(Baonghean) - Hạnh phúc là gì? Đó là một câu hỏi đầy tính triết lý mang mầm mống triết học mà chưa một ai có thể trả lời thấu đáo. Dù ai cũng hướng đến hạnh phúc, như một bản năng tự nhiên. Chúng ta chỉ cảm giác một cách mơ hồ rằng hạnh phúc đi liền với sự đầy đủ, hài hoà. Một trạng thái viên mãn, không khiếm khuyết cũng không thừa thãi.
Người giàu liệu có hạnh phúc hơn người nghèo? Đặt ra câu hỏi này là bởi trên con đường đi tìm hạnh phúc, người ta thường hướng đến sự đầy đủ, sung túc về vật chất. Cũng dễ hiểu, bởi khó có thể nói đến hạnh phúc với cái bụng đói meo. Tuy nhiên, đó cũng vẫn chưa phải là điều kiện cần và đủ để đạt đến khiến con người ta thoả mãn một cách trọn vẹn. Trên thế gian này không thiếu những người sống buồn chán và bất hạnh trong cảnh thừa mứa vật chất. Nên người ta mới có câu: “Tiền không mua được hạnh phúc”. Nhưng nói như vậy, cũng không có nghĩa là người nghèo hạnh phúc hơn người giàu. Khi tâm trí ta còn vướng bận bởi nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền thường trực, chăm sóc cho đời sống tinh thần có lẽ sẽ là một điều xa xỉ.
Như vậy, làm thế nào để trở thành người hạnh phúc? Và hơn nữa, định lượng hạnh phúc như thế nào? Lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử văn minh thế giới, khái niệm về chỉ số hạnh phúc quốc nội đã được đặt ra như một tiêu chí đánh giá mức phát triển của xã hội tại Bhutan. Quốc gia nhỏ bé nằm ở Nam Á, giữa Ấn Độ và Trung Quốc này cũng là một trong số những quốc gia cuối cùng phủ sóng Internet và sóng truyền hình. Với những con đường nhỏ quanh co trên sườn núi, ở đây thậm chí còn không có cột đèn giao thông bởi người dân Bhutan cho rằng chúng không cần thiết và không hài hoà với cảnh quan, thay vào đó, họ chỉ cần một cảnh sát giao thông điều khiển là đủ.
Bhutan cũng là một điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ chú trọng bảo tồn nền văn hoá bản địa và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, môi trường sạch đẹp. Tuy nhiên, Bhutan không phát triển du lịch ồ ạt, mà đặt ra mức hạn chế lượng khách du lịch đến đây bằng cách đặt mức phí tạm trú khá cao, với lý do điều kiện hạ tầng, dịch vụ chỉ đáp ứng được cho một lượng khách nhất định. Nhờ vậy, môi trường và cảnh quan của đất nước không bị ngành công nghiệp du lịch tác động tiêu cực như ở một số quốc gia du lịch khác.
Cuộc sống ở Bhutan thoạt qua có vẻ đơn giản. Đơn giản đến mức người ta có thể hoài nghi và liên tưởng đến sự nhàm chán. Ấy thế mà Bhutan lại nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ người dân cảm thấy hài lòng với cuộc sống đạt mức cao nhất thế giới, dù tỷ lệ nghèo còn cao và mức thu nhập tại quốc gia này chỉ thuộc nhóm các nước thu nhập thấp. Để thấy, người ta hoàn toàn có thể sống hạnh phúc mà không cần phải quá giàu có. Cũng không cần quá nhiều hình thức giải trí như Internet, máy móc điện tử, truyền hình, tiệc tùng nhậu nhẹt,… Bởi sự ồ ạt, thừa thãi của tất cả những thứ trên không vô hại hoàn toàn, mà đi kèm với chúng là những yếu tố có thể tác động tiêu cực đến suy nghĩ, lối sống và cảm nhận của chúng ta. Đó là bạo lực - đầy rẫy trong phim ảnh, là sự cổ xuý cho lối sống xa xỉ đến mức vô cảm với những gì xung quanh ta, là sự vô độ ảnh hưởng đến sức khoẻ, an toàn của bản thân và của cộng đồng.
Tại sao chúng ta không cảm thấy hạnh phúc? Có lẽ là bởi ta cứ mãi theo đuổi một giá trị nhất định: tiền bạc, danh vọng, sự thoả mãn cho những thú vui cá nhân,… mà quên mất rằng hạnh phúc không là gì, nhưng cũng chính là tất cả những thứ trên. Tổng hoà lại một cách cân xứng, hài hoà để tạo nên một thể duy nhất, vừa đủ cho những gì chúng ta cần để có thể duy trì sự sống của mình một cách lành mạnh, không thiếu, không thừa. Hạnh phúc, chính là sự sống trong trạng thái thuần khiết nhất của nó. Quý trọng cuộc sống, trân trọng sự tồn tại của bản thân và làm sao để điều đó không vô nghĩa trong tổng quan hài hoà với mọi vật xung quanh, đó chính là chìa khoá để trở thành một người hạnh phúc.
Hải Triều