762372_small_44735.jpgMẹ Giang bên ngôi mộ liệt sỹ chưa biết tên
(Baonghean.vn) - Chiến tranh đã lùi xa hơn một phần ba thế kỷ; Cỏ đã xanh trên nền Thành Cổ Quảng Trị ! Rừng cao su, vườn hồ tiêu, nương chè, bãi sắn… đã phủ kín đất đỏ Cồn Tiên-Dốc Miếu, Đường 9-Khe sanh, Đông Hà, Cam Lộ…! Nhưng còn đó nỗi đau của hàng ngàn vạn người mẹ, người vợ, người con chưa tìm được người thân-dù chỉ một dòng tên ! 
 
Những ngày cuối tháng 7, Quảng Trị nắng chói chang, lòng người lại in màu trầm mặc, dường như cả không gian của vùng đất lửa “Vĩ tuyến” năm xưa đang tỏa ngát hương! …hàng triệu con người đang hướng về mảnh đất Quảng Trị làm nên sự linh thiêng bi tráng của bản anh hùng ca Dân tộc.
 
Trên hành trình đi tìm mộ người thân, tôi vào viếng nghĩa trang liệt sỹ Hồ Xá; Đây là nghĩa trang đầu tiên của Quảng Trị theo hướng từ miền Bắc đi vào. Nơi đây vừa diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ, trên năm ngàn ngôi mộ đang chìm trong màn sương khói và thoang thoảng mùi trầm hương. Tôi gặp bà Hoàng Thị Giang cùng con gái, con rể và hai cháu ngoại đang quây quần bên ngôi mộ khắc tên liệt sỹ Nguyễn Tài Lộc. Họ từ xã Khánh Hà, Thường Tín, Hà Tây vào. Chỉ vào tấm bia ngôi mộ khắc tên chồng mình, bà Giang nói với tôi giọng rưng rưng: “Ông nhà tôi hy sinh từ năm 1968 nhưng sau ba mươi năm gia đình mới biết phần mộ đã được quy tập về đây. Từ hồi đó đến nay, vào dịp 27-7 hàng năm, gia đình chúng tôi đều vào thăm viếng và dự lễ dâng hương tại nghĩa trang liệt sỹ cùng với địa phương ở đây.
 
Rời Vĩnh Linh, xe chúng tôi đang đi qua cầu Hiền Lương. Cột cờ "giới tuyến 17" vụt qua nhanh. Có ai đó ngồi phía cuối xe thốt lên: “Ơi câu hò chiều nay, sao nghe nặng tình ai”…nghe thật xúc động! Xe bắt đầu đi lên Cồn Tiên - Dốc Miếu. Tôi không thể nhận ra một Cồn Tiên-Dốc Miếu, bãi chiến trường từng được gọi là hàng rào điện tử bất khả xâm phạm của Mỹ năm xưa. Dọc hai bên đường quốc lộ san sát nhà cửa; cờ đỏ, băng rôn, khẩu hiệu trong ngày hội “uống nước nhớ nguồn” nổi bật trên nền xanh của những dải rừng cao su, những vạt đồi bạch đàn, những vườn hồ tiêu bạt ngàn ngút tầm mắt. 
 
Ngày 27/7/2008 thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu về thăm lại cây đa Gia Bình và bia tưởng niệm Liệt sỹ Cao Như Thiêm

Ngồi cạnh tôi là một người đàn ông trạc sáu mươi tuổi, đội mũ tai bèo và ôm khư khư  chiếc ba lô sờn cũ. Bắt chuyện, tôi biết anh là Nguyễn Văn Tám. Đây là chuyến trở lại Quảng Trị đầu tiên của anh kể từ sau ngày anh bị thương năm 1975. Câu chuyện anh Tám kể với tôi không phải là những trận đánh phản kích tử thủ với lính thủy quân lục chiến ở Thành Cổ  năm 1972 mà về Liệt sỹ Cao Như Thiêm quê ở xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu (Nghệ An): Đó là buổi sáng ngày 26-3-1968, trong một trận đánh không cân sức với tiểu đoàn lính “Trâu điên” của Mỹ ở Gio Linh, Cao Như Thiêm là người cuối cùng trong tiểu đội chốt giữ đài quan sát của Trung đoàn 27 đã bị thương và sa vào tay giặc. Kẻ địch không khuất phục được Thiêm, chúng đã trói anh vào gốc cây đa Gia Bình tại xã Gio An xả súng cho đến khi không còn nhận ra hình hài của Thiêm mới thôi. Sau này bà con ở Gio An kể lại rằng trong lúc địch xả súng vào người anh, Cao Như Thiêm vẫn ngẩng cao đầu hô vang  “Việt Nam nhất định thắng, Đảng lao động Việt Nam muôn năm”. Cây đa Gia Bình cũng đã bị bom đạn thiêu rụi vào năm1972. Giọng anh Tám bùi ngùi xúc động: “Biết được tin tại gốc đa Gia Bình năm xưa, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, thứ trưởng bộ quốc phòng, nguyên là trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 của chúng tôi  đã trồng lại một cây đa búp đỏ và bà con Gio An đã dựng bia tưởng niệm liệt sỹ Cao Như Thiêm, tôi mới khăn gói quyết làm một chuyến hành hương thăm lại nơi anh Thiêm và những đồng đội của mình đã hy sinh…”.
 
Chúng tôi đã về đến “Nhà đón tiếp thân nhân liệt sỹ” tỉnh Quảng Trị; Mọi người thường gọi đây là nhà đón tiếp “hai bảy tháng bảy” vì cứ vào dịp 27-7 hàng năm, đồng bào khắp cả nước lại trở về Quảng Trị được đón tiếp tại đây để được đưa đi thăm viếng hoặc tìm mộ người thân liệt sĩ. Ông Nguyễn Minh Hoàn giám đốc nhà đón tiếp cùng với các nhân viên của mình đang tất bật sắp xếp chỗ ăn nghỉ và điều hành phương tiện đưa các đoàn thân nhân đi đến các ngả có nghĩa trang liệt sỹ. Tôi khẩn khoản xin ông Hoàn được theo chuyến xe đi lên nghĩa trang Cùa tại xã Cam Chính (Cam Lộ) để tìm mộ hai người anh trai của vợ tôi đều hy sinh năm 1972; mặc dù hơn ba mươi năm nay trong hồ sơ bàn giao danh sách liệt sĩ, hai anh tôi được xác định là mất mộ; đã hai lần đi tìm kiếm không kết quả nhưng lần này tôi vẫn nuôi chút hy vọng mong manh về phần mộ của hai anh tôi có ở nghĩa trang Cùa. Chúng tôi đến nghĩa trang lúc trời đã ngả chiều, sau khi dâng hương ở chân tượng đài, mọi người tỏa đi các hướng để thăm viếng mộ người thân. Tôi lần lượt đi qua từng dãy mộ, gần một ngàn tấm bia khắc rõ tên tuổi, quê quán nhưng vẫn không tìm thấy một tấm bia nào khắc tên liệt sĩ Phạm Văn Diện, Phạm Văn Hiển anh tôi. Ông Cáp Kim Sinh, người trông coi nghĩa trang an ủi tôi: “ Tại nghĩa trang này có rất nhiều liệt sĩ của Sư đoàn 304 và bộ đội địa phương Cam lộ nhưng khi quy tập về đây đã không xác định được tên tuổi, quê quán, trong hàng trăm ngôi mộ chưa biết tên kia biết đâu có các chú ấy…”!
 
Đi theo ông quản trang đến khu mộ phía bắc của tượng đài, tôi đếm được gần ba trăm ngôi chỉ khắc đúng 5 chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”. Đến cuối dãy mộ ngoài cùng của khu nghĩa trang, một bà cụ tóc bạc phơ và 2 người cháu, một trai một gái ôm bó hoa tươi  đang thẫn thờ nhìn khắp lượt. Hai người cháu cho chúng tôi biết họ từ xã Hoàng Đạt, Hoàng Hóa (Thanh Hóa) vào. Bà nội của họ là cụ Nguyễn Thị Đài đã ngoài chín mươi tuổi, bà có hai người con trai và một người con rể hy sinh ở Quảng Trị và đều chưa tìm thấy mộ. Mẹ Đài ngồi xuống cạnh ngôi mộ, bàn tay nhăn nheo run rẩy xoa lên dòng chữ “Liệt sỹ chưa biết tên” ! Chúng tôi ai cũng nghẹn ngào, mắt rớm lệ. 
 
lễ thả hoa trên sông Thạch Hãn-QT tối 27/7/2008.

Tối hôm đó tôi may mắn được ông giám đốc nhà đón tiếp bố trí cho theo một đoàn cựu chiến binh của Trung đoàn 27 đi dự lễ thả hoa trên sông Thạch Hãn. Chúng tôi đến bờ sông khi trời đã đổ hoàng hôn; những chiếc bè hoa đã kết xong, hương, nến được thắp lên. Dòng sông Thạch Hãn đang dần tím... Thuyền của chúng tôi đã ra giữa sông. Những chiếc bè hoa rực lửa trôi đỏ mặt sông. Có ai đó bỗng thốt lên: “Đọc thơ của Lê Bá Dương đi !”; rồi một giọng đặc chất Nghệ cất lên:
 
      “Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ ;
       Đáy sông còn đó bạn tôi nằm ;
       Có tuổi hai mươi thành sóng nước ;
       Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm” ! 
 
Tuổi Hai Mươi của đồng đội tôi, của các anh tôi, của con mẹ Đài ở Thanh Hóa, của chồng mẹ Giang ở Hà Tây…đã mãi mãi trở thành sóng nước ngàn năm vỗ yên bờ bãi; đã mãi mãi hóa vào đất làm nên màu mỡ ruộng đồng! Các anh ngã xuống cho một Dân tộc đang hồi sinh !  
Bài ảnh: Trần Cảnh Yên - Diễn Thịnh-Diễn Châu-Nghệ An