Tỷ lệ tàu lắp thiết bị hành trình rất ít
Theo quy định tại Luật Thủy sản 2017, tất cả các tàu cá có chiều dài trên 15 m phải gắn thiết bị giám sát hành trình để quản lý trong quá trình khai thác trên biển. Đây cũng là một trong những yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) nhằm gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam về chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp.
Trong thực tế, nhiều chủ tàu cá chưa hiểu hết Luật Thủy sản năm 2017, nên không mặn mà với gắn thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, bởi họ nghĩ rằng việc đầu tư thiết bị hành trình chỉ để quản lý, giám sát chứ không mang lại lợi ích trong việc khai thác, đánh bắt hải sản. Bởi vậy, đến thời điểm này số lượng tàu đã gắn thiết bị giám sát hành trình tại các địa phương rất ít. Theo số liệu của Chi cục Thủy sản cho biết, đến thời điểm tháng 4/2019, cả tỉnh mới có 8 tàu được gắn thiết bị giám sát hành trình.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Chắt - Chủ tịch Hội nghề cá xã, toàn xã hiện có 19 chiếc tàu có chiều dài trên 24m và 65 chiếc tàu có chiều dài từ 15 đến 24m. Những con tàu này bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, đến nay mới có 4 chiếc tàu được ngư dân đầu tư gắn thiết bị giám sát hành trình.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm quản lý tàu khai thác trên biển, đồng thời thông suốt về thông tin liên lạc để chủ động trong các tình huống cứu nạn, cứu hộ, thông tin về ngư trường, thời tiết... Thiết bị sẽ được đồng bộ hóa; khi tàu thuyền ra khơi, hệ thống tự động báo về trạm bờ mỗi tiếng một lần để quản lý, giám sát.
Sẽ áp biện pháp mạnh
Theo thống kê, trên địa bàn Nghệ An hiện có 1.081 tàu từ 15 - 24m và 234 tàu có chiều dài trên 24m, chủ yếu tại các huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai.
Ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Nghệ An hiện có 3.521 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó có 1.089 tàu từ 15 - 24m và 234 tàu có chiều dài từ 24m trở lên. Thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, thời gian qua, Chi cục Thủy sản xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con ngư dân hiểu.
Ông Nguyễn Chí Lương cho biết thêm, tại Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC), do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức ngày 23/4, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo các địa phương tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Luật Thủy sản. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm tàu cá, ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu nghề cá trong tháng 5/2019.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị 28 tỉnh, thành phố ven biển khẩn trương hoàn thành cấp hạn ngạch giấy phép khai thác cho tàu cá xong trước tháng 7/2019; nghiêm túc thu hồi giấy phép tàu cá vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.
Ngày 8/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 26 quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Theo đó, lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá: Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình trước ngày 01 tháng 7 năm 2019; đối với tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét phải lắp trước ngày 01 tháng 01 năm 2020; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét phải lắp trước ngày 01 tháng 4 năm 2020.