762370_small_44720.jpgÔng Thìn đang chữa vết thương cho cò

(Baonghean.vn) - Cứ chiều về, hàng chục ngàn con cò trắng và nhiều loại chim khác lại trở về vườn ông Trần Đình Thìn ở Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Mảnh đất lành và tấm lòng của ông đã trở thành mái ấm thân thiết cho các loài chim, con người ông như giao hoà với thiên nhiên tạo nên vườn chim sinh thái duy nhất nơi miền tây xứ Nghệ.

 Đất lành...
 
Theo chân anh Nguyễn  Văn Công (người dẫn đường) chúng tôi vượt qua lòng thung trám mới tới xóm Ngọc Lâm. Dừng chân ở đầu xóm chúng tôi đã nghe tiếng hót, tiếng kêu của các loài chim náo động cả một vùng, nhưng cò trắng chỉ thấy mươi con bay lượn. Anh Công như đoán được thắc mắc của chúng tôi, tếu táo: “ Cò thì chỉ có buổi sáng và buổi chiều mới nhiều, giừ chúng đi kiếm ăn cả rồi. Đến chiều mà coi, cò về trắng cây. Nhà báo coi chừng nấp vô nhà không thì nó bỉnh toẹt lên đầu.”

Nhà ông Thìn nằm ở cuối xóm trong một vườn cây lâu năm rộng chừng 1ha. Khi chúng tôi đến, ông đang bơi dưới ao để cứu hộ những chú cò con vì hiếu động nên rơi khỏi tổ. Thì ra trên những cành cây vô số tổ cò treo lúc lỉu, tiếng chim non chờ mồi kêu chiếp chiếp. Ông Thìn nhẹ nhàng bắc thang lên đặt chú cò vào tổ rồi mới mời chúng tôi và nhà. Nhà ông thấp nhỏ, nhưng rất gọn gàng ngăn nắp, đồ đạc trong nhà cũng chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc dong và chiếc tràng kỷ lâu đời.
 
Ông trầm buồn: “Khi đêm gió to, nhiều trứng chim rơi vỡ, hơn hai chục con cò con bị hất xuống con thì chết, con thì bị thương, tui nhìn xót lắm. Những con bị thương tui dùng lá và thuốc rịt rồi đặt lên tổ rồi. Tội nghiệp”.
 
Khi được hỏi về bầy chim, ông hào hứng: “ Lâu lắm rồi, khoảng giữa tháng 3 năm 1990, lúc đó là buổi chiều tui đang ở trong nhà bỗng nghe ào ào như gió, sau đó là tiếng kêu huyên náo váng cả đầu, tui chui ra khỏi nhà thấy cò trắng bay lượn rợp trời , đậu kín vườn cây nhà mình, khiếp, hắn ỉa cả lên đầu tui tanh rình. Trẻ con thì súng cao su, người lớn thì súng hơi đến bắn, có người thấy cò nhiều hoảng quá lấy cả gạch đá ném làm cò hoảng hốt bay tao tác. Chúng bay đi hết nhưng chiều hôm sau chúng lại về. Lúc đầu tui cũng mặc, nhưng nghĩ lại thấy lạ. Tại mần răng trong làng, xã có nhiều vườn cây tốt hơn vườn nhà mình răng cò không độ lại độ nhà mình. Có lẽ đất lành chim độ . Chúng đã chọn vườn nhà mình thì không nên xua đuổi. Rứa là tui cấm săn bắn chim. Lúc đầu chúng về khoảng vài ngàn con rồi lại bay đi, chỉ còn một số ở lại làm tổ đẻ trứng và sinh con. Ngày đó tui đếm được hơn 70 tổ. Năm sau, khoảng tháng 3 âm lịch chúng không biết ở mô mà về đông lắm, khoảng 3-4 ngàn con. Hình như chúng mách với nhau để đến thì phải, cứ năm sau đông hơn năm trước, đếm không xuể. Chiều đến là chúng bay về đậu kín vườn, có một số con còn bay vào trú cả trong nhà, húc cả vô người mà nỏ sợ chi. Các chú chờ mà coi, khi chúng về, như một đám mây lớn che mát cả một vùng. Tui giừ quen rồi cứ đi mô xa vài, ba ngày là thấy nhớ cò kinh khủng, muốn về liền".
 
Duyên nợ
 
Bà Ngũ vợ ông Thìn tâm sự: “ Lúc đầu tụi trẻ con thì dùng súng cao su, ngưòi lớn thì dùng súng hơi, bẫy nhựa sục vô vườn cả ngày lẫn đêm. Ông Thìn ra cản thì họ nói. Chim trời chứ có phải chim của ông mô mà cấm. Mất ăn mất ngủ mấy ngày liền, sau đó ông xẻ ván cưa ra từng miếng, tui nỏ biết để làm chi, hoá ra là ông lấy sơn viết “Cấm săn bắn chim” rồi cắm xung quanh vườn. Tui và mấy đứa con lo lắm, nghĩ là ông điên rồi, ai lại mất ăn mất ngủ vì mấy con chim trời đó. Tui tự nhiên thấy ghét ông ấy lạ…”.    

Đàn cò về trên vườn ông Thìn

Không có ai ủng hộ ông, kể cả vợ con. Ông Thìn đơn thương độc mã “tuyên chiến” với số đông để bảo vệ đàn chim. Ông đi từng nhà có trẻ con khuyên các cháu và nói với phụ huynh nhắc nhở con em họ không dùng súng cao su bắn chim. Ông đến cả trường học để nhờ nhà trường tuyên truyền về việc bảo vệ đàn chim là bảo vệ môi trường. Những tay súng săn nói không được ông dùng biện pháp rắn. Tịch thu súng. Anh em họ hàng đến xin mấy con để cải thiện bữa ăn ông cũng không cho. Có một số cán bộ huyện, xã đến xin vô vườn bắn ông cũng kiên quyết không. Bà ngũ lắc đầu: “ Vợ chồng tui có 6 đứa, mấy sào ruộng làm không đủ ăn, có tháng phải ăn sắn, ăn rau trừ bữa. Khổ rứa mà một số người đến đặt vấn đề mua cả bầy chim bằng cách bẫy lưới với giá 2000-3000 đồng/con nhưng ông không bán, còn lớn tiếng đuổi họ ra khỏi nhà. Lúc đầu tui cũng tức lắm, nhưng dần dần hiểu ra việc ông nhà tui làm là đúng nên đã cùng con cái ra sức bảo vệ chim cho ông ấy”.
 
Ông Thìn nhấp ngụm nước chè vối, giọng buồn buồn: “ Tui bảo vệ đàn chim nên mất lòng với anh em làng xóm. Nhưng tui thà mất lòng họ còn hơn mất lòng chim. Người ta chưa hiểu rồi họ hiểu, còn chim bỏ đi thì khó có thể trở về được.”
 
Có một năm, đến cữ cò về (15-20/3) mà vườn cây vắng lặng chưa thấy gì, ông Thìn cứ vào ra như người mất hồn, ông đã bật khóc khi chờ mãi mà không thấy một cánh cò nào. Bầy chim trắng đã thành một phần cuộc sống của ông. Nhưng rồi, mấy ngày sau từng đàn cò trắng lại rủ nhau trở về bên ông. Ông vui mừng nhảy cẩng lên như đứa trẻ, nói với vợ: “ Tui với cò có duyên nợ, chúng nhớ tui nên chúng không bỏ được tui, bà thấy không?”. Bà Ngũ vừa tức vừa bật cười: “Ông thì chỉ có chim với cò, ra vuờn mà ở luôn với cò, cò không bỏ ông thì tui bỏ…”

Chúng tôi đang nói chuyện bỗng nhiên nghe rào rào, tiếp đến là tiếng kêu náo động cả một vùng. Ông Thìn nói: “ Cò về đó các chú”.  Ông dẫn chúng tôi ra vườn chim, vườn của ông chủ yếu là cây dung, tre, cọ, trám, bời lời lâu năm. Chúng tôi xin được vào bên trong vườn nhưng ông không cho. Ông bảo: “ Các anh muốn vô phải đến sáng mai, lúc đó cò đi kiếm ăn, bây giờ cò về không được đánh động. Tui luôn sợ chúng bỏ đi”. Chúng tôi đành đứng ngoài chiêm ngưỡng hàng trăm tổ chim lúc lỉu trên những cành cây, hàng ngàn con chim bay lượn, đậu trắng cả khu vườn.
 
Đêm đó ông Thìn mời chúng tôi ở lại nghe tiếng khóc của chim non. Khi không khí của miền quê đã chìm vào giấc ngủ, chúng tôi bắt đầu nghe nhiều tiếng chim non kêu, tiếng kêu chiếp chiếp lúc yếu ớt, lúc dồn dập lách trong đêm. Mắt ông ngân ngấn nước: “ Ngày nay ở huyện, xã mô cũng có người bẫy cò để bán. Tiếng cò kêu mà các anh đang nghe là tiếng khóc của những con chim non mất bố mẹ. Nghe chim non khóc vì đói, mất bố mẹ mà nhiều đêm tui không ngủ được".
 
Có lẽ gắn bó và yêu thương đàn chim nên suốt mười tám năm - như đến hẹn lại lên, cứ đến cữ 15-20/3 âm lịch là từng đàn cò trắng rủ nhau về vườn nhà ông trú ngụ và làm tổ cho đến tháng 10 mới tạm chia tay ông để đi tránh rét.
 
Hiện nay ông Thìn đang trồng thêm tràm, keo và mở rộng ao giữa vườn để tạo điều kiện thuận lợi cho bầy chim trú ngụ và làm tổ nhiều hơn. Tất cả việc ông làm như một duyên nợ với bầy chim trắng mà không hề có một khoản thu nhập nào.     
 


Nay vườn ông Thìn không những chỉ có cò trắng và nhiêu loại chim khác cũng kéo nhau về làm tổ. Mảnh đất lành và tấm lòng của ông đa trở thành mái ấm thân thiết cho các loài chim; con người ông như giao hoà với thiên nhiên tạo nên vườn chim sinh thái duy nhất ở Thanh Chương nơi miền Tây xứ Nghệ.


Lam Thuỷ - Yên Thành, Nghệ An