ không cần thiết phải bàn về mức độ chí lý của câu danh ngôn để đời này. Đành rằng, nói đi thì cũng phải nói lại, sẽ là không công bằng nếu chúng ta hắt đổ toàn bộ câu chuyện “hai mươi phần trăm” trên vào khuôn viên trách nhiệm của ngành BHXH. Trong lần đi cơ sở nọ, người viết bài này được tiếp xúc với một công nhân thuộc diện “nói không” với BHXH. Khi hỏi vì sao không tham gia thì anh ta thõng thượt trả lời, “Biết có sống đến mai mà để củ khoai ngày mốt”.
 
Vâng, tư tưởng “được đồng nào xào đồng nấy” không phải là không tồn tại trong một bộ phận đáng kể người lao động. Ấy cũng là một thực trạng. Ngoài ra, cũng có khi vì những lý do khác nhau mà người ta chọn cách khác nhau để cất “củ khoai” làm “của để dành”. Có người say sưa gửi tiết kiệm, có người lại ky cóp để tích trữ vàng, thậm chí cũng có người chọn bảo hiểm nhân thọ làm nơi gửi gắm thông qua những sản phẩm “gợi cảm” kiểu như “Hưu trí an khang” gì đó. Nguyên nhân ư? Một là công tác tuyên truyền của chúng ta còn “nước đổ đầu vịt”. Hai nữa là lòng tin của người lao động vào BHXH, vào cả doanh nghiệp ít nhiều bị tổn thương sau không ít những vụ kiểu như sổ hưu bỗng nhiên bị giữ làm “con tin”. Rồi cả những phát biểu đây đó về nguy cơ “vỡ” quỹ bảo hiểm chẳng hạn.  Tất thảy đều tác động vào tâm lý không ít người lao động vốn dĩ mong manh.
 
Bên cạnh đó, những yếu kém trong công tác quản lý BHXH đang bộc lộ khá rõ. Ngay ở tỉnh ta, tính đến tháng 10/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN của toàn tỉnh đã lên đến hơn 192 tỷ đồng. Trong đó có 781 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 98,6 tỷ đồng. Chính việc nợ lớn, dây dưa kéo dài như vậy đã làm ảnh hưởng đến công tác thu của BHXH, sâu xa hơn là ảnh hưởng đến việc thực hiện an sinh xã hội, và chế độ chính sách cho người lao động tại các đơn vị nợ. 
 
Được biết, năm 2014, BHXH tỉnh đã mời 221 đơn vị thuộc diện “nợ bền vững” đến làm việc, nhưng vẫn có những đơn vị thậm chí mời làm việc đến 2 lần nhưng vẫn không chấp hành việc trả nợ, như: Cty CP Xi măng VICEM Hoàng Mai, Cty CP Thủy sản Nghệ An, Cty CP tư vấn xây dựng Sông Lam…. Theo thông tin của chúng tôi, tại Thành phố Vinh cơ quan BHXH đã không dưới một lần thắng kiện ở toà án nhưng lại “thua” ở khâu… thi hành án vì doanh nghiệp cứ “trơ” ra. Không thể nói thực trạng này không ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng và quyết định của người lao động trong việc tham gia BHXH. 
 
Trở lại với câu chuyện hàng triệu lao động về hưu sẽ không có lương. Lo lắng thông qua phát biểu của bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng là lo lắng chung của toàn dân. Đây là câu chuyện lớn, câu chuyện của ngày mai nhưng không chỉ của ngày mai. Cần lắm một sự chuyển biến về nhận thức của toàn xã hội ngay từ bây giờ. Cũng cần lắm một cơ chế chính sách đủ mạnh, đủ thông, đủ kịp thời. Làm sao có thể “bình chân” khi an sinh xã hội có nguy cơ bị đe dọa. Nhân đây, người viết bài này cũng mạo muội gửi gắm thông điệp đến người lao động rằng: Chúng ta hãy là người lao động trách nhiệm, thông minh và biết chia sẻ, chính chúng ta chứ không phải ai khác mới là người kiến tạo tương lai. Tham gia BHXH không chỉ là quyền lợi mà còn là sứ mệnh với chính bản thân mình, và với cả những người xung quanh. Có thể bằng cách này hay cách khác, chúng ta có “củ khoai”, nhưng chẳng nhẽ lại an lòng nhìn những người xung quanh xài “nước lã”?!
 
Nguyễn Khắc An