Theo đó, trước nguy cơ cháy nổ cao của loại hình nhà ở gia đình kết hợp với kinh doanh nên cùng với yêu cầu các cấp, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách pháp luật và quy định về phòng cháy, chữa cháy, UBND tỉnh nhấn mạnh 2 nội dung trọng tâm về quản lý nhà nước trên lĩnh vực PCCC là khẩn trương Ban hành quy định về đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình nhà ở gia đình riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; đồng thời thành lập đoàn liên ngành tổng kiểm tra an toàn phòng cháy ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bệnh viện, khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn. 

bna_dien_tap_cuu_ho_cuu_nan_pccc_tai_chung_cu_cao_tang4002796_922022.jpgDiễn tập PCCC và cứu nạn tại một chung cư cao cấp trên địa bàn TP. Vinh năm 2020. Ảnh: Nguyễn Hải

Kế hoạch cũng yêu cầu các sở, ngành chức năng và địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân tham PCCC và cứu hộ, cứu nạn; chủ động nắm chắc dự báo tình hình, kịp thời phát hiện, khắc phục, xử lý các hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và cứu hộ, cứu nạn; việc triển khai kế hoạch phải đồng bộ, quyết liệt để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm là cùng với tiếp tục chỉ đạo, triển khai hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn theo Luật Phòng cháy năm 2001 và sửa đổi năm 2013; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về PCCC trên địa bàn; nghiên cứu đổi mới hình thức và nội dung, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC, cứu hộ, cứu nạn đảm bảo thiết thực và có sức lan tỏa, có chiều sâu để cán bộ, viên chức và các tầng lớp nhân dân có thể hiểu được; xây dựng, nhân rộng các mô hình và kịp thời biểu dương các điển hình người tốt, việc tốt trong lĩnh vực PCCC, cứu hộ, cứu nạn.

Hiện trường vụ cháy quầy ốt kinh doanh tại đường Lê Hoàn, phường Hưng Phúc, TP. Vinh vào giữa tháng 4 năm 2021. Ảnh: Tư liệu CTV

Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC, chủ động nắm tình hình, rà soát, điều tra có bản đánh giá thực trạng công tác PCCC trên địa bàn, đặc biệt đối với các cơ sở, khu rừng trọng điểm có nguy hiểm, nguy cơ cháy nổ cao, các tuyến đường, nguồn nước, bến nước chữa cháy để triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy; chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành tổng kiểm tra an toàn phòng cháy trên địa bàn, tập trung vào các KCN, khu rừng, cơ sở sản xuất ở khu dân cư, kho hàng có nguy hiểm cháy nổ, nhà cao tầng…

Lực lượng chữa cháy tham gia dập lửa tại vụ cháy Phòng trà Fill trên đường Đinh Công Tráng, phường Lê Mao giữa tháng 6 năm 2021. Ảnh: Tư liệu

Yâu  cầu thực hiện hiệu quả công tác quản lý về PCCC trong đầu tư xây dựng, tổ chức thực hiện, chấp hành nghiêm quy định về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu PCCC đối với các công trình, dự án có nguy cơ về cháy và nổ. Ban hành và triển khai quy định đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình riêng lẻ và nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; rà soát các cơ sở công trình, phương tiện giao thông có tính chất đặc thù của địa phương để xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của địa phương về đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình, đối tượng đặc thù; thường xuyên rà soát, xây dựng và thực tập các phương án chữa cháy phù hợp thực tế; quan tâm khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu và sáng tạo về PCCC…

Lực lượng chức năng dập lửa, chữa cháy tại tại khách sạn Avatar trên đường Nguyễn Sỹ Sách. Ảnh: Cộng tác viên

Theo Kế hoạch này, UBND tỉnh giao Công an tỉnh là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy định đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình riêng lẻ và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; tham mưu để chỉ đạo thực hiện các giải pháp hiệu quả trong phòng, chống cháy, nổ mùa nắng nóng năm 2022, đặc biệt là triển khai các giải pháp phòng, chống cháy rừng; sưu tầm, nghiên cứu đổi mới hình thức nội dung tuyên truyền PCCC phù hợp với từng đối tượng; tham mưu để các cấp thành lập đoàn liên ngành mở các đợt cao điểm tổng kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp triển khai phương án đảm bảo PCCC và cứu hộ, cứu nạn theo các kịch bản, tình huống phát sinh được quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP về huy động lực lượng khi tình huống xảy ra cháy rừng.

Các Sở Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý KKT Đông Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng các quy định về xây dựng nhà ở, công trình đảm bảo yêu cầu phòng cháy; Sở Công Thương tăng cường kiểm tra điều kiện đảm bảo các cơ sở kinh doanh các loại vật tư, hóa chất nguy cơ cháy nổ cao; phối hợp với Công an và ngành Điện tuyên truyền cho người dân sử dụng an toàn điện và các chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ trong phạm vi quản lý và cao điểm về nắng nóng hoặc khi nhu cầu dùng điện tăng cao.
(Trích Kế hoạch số 73/KH ngày 28/1/2022 của UBND tỉnh).
 
Một trong những băn khoăn, lo lắng của lực lượng chức năng là nguồn nước chữa cháy tại các trụ nước rất yếu và thiếu. Trong ảnh là một trụ nước chữa cháy phía ngoài hàng rào KCN Bắc Vinh đang bị hư hỏng nặng và không có nước. Ảnh: Nguyễn Hải

Đối với UBND các huyện, thành, thị, Kế hoạch yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm, thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ thường xuyên đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó dân phòng và trang bị phương tiện phòng, chữa cháy cho lực lượng này giai đoạn 2021-2025; tiếp tục củng cố và xây dựng mới, duy trì hoạt động lực lượng dân phòng bảo đảm chế độ phụ cấp, phương tiện, dụng cụ chữa cháy theo quy định; đảm bảo 100% khu dân cư trên địa bàn phải tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có sử dụng lực lượng tại chỗ./.