762388_small_44874.jpgMộ bà Tú Lường Phạm Thị Tảo ở Đô Lương - Nghệ An
Bà Phạm Thị Tảo sinh năm Canh Thân (1860), con gái cử nhân Phạm Đăng Tuấn, em gái cử nhân Phạm Văn Khoa, quê ở làng Phượng Lịch, nay là xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Cha là Phạm Đăng Tuấn, Án sát tỉnh Ninh Bình, anh là Phạm Văn Khoa làm quan ở triều đình Huế. Gia đình quan Án sát Phạm Đăng Tuấn là một trong những gia đình nhà quan thanh liêm, giàu lòng yêu nước dưới triều Tự Đức. Các sĩ phu yêu nước thường lui tới đàm đạo việc lớn.

Chúng ta đã biết thời vua Tự Đức là thời thực dân Pháp xâm lược nước ta. Vào lúc Thành Ninh Bình thất thủ, bà Phạm Thị Tảo mới 12-13 tuổi, bà đã biết nguyên nhân giặc Pháp chiếm được Ninh Bình. Không phải do người đứng đầu là cha bà và các quan lại không biết điều binh khiển tướng, hoặc không cương quyết chống giặc giữ thành, cũng không phải quân lính tỉnh Ninh Bình hèn yếu, cũng không phải nhân dân Ninh Bình thiếu tinh thần dũng cảm và lòng yêu quê hương đất nước. Nguyên nhân trực tiếp chính là vũ khí của giặc tối tân hơn vũ khí của quân lính một tỉnh.


Bà Phạm Thị Tảo không những sớm hiểu biết về nhân luân đạo lý, nhân tình thế thái mà bà còn hiểu biết luật lệ triều đình thời phong kiến: "Người làm quan có trọng trách giữ thành, giữ đất, giữ tỉnh, bảo vệ dân mà để mất thành là phải tội chém đầu". Đồng thời, bà cũng biết cha bà làm quan át sát mà không giữ được Thành Ninh Bình thì bị án chém đầu là đúng luật, nhưng dù sao vẫn bị oan. Thời đó nhiều tỉnh, thành ở nước ta cũng bị rơi vào tay giặc. Mặt khác, bà là người có hiếu nên bà sẵn sàng chịu chết thay cha để cha sống mới có điều kiện nuôi sống và phục vụ bà nội của bà đã hơn 90 tuổi. Vì thế, bà đã viết đơn xin Vua chết thay cho cha mình. Cũng may, Vua Tự Đức sau khi xem xong đơn bà, đã tha tội chết nhưng phải đày cha bà lên Lạng Sơn. Tiếng thơm của bà không chỉ ở Diễn Châu, Nghệ An mà đã lan rộng ra cả nước lúc bà đang tuổi thiếu niên.


Bà Phạm Thị Tảo không những là người hiếu thảo nổi tiếng, bà còn là người hết lòng yêu nước, thương dân. Bà có người chị ruột là Phạm Thị Thức, thành lập gia đình cùng ông Võ Tính Thành. Đôi vợ chồng là một trong những người chiêu dân lập ấp thành lập ra Trại Lạt ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An ngày nay. Khi bà nội và cha bà quy tiên, bà sống với anh rể và chị ruột ở Trại Lạt. Trên đường từ quê nhà Phượng Lịch đến Trại Lạt, bà thường nghỉ lại ở làng Nghiên Thắng, thuộc xã Đông Sơn, vùng chợ Lượng, huyện Đô Lương. Qua nhiều lần đi về nghỉ lại ở làng Nghiên Thắng, bà bén duyên với ông tú tài trẻ là Nguyễn Cảnh Đỉnh, khôi ngô tuấn tú. Mối tình xứng đôi vừa lứa! Một bên là tú tài mới 25 tuổi đời, một bên là cô gái con quan đẹp người đẹp nết, tuổi vừa đôi mươi. Rồi họ làm lễ thành hôn. Thế là cô gái Phạm Thị Tảo theo phong tục cổ truyền đã trở thành bà Tú Lường khi mới 20 tuổi.


Cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Cảnh Đỉnh và Phạm Thị Tảo vừa đơm hoa chưa kết thành trái thì tú tài Nguyễn Cảnh Đỉnh lâm bệnh nặng, từ trần khi mới 27 tuổi đời, để lại người vợ trẻ và cái thai trong bụng mới được 3 tháng. Ông Tú Lường qua đời, bà Tú chịu cảnh "mẹ góa con côi" một mực thờ chồng, nuôi con hiếu thảo với bề trên của 2 gia đình.


Việc bà Tú Lường trở thành bản cảnh Thành hoàng của làng Đạo Lý thì sách báo có đôi chỗ chưa thật thống nhất. Chẳng hạn, chuyện bà Phạm Thị Tảo bỏ tiền ra chiêu dân lập ra Trại Lạt (Tân Kỳ).

Theo gia phả họ Phạm ở Phượng Lịch và các cụ già có trách nhiệm trong dòng họ Phạm thì việc thành lập Trại Lạt là do chị ruột của bà, là Phạm Thị Thức, cùng chồng là ông Võ Tính Thành và một số người khác đứng ra thành lập trại, mục đích khai hoang, tạo công ăn việc làm cho người nghèo khó, đồng thời tích trữ lương thảo để giúp nghĩa quân của các cuộc nổi dậy chống giặc Pháp xâm lược ở xứ Nghệ như: Cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) của Trần Tấn, Đặng Như Mai và phong trào Cần Vương của Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhạ, Nguyễn Văn Ngợi... Khi Trại Lạt hình thành thì bà Phạm Thị Tảo đang nhỏ. Bà chỉ làm nhiệm vụ liên lạc giữa Trại Lạt với một số chiến sĩ của tổ chức đó.

Thời gian này các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở xứ Nghệ rất có thanh thế, nhất là cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng làm chấn động cả nước. Đặc biệt, có tướng Nguyễn Văn Ngợi (có sách nói là Nguyễn Ngọc Ngợi, tức Tác Bảy, dưới trướng của Nguyễn Xuân Ôn) đã giết được tên thiếu úy Coóc chỉ huy quân Pháp và quân Nam triều tại trận Cồn Voi, làm cho bọn Pháp kinh hồn bạt vía. Quan Nam triều có người mừng có người lo.

Sau khi thiếu úy Coóc bị tướng Ngợi giết tại trận, giặc Pháp điên cuồng tìm cách bắt thủ lĩnh Nguyễn Xuân Ôn trên giường bệnh, vào tháng 7-1887. Tướng Ngợi không hề nao núng, ông vẫn tiếp tục củng cố lực lượng và chiến đấu tiếp đến năm 1893.

Lúc này, lực lượng nghĩa quân mỏng dần, lương thảo thiếu thốn, nhân lúc này bọn thực dân kết hợp với quân Nam Triều lại có gián điệp là Cổ Thông chỉ điểm nên chúng đã bắt được tướng Ngợi đem về quê ông là làng Chùa Me, giết ông và đốt phá cả làng cho hả. Nhân dân làng Chùa Me phải phiêu tán khắp nơi, mồ mả tổ tiên phải bỏ lại không ai chăm sóc.


Làng Chùa Me xưa sầm uất bao nhiêu thì bấy giờ hoang phế bấy nhiêu, mồ mả tổ tiên của nhiều dòng họ không ai chăm sóc. Bà Tú Lường rất đau xót. Bà nghĩ ra cách khôi phục. Dựa vào uy tín của cha là quan án sát và anh ruột Phạm Văn Khoa, bà đứng ra làm đơn xin phép khai hoang vùng đất cũ làng Chùa Me. Bà bỏ tiền của và quyên góp các nhà hảo tâm.

Kêu gọi nhân dân phiêu tán về làm ăn sinh sống trên mảnh đất cũ của mình. Khi làm ăn khá giả, dân làng có điều kiện chăm sóc mồ mả tổ tiên cha ông của mình. Chẳng bao lâu, làng Chùa Me lại sầm uất như cũ. Dân làng thấy công ơn to lớn của bà, đức độ lớn lao của bà và trí thông minh lý lẽ vững chắc của bà, họ xin ý kiến của bà đổi tên làng Chùa Me thành làng Đạo Lý.


Ngày 19/5 năm Nhâm Thân (1932), bà quy tiên hưởng thọ 73 tuổi. Nhân dân làng Đạo Lý nhớ công ơn của bà Tú Lường Phạm Thị Tảo đã lập đền thờ bà và lên Đô Lương xin chân hương về thờ bà vào các ngày Tết ngày giỗ và ngày sắc ngày vọng hàng tháng.


Gần đây, ngày 21-4-2008, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định về việc công nhận Di tích lịch sử văn hóa. Tại điều 1 ghi: Công nhận Nhà thờ họ Nguyễn Cảnh tại xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhà thờ này là nơi thờ ông bà ông Tú Lường và các vị Tiên tổ của chi họ Nguyễn Cảnh ở xã Đông Sơn. Còn nhà thờ Đại tộc của họ Nguyễn Cảnh, ở xã Tràng Sơn thì đã được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia từ năm 1991.


Qua việc tìm hiểu câu chuyện bà Tú Lường Phạm Thị Tảo ở Diễn Châu, ở Đô Lương và ở làng Đạo Lý, tôi thấy con cháu, chắt của bà Tú Lường và nhân dân làng Đạo Lý, xã Lý Thành, huyện Yên Thành rất muốn được tỉnh cho phép con cháu, nhân dân và các nhà hảo tâm bỏ kinh phí ra trùng tu tôn tạo lại Đền thờ bà Tú Lường ở làng Đạo Lý, và khi tỉnh đặt thêm tên đường ở Thành phố Vinh, cũng nên nhớ đến tên bà!


Bài, ảnh: TS. Hồ Bá Quỳnh - 35- Hồ Hán Thương - TP. Vinh