(Baonghean.vn) - Đó là chiếc vạc bốn quai bằng đồng có trên vài trăm năm tuổi của đất Mường Chai - Châu Thuận (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An).
“Đây là chiếc vạc có nguồn gốc từ Thanh Hoá trong dịp bà Chai - chủ Mường Chai thuở lập bản dựng mường - cho người ra đón Tạo Nọi về giúp mình cai quản Mường Chai. Chiếc vạc này được chính Tạo Nọi đưa về để dùng vào việc nấu cỗ tế trời trong lễ kết nghĩa của Tạo Nong và Tạo Nọi. Trong lễ tế này, được sự nhất trí và ngầm trợ giúp của bà Chai, nhân cơ hội Tạo Nong quá say, Tạo Nọi đã cùng trai tráng Mường Chai có mặt hôm đó đuổi đánh và giết Tạo Nong nhằm trừ mối hoạ cho đất mường khi Tạo Nong càng ngày càng tàn bạo đè nén dân mường... Từ đó chiếc vạc trở thành một phần không thể thiếu và được xem là linh khí Mường Chai...” Chủ tịch xã Châu Thuận (Mường Chai) Vy Ngọc Duyên nói với tôi khi tôi đến nơi bảo quản chiếc vạc bốn quai để tìm hiểu những lời đồn thổi thực hư được nghe về chiếc vạc đồng bốn quai có tuổi trên vài trăm năm của đất Mường Chai - Châu Thuận (Quỳ Châu- Nghệ An) hôm nay.
Chiếc vạc này từ trước đến nay vẫn được để trong trường mầm non Châu Thuận, bởi đây chính là vị trí của ngôi nhà của ông Đăm - người được giao giữ chiếc vạc theo luật tục đất mường. Thoạt nhìn, chiếc vạc đồng bốn quai này không có gì đặc biệt ngoại trừ kích cỡ của nó so với những chiếc vạc vẫn thường gặp. Chiếc vạc có 5 đường gân lớn cỡ ngón tay vòng quanh bên ngoài (ba đường phía trên và hai đường gần đáy) chu vi 2,4 mét, cao 40 cm trọng lượng khoảng trên dưới 30 kg được đúc bằng đồng đỏ có bốn quai chia đều bốn phía, đủ để nấu một lúc thịt của cả một con trâu trong lễ tế hàng năm.
Truyền thuyết về chiếc vạc bốn quai
Khoảng những năm cuối thế kỷ 18, khi đất Mường Chai dưới sự cai quản của Bà Chai - người con gái đầu của vợ chồng Căm Coóng, người lập bản dựng mường Chai ngày xưa - đã là nơi cư dân trong khu vực tìm về lập nghiệp. Bấy giờ giặc giã nổi lên, đã nhiều lần đất mường Chai bị chúng đánh cướp...Bà Chai đã già yếu, vậy nên đã cho người đi đón Tạo Nong (không rõ tên thật) là người giỏi ở vùng Cô Ba-Châu Bình (Quỳ Châu) về giúp mình cai quản đất mường. Tạo Nong về, tuyển chọn tráng đinh tổ chức đánh đuổi giặc cướp. Đất mường trở lại thanh bình. Nhưng khi đất mường không còn nạn giặc cướp, Tạo Nong ỷ mình có công lại trở nên hung bạo gây nên bao điều tàn ác với dân mường, trong đó có có điều luật do chính Tạo đặt ra và bắt buộc cả mường tuân thủ, đó là hàng ngày các gia đình trong mường phải luân phiên thay nhau đưa cơm rượu dâng cho nhà Tạo. Lại nữa, tàn độc hơn, tuy đã có đến ba bà vợ nhưng Tạo Nong lại bắt con gái trong mường trước khi về nhà chồng phải đến với Tạo ba đêm, ngay cả con gái mường khác về làm dâu đất mường Chai cũng vậy....
Một lần nữa, bà Chai lại phái người thân tín đi ra Thanh Hoá tìm người giỏi có thể chế ngự được Tạo Nong. Thế là Tạo Nọi - tên thật là Cầm Bá Hiệu quê gốc ở huyện Thường Xuân tỉnh Thanh Hoá - đã được vời về. Tạo Nọi về, bà Chai sai làm một lễ tế trời rất lớn để đón Tạo Nọi cùng với việc bố trí một lễ kết huynh đệ giữa Tạo Nong và Tạo Nọi để nhân cơ hội này diệt trừ Tạo Nong tàn ác. Để có thể nấu một lúc thịt cả một con trâu mộng để tế lễ theo luật tục, cần phải có một chiếc vạc lớn...Do vậy trước khi về mường Chai, từ Thanh Hoá, Tạo Nọi đã chuẩn bị và mang theo chiếc vạc bốn quai - vật gia bảo của dòng họ. Như tiền định, ngay trong lần đầu tiên dùng để nấu thịt trâu làm lễ tế, chiếc vạc đã chứng kiến cảnh Tạo Nong bị Tạo Nọi và trai tráng trong mường vây đánh đến chết. Từ đó, chiếc vạc bốn quai trở thành vật thiêng gắn liền với sự hưng thịnh đất mường Chai...
Nhiều lần chiếc vạc bị lấy cắp bán đi, một tháng sau lại được trả về đất mường. Lần mới đây nhất là vào năm 1990, chiếc vạc bị bán về vùng xã Diễn Hồng (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cách cả trên trăm cây số. Sau khi đưa chiếc vạc về, trong nhà chủ mới toàn xảy ra chuyện con ốm, vợ đau, chó, mèo, gà vịt.. thi nhau lăn đùng ra chết, đêm đêm nghe thấy ai đó nói vào tai hãy đưa ngay chiếc vạc về đất mường ...Ròng rã một tháng trời, cuối cùng họ cũng đành đưa chiếc vạc trả lại cho Mường. Ngay cả những tay chuyên săn lùng đồ cổ trong vùng cũng không dám có ý định chiếm đoạt chiếc vạc làm của riêng.
Chiếc vạc đồng bốn quai đã trở thành cổ vật của đất mường, có giá trị văn hoá tâm linh của người dân đất mường Chai.